Đánh giá điều trị thoát vị cột sống thắt lưng bằng điện chân kết hợp máy kéo giãn cột sống

Hình ảnh thoát vị đĩa đệm

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (CSTL) là một bệnh hay gặp trên lâm sàng, ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, với tỷ lệ ngày càng tăng do thói quen sinh hoạt trong cuộc sống hiện đại. Bệnh chủ yếu xảy ra ở độ tuổi lao động do đó  gây ảnh hưởng nhiều tới nghề nghiệp – sinh hoạt của bệnh nhân, là một gánh nặng cho xã hội. Về điều trị thoát vị đĩa đệm, y học hiện đại có nhiều phương pháp khác nhau: Điều trị bảo tồn, can thiệp tối thiểu và phẫu thuật điều trị [5]. Điều trị nội khoa bảo tồn đã được đề cập đến từ lâu, nhưng phương pháp này có nhược điểm là các thuốc giảm đau chống viêm có khá nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến người bệnh. Kết hợp điện châm với kéo giãn cột sống trên cơ sở phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại với mong muốn giảm đau nhanh, khôi phục tầm vận động CSTL, nâng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo tính an toàn cho người bệnh, nghiên cứu tiến hành “Đánh giá tác dụng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng điện châm kết hợp kéo giãn cột sống” với 2 mục tiêu: 

  1. Đánh giá tác dụng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng của phương pháp điện châm, kết hợp kéo giãn cột sống.
  2. Khảo sát tác dụng không mong muốn trên lâm sàng của phương pháp.


II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1. Đối tương nghiên cứu
    • 66 Bệnh nhân được chẩn đoán xác định TVĐĐ CSTL được khám và điều trị nội trú tại khoa Châm cứu dưỡng sinh, Bệnh viện Y học cổ truyền TW từ tháng 3/2011 đến 9/2011.
    • Tiêu chuẩn chọn BN: 
      • Theo tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng của Saporta (1980) và chẩn đoán xác định bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ.
    • Tiêu chuẩn loại trừ:
      • Bệnh nhân có Hội chứng đuôi ngựa, có cầu xương giữa các đốt sống và các bệnh lý khác kèm theo: loãng xương, suy tim, lao cột sống, ung thư… và các bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.
  • 2.2. Phương pháp nghiên cứu
    • Thiết kế nghiên cứu: Thử nghiệm lâm sàng mở, có đối chứng. 66 BN được chia đều 2 nhóm:
      • Nhóm chứng: 33 bệnh nhân điều trị bằng phương pháp kéo giãn cột sống
        • Mỗi lần kéo 30 phút/ ngày 
        • Mỗi đợt điều trị 30 ngày 
    • Nhóm nghiên cứu: 33 bệnh nhân điều trị bằng điện châm kết hợp kéo giãn cột sống. Điện châm trước, kéo giãn sau 10 phút với liệu trình kéo giãn tương tự nhóm chứng.
      • Nếu bệnh nhân chỉ đau vùng thắt lưng, châm tả theo công thức huyệt: Giáp tích L1 – S1, Đại trường du, Dương lăng tuyền, Uỷ trung.
      • Nếu bệnh nhân đau từ thắt lưng lan xuống mông và chân theo đường đi của kinh bàng quang, châm tả bên đau theo công thức huyệt: Giáp tích L1-S1, Đại trường du, Trật biên, Thừa phù, Ân môn, Uỷ trung, Thừa sơn, Côn lôn.
      • Nếu bệnh nhân đau từ thắt lưng lan xuống mông và chân theo đường đi của kinh đởm, châm tả bên đau theo công thức huyệt: Giáp tích L1 – S1, Hoàn khiêu, Đại trường du, Dương lăng tuyền, Phong thị,Túc tam lý Huyền chung (GB 39).
    • Mỗi lần châm 30 phút/ngày, mỗi đợt điều trị 30 ngày.

III. BÀN LUẬN


3.1. Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu

  • Tuổi, giới:  Nhóm tuổi hay gặp nhất là từ 30 đến 50 tuổi, chiếm tỷ lệ 56,1%, kết quả này cao hơn  kết quả nghiên cứu của Hồ Hữu Lương [3] 49,1%. Theo thông báo của Hội cột sống học Bắc Mỹ (tháng 6 năm 2005) dấu hiệu tổn thương dây thần kinh hông to do TVĐĐ vùng thắt lưng có độ tuổi thường gặp từ 30-50 vì đây là thời kỳ hoạt động mạnh nhất của con người, cột sống phải thường xuyên chịu tác động của tải trọng cơ học, các chấn thương và vi chấn thương trong cuộc sống và nghề nghiệp. Bệnh gặp ở cả hai giới, tỷ lệ bệnh nhân nam là 53,03% cao hơn nữ là 46,97%                      (p >0,05). Có thể nói cả nam và nữ trong độ tuổi lao động đều có nguy cơ TVĐĐ như nhau.
  • Thời gian, mức độ : Nhóm bệnh nhân mắc bệnh trên 6 tháng chiếm tỷ lệ cao nhất 47% và mức độ nặng TVĐĐ chiếm 54,5%. Thời gian này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: ý thức người bệnh quan tâm tới sức khỏe, điều kiện kinh tế... Bệnh càng để lâu không được điều trị thì diên biến bệnh ngày càng tăng dần, mức độ bệnh càng nặng.

3.2. Kết quả nghiên cứu

 

  • 3.2.1. Sự cải thiện mức độ đau
    • Tất cả các bệnh nhân khi vào viện đều có triệu chứng đau, là dấu hiệu sớm nhất khiến bệnh nhân phải đi khám bệnh. Sau 15 ngày điều trị điểm đau trung bình của nhóm chứng giảm không đáng kể, ở nhóm nghiên cứu điểm đau trung bình giảm rõ rệt từ (p<0,05). Sau 30 ngày điểm đau trung bình của cả 2 nhóm đều giảm so với trước điều trị, nhóm nghiên cứu giảm nhiều hơn so với nhóm chứng (p<0,05). Theo Y học cổ truyền, đau là do kinh lạc bị tắc trở khiến khí huyết không thông gây đau. Châm cứu thông qua tác động vào huyệt và kinh lạc có thể đuổi ngoại tà, điều hòa dinh vệ, thông được kinh lạc do đó giảm đau “thông thì bất thống” [2]. Kéo giãn cột sống làm tăng chiều cao và thể tích khoang gian đốt sống do đó làm giảm áp lực nội đĩa đệm, điều chỉnh sai lệch của khớp đốt sống và đốt sống, làm giãn cơ thụ động, giảm co cứng cơ, giảm chèn ép rễ thần kinh do đó có tác dụng làm giảm đau trong thoát vị đĩa đệm.
  • 3.2.2. Sự cải thiện góc độ Lasègue.
    • Dấu hiệu Lasègue được áp dụng rộng rãi như một thăm khám lâm sàng đầu tiên đối với bệnh nhân đau lưng thấp và đau chân. Đây là triệu chứng đánh giá khách quan sự chèn ép của rễ thần kinh trên lâm sàng. Trước điều trị, góc độ Lasègue của hai nhóm là tương đương nhau. Sau 15 ngày điều trị, góc độ Lasègue trung bình cả 2 nhóm đều tăng (p<0,01) nhưng chưa khác biệt giữa 2 nhóm. Sau 30 ngày, góc độ Lasègue trung bình của nhóm nghiên cứu đã tăng cao hơn nhóm chứng (p<0,05).
    • Kéo giãn cột sống điều chỉnh lại các di lệch của khớp đốt sống và cột sống, giảm co cứng, giảm đau làm tăng đường kính dọc của khe gian đốt sống do đó làm giảm chèn ép rễ thần kinh, giảm các triệu chứng của kích thích rễ[4].
  • 3.2.3. Sự cải thiện độ giãn cột sống thắt lưng
    • Trong thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, sự hạn chế chức năng vận động của cột sống thắt lưng là hậu quả của triệu chứng đau do đó gây ra hạn chế tầm vận động cột sống thắt lưng. Trong đó động tác cúi gấp người được biểu hiện rõ nhất qua việc đánh giá chỉ số Schober. Trước điều trị, độ giãn cột sống thắt lưng của 2 nhóm tương đương nhau, sau 15 ngày điều trị thấy rõ sự cải thiện chỉ số Schober trung bình mỗi nhóm và sau 30 ngày thì sự cải thiện càng rõ rệt hơn ở nhóm nghiên cứu so với nhóm chứng. Nhờ có tác dụng của điện châm kết hợp với kéo giãn cột sống thắt lưng làm giảm đau, giảm co cứng cơ, giảm cong vẹo cột sống, tăng khả năng vận động và tính linh hoạt của cột sống do đó làm tăng độ giãn cột sống.
  • 3.2.4. Kết quả điều trị chung
    • Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy hiệu quả của phương pháp kết hợp điện châm và kéo giãn điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tốt hơn phương pháp kéo giãn đơn thuần sau 30 ngày điều trị. So sánh với kết quả các nghiên cứu điều trị thoát vị đĩa đệm bằng điện châm kết hợp vật lý trị liệu, nghiên cứu của chúng tôi đạt kết quả tương đương với nghiên cứu của Bùi Thanh Hà và CS[1] nghiên cứu điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng điện châm các huyệt giáp tích L1-L5, thứ liêu kết hợp kéo giãn, kết quả ở nhóm kéo giãn kết hợp điện châm đạt hiệu quả điều trị là 93,33% (tốt 80%; khá 13,3%). Tuy nhiên, cỡ mẫu trong nghiên cứu của tác giả chỉ là 15 nên kết quả còn nhiều hạn chế.
  • 3.2.5 Tác dụng không mong muốn trên lâm sàng
    • Trong suốt quá trình điều trị 30 ngày cho 66 bệnh nhân thuộc cả hai nhóm nghiên cứu, chúng tôi không nhận thấy có trường hợp nào bị tác dụng không mong muốn như nhức đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, thay đổi mạch, huyết áp hay đau tăng phải dừng điều trị... Điều này cho thấy tính an toàn của phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng điện châm kết hợp kéo giãn cột sống, đã được nhiều tác giả khẳng định.
    • Lauric Barclay, MD [5] nghiên cứu về điều trị bệnh đau thắt lưng mạn tính bằng châm cứu, thấy tỷ lệ bệnh nhân đau tăng <3%; chảy máu <3%; buồn nôn, chóng mặt <0,1%. Tác giả kết luận: “Châm cứu là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả thậm chí là cho phụ nữ có thai, trừ một số huyệt ở bụng”.

IV. KẾT LUẬN

  1. Kết quả điều trị: Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp điện châm kết hợp kéo giãn cột sống đạt kết quả rất tốt 21,2%; tốt 45,5%; trung bình 24,2% (cao hơn so với nhóm chứng - sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05).
  2. Tác dụng không mong muốn trên lâm sàng: trong quá trình điều trị, phương pháp này không có tác dụng phụ trên lâm sàng.

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam