Học trị liệu trong từng hành động nhỏ

Học trị liệu trong từng hành động nhỏ

Học trị liệu cũng không khó lắm

Học trị liệu nhiều khi cũng khá đơn giản, không phức tạp như nhiều người nghĩ. Việc đọc quá nhiều sách vở nhiều khi cũng là một cản trở lớn đối với người học trị liệu, bởi vì nhiều sách thì bạn sẽ bắt gặp quá nhiều tư tưởng, nhiều ý kiến, nhiều lời khuyên bảo của tác giả... rất rất nhiều thứ trong sách vở khiến cho những người học trở nên bối rối khi phải đối diện với một vấn đề trị liệu ngay cả khi nó đơn giản. Học trị liệu tự nhiên quan trọng nhất là quay trở lại nhận biết về tự nhiên, về những gì đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta, những gì mà tay có thể cảm nhận, mắt có thể nhìn rõ, tai có thể nghe rõ ràng.v.v.. Học trị liệu dựa quá nhiều vào tưởng tượng, suy luận, mong chờ thì thường ít đem lại hiệu quả trị liệu như mong muốn, thường những người trị liệu dựa quá nhiều vào kiến thức sách vở đa phần có năng lực trị liệu kém hơn những người dựa vào trực giác và cảm giác thực sự trong khi trị liệu.

Để tâm quan sát cơ thể trong từng hành động

Để quay trở về với thực tế, có một cách rất đơn giản đó chính là chúng ta quay trở lại với những việc làm của chúng ta trong công việc hàng ngày. Nhiều người chỉ tập trung khi họ trị liệu hoặc học tập, còn ngoài thời gian này thì đa phần ít có nhận biết thực sự đối với những công việc đơn giản trong ngày như những bước đi, cảm giác của bàn chân khi chạm vào dép, khi cầm đũa nấu ăn, khi cầm bát để rửa hoặc khi bạn cầm bàn chải đánh răng. Vì những hành động hàng ngày đã quá quen thuộc, vì thế ta "nhắm mắt" cũng có thể làm được, do đó vì thói quen chúng ta ít có để ý đến những việc làm đơn điệu như thế. Tuy nhiên, để trở thành người trị liệu tốt thì bạn đừng bỏ qua cảm giác mà những công việc nhỏ nhặt này đem lại, nó thực sự rất ý nghĩa và quí giá.

Ví dụ: khi bạn đánh răng thì chúng ta sẽ học như thế nào? đầu tiên bạn cần phải để ý xem tư thế của cơ thể đã ổn chưa, tức là phải để ý xem trong cơ thể mình có chỗ nào co cứng hoặc lệch lạc không, nếu có thì hãy nhanh chóng (trong 1-2 giây) buông sự co cứng đó ra để cơ thể trở về trạng thái cân bằng, mềm mại. Khi đứng, nếu quan sát tỉ mỉ bạn sẽ thấy trong cơ thể mình có không ít những điểm co cứng, đặc biệt là những vùng như vai, gáy, bắp tay, nách, ngực, thắt lưng, hông.v.v.. Sau đó khi bạn làm động tác cầm bàn chải lên và hãy quan sát xem tay của mình có bị căng cứng không, bắp tay có bị gồng thái quá không, cổ tay bạn thế nào.v.v.. Đây chính là việc học qua những điều nhỏ nhặt hàng ngày.

hoc tri lieu tung viec nho

Muốn giỏi thì phải học từ từ

Tóm lại, nếu thực sự bạn không thể tập trung quan sát cơ thể mình và điều chỉnh cơ thể trở về trạng thái thư giãn và thoải mái, thì bạn khó có thể trở thành người trị liệu giỏi được. Việc buông lỏng cơ thể là vô cùng quan trọng với những người làm trị liệu, bởi vì rất nhiều người không biết rằng trong khi trị liệu chúng ta bị nhiễm "bệnh" của người bệnh chính là do chúng ta không buông lỏng được cơ thể mình trong lúc trị liệu. Việc gồng cứng cơ bắp thái quá chính là một trong những nguyên nhân lớn làm cho những người trị liệu nghiệp dư bỏ cuộc hoặc bị chấn thương hoặc đau nhức mãn tính. Vì thế, hãy cẩn thận và để tâm nhiều hơn vào những hành động nhỏ nhặt hàng ngày bạn làm, bạn sẽ thấy mình tiến bộ lên rất nhiều mà không hề hay biết.