Đánh giá sự thay đổi nhịp tim người bình thường sau gắng sức khi châm huyệt thần môn và nội quan

Nhịp tim

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


 
Tác dụng sinh học của huyệt cụ thể như thế nào luôn là những điều mà các nhà châm cứu học rất muốn làm sáng tỏ. Theo lý thuyết cũng như trong lâm sàng, Nội quan và Thần môn là hai huyệt có tác dụng quan trọng và thường dùng trong công thức huyệt điều trị các rối loạn giấc ngủ và bệnh lý tim mạch [1], [6]. Thực tế tác dụng của sự kết hợp đó đối với hệ tim mạch như thế nào? Đề tài nghiên cứu này được thực hiện nhằm những mục tiêu nghiên cứu sau:
Mục tiêu nghiên cứu:

  1. Xác định hiệu quả của châm bổ Nội quan - Thần môn trên nhịp nhanh xoang sinh lý sau nghiệm pháp gắng sức
  2. Xác định hiệu quả của châm tả Nội quan - Thần môn trên nhịp nhanh xoang sinh lý sau nghiệm pháp gắng sức
  3. Tỷ lệ những tác dụng không mong muốn (nếu có) của phương pháp điều trị trên.

 
Đối tượng nghiên cứu:

  • Tiêu chuẩn chọn đối tượng: tuổi 18 - 25, không phân biệt giới tính - nghề nghiệp; tình nguyện tham gia nghiên cứu với tiêu chuẩn:
    • BMI: 18 - 23
    • Có nhịp tim đều, tần số 70 - 90 nhịp/phút trước nghiệm pháp.
    • Trạng thái tinh thần bình thường trong ngày tiến hành nghiên cứu. 
  • Tiêu chuẩn loại:    
    • Sử dụng các thuốc ảnh hưởng tới nhịp tim.
    • Sử dụng các chất kích thích trước nghiên cứu 24h.
    • Tiền sử bệnh tim mạch, một số bệnh mãn tính, suy thận…
    • Đang mắc bệnh cấp tính, sốt, hoặc bệnh có tính chất cấp cứu. 
    • Vận động thể lực trong vòng 12 giờ trước thời điểm thực hiện nghiên cứu.
    • Phụ nữ đang hành kinh, có thai.
    • Đối tượng nghiên cứu lo âu, sợ kim.

Phương pháp nghiên cứu:

  • Phương pháp nghiên cứu mở, so sánh trước sau và so sánh với nhóm chứng.
  • Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu:
    • Chọn 90 đối tượng, phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm (ĐTNC bốc thăm). 
    • Nếu bốc thăm I: xếp vào nhóm châm tả huyệt Thần môn và Nội quan
    • Nếu bốc thăm II: xếp vào nhóm châm bổ huyệt Thần môn và Nội quan
    • Nếu bốc thăm III: xếp vào nhóm chứng: không châm cứu  
  • Các chỉ số theo dõi:  
    • Tần số tim trước, trong và sau khi châm cứu. Ghi nhận bằng máy Oximeter MAXCARE 109 liên tục mỗi phút trong suốt thời gian nghiên cứu.
    • Trị số huyết áp ban đầu, sau gắng sức, sau khi châm cứu. Ghi nhận bằng máy đo huyết áp OMRON SEM - 1 trước khi chạy gắng sức, sau khi chạy gắng sức, sau khi rút kim và sau 10 phút nghỉ. 
    • Triệu chứng không mong muốn (nếu có): chóng mặt, buồn nôn, ngất, lạnh chân tay, mạch nhanh, huyết áp tụt… 
  • Phương pháp phân tích số liệu. Số liệu được xử lý bằng phần mềm EXCEL 2003. 


BÀN LUẬN

 

  • Đặc điểm chung của nhóm nghiên cứu

    • Mẫu nghiên cứu không có sự khác biệt về tuổi, giới, nghề nghiệp, tình hình sức khỏe chung; điện tâm đồ và các chỉ số đều nằm trong giới hạn bình thường. Sự phân bố đồng đều này làm cơ sở cho việc đánh giá khách quan kết quả nghiên cứu. 
  • Kết quả giảm nhịp tim khi châm huyệt Thần môn và Nội quan
    • Nhóm châm tả sau 3 phút nhịp tim về trị số bình thường, sau 6 phút về chỉ số ban đầu; nhóm châm bổ sau 4 phút về trị số bình thường, sau 8 phút về trị số ban đầu. Theo lý thuyết của YHCT, Tâm chủ về huyết mạch, huyệt Thần môn là huyệt nguyên của kinh Thủ thiếu âm Tâm nên khi điều trị các bệnh về huyết mạch không thể thiếu Thần môn [5][2]; Nội quan là lạc huyệt của kinh Thủ thiếu âm Tâm bào, là huyệt giao hội với Âm duy mạch, một trong “lục tổng huyệt” đặc hiệu trị bệnh vùng ngực, có tác dụng ổn định thần kinh, an thần, chống rối loạn thần kinh thực vật, điều hòa nhịp tim và huyết áp [3][7]…do đó sự kết hợp hai huyệt Thần môn và Nội quan trong điều trị bệnh của Tâm tạng là cần thiết và đây cũng là kinh nghiệm của các nhà Châm cứu học từ xưa đến nay.
  • So sánh giữa thủ thuật châm bổ và châm tả
    • Nhóm châm tả sau 3 phút nhịp tim ≤ 100 nhịp/ phút, sau 6 phút trở về chỉ số ban đầu nhanh hơn so với nhóm châm bổ    (4 phút và 8 phút) nhóm chứng (6 phút và 12 phút). Theo nguyên lý về cơ năng sinh lý linh hoạt của hệ thần kinh của Wideskski [1, 4], trong trường hợp thần kinh ở trạng thái yên tĩnh, một kích thích nhẹ thường hay gây ra một hưng phấn nhẹ, kích thích mạnh thường gây ra một phản ứng hưng phấn mạnh, nhưng nếu thần kinh ở trạng thái bị hưng phấn thì kích thích mạnh sẽ chuyển sang quá trình ức chế. Do vậy khi nhịp tim đang nhanh châm tả sẽ làm giảm nhịp tim nhanh hơn châm bổ, điều này phù hợp với nguyên tắc điều trị của Y học cổ truyền “ Hư thì bổ, thực thì tả”; tình trạng nhịp nhanh xoang là bệnh cảnh thực theo Y học cổ truyền. 
  • Như vậy, có thể nói khi kết hợp châm huyệt Thần môn và Nội quan đã làm chậm nhịp nhanh xoang ở người bình thường sau gắng sức là do tác động vào hệ thần kinh phó giao cảm theo quan điểm của YHHĐ, còn theo Y học cổ truyền châm cứu luôn dựa vào các học thuyết âm dương, học thuyết kinh lạc, học thuyết tạng tượng để điều chỉnh sự quân bình của cơ thể phù hợp với môi trường xung quanh, phù hợp với cuộc sống hiện tại. Khi áp dụng thủ thuật châm bổ tả đúng với bệnh cảnh lâm sàng thì hiệu quả điều trị của châm cứu được nâng lên rõ rệt. 

KẾT LUẬN

 

  • Châm tả Nội quan - Thần môn: Sau 3 phút, nhịp tim < 100 nhịp/phút, sau 6 phút giảm 64 nhịp và trở về chỉ số ban đầu. Sự thay đổi có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
  • Châm bổ Nội quan - Thần môn: Sau 4 phút, nhịp tim < 100 nhịp/phút, sau 8 phút giảm 64 nhịp và trở về chỉ số ban đầu. Sự thay đổi có ý nghĩa thống kê với p<0,05.
  • Nghỉ ngơi (chứng): Sau 6 phút, nhịp tim < 100 nhịp/phút, sau 12 phút giảm 63 nhịp và trở về chỉ số ban đầu. Sự thay đổi có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
  • Khi châm tả tần số tim trở về chỉ số bình thường và ban đầu sớm hơn châm bổ và sớm hơn nằm nghỉ tự nhiên (p < 0.05).
  • Trong quá trình nghiên cứu không có tác dụng không mong muốn nào xảy ra.

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Bảo Châu (1993), Châm cứu học, Nhà xuất bản Y học, tr. 454-491.
  2. Ngô Anh Dũng (2007), Y lý y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, tr. 65-6, 76, 121-5.
  3. Bùi Mỹ Hạnh (2003), Nghiên cứu đặc điểm của huyệt Nội quan và ảnh hưởng của điện châm huyệt này lên một số chỉ số sinh học, Luận án Tiến sĩ y học, Đại học Y Hà Nội.
  4. Phan Đình Lựu (2008), Sinh lý học Y khoa tập I, Nhà xuất bản Y học, tr.139-142.
  5. Lê Hoàng Sơn (1997), Giáo trình lý luận cơ bản YHCT (lưu hành nội bộ), Bộ môn Y lý cổ truyền trường Trung học Y học cổ truyền Tuệ Tỉnh II-Bộ Y tế, tr.26-7, 54-61, 63, 66.
  6. Trần Thúy (1992), Châm cứu giản yếu, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tr.12, 31.
  7. Cai RL, Hu L et al (2007), “Effect of electroacupuncture of “Shenmen” (HT7) and “Zhizheng” (SI7) on cardiac function and electrical activities of cardiac sympathetic nerve in acute myocardial ischemia rabbits”, Zhen Ci Yan Jiu, 32(4):243-6.

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam