Đánh giá tác dụng điều trị của xoa bóp bấm huyệt kết hợp kéo dãn trên bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

 
 
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (cervical disc herniation) đứng hàng thứ hai trong các bệnh về cột sống cổ (chiếm 14%).Nguyên nhân chính của bệnh là quá trình lão hóa, tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp và đĩa đệm gây mất đường cong sinh lý, hẹp khoang gian đốt sống và lỗ động mạch. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, hoạt động của con người ngày càng phong phú, đa dạng. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường khởi phát ở độ tuổi lao động, liên quan đến tư thế lao động nghề nghiệp như ngồi, làm việc phải cúi cổ lâu hoặc động tác đơn điệu lặp đi lặp lại của đầu, đòi hỏi sự chịu đựng và thích nghi của cột sống cổ.
Theo y học cổ truyền, thoát vị đĩa đệm không có bệnh danh riêng mà được xếp vào phạm vi Chứng Tý. Bệnh nhân đau vùng vai gáy YHCT gọi là kiên tý.
Hiện nay, phương pháp xoa bóp bấm huyệt kết hợp với kéo giãn cột sống cổ đang được sử dụng phổ biến tại khoa khám bệnh của các bệnh viện y học cổ truyền, với ưu điểm dễ thực hiện, giá thành phù hợp với nhiều bệnh nhân, không yêu cầu các thiết bị hiện đại… Tuy nhiên chưa có một công trình nghiên cứu nào đánh giá tác dụng điều trị của 2 phương pháp này khi sử dụng phối hợp trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ trên lâm sàng. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm mục tiêu: Đánh giá hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt kết hợp với kéo giãn cột sống cổ.


II.  ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1. Phương tiện nghiên cứu

    • Thang điểm VAS của hãng Astra - Zeneca là thang điểm đánh giá mức độ đau của bệnh nhân
    • Ghế ngồi kéo giãn cột sống cổ YXZ -II - TQ 
  • 2.2. Đối tượng nghiên cứu

    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo Y học hiện đại
      • Bệnh nhân không phân biệt giới tính, nghề nghiệp.
      • Không quá 70 tuổi.
      • Được chẩn đoán xác định là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ biểu hiện triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh phù hợp nhau.
      • Mức độ chèn đẩy của đĩa đệm trong giới hạn 1/3 ống sống.
      • Chưa điều trị ngoại khoa 
      • Không áp dụng phương pháp điều trị nào khác trong quá trình tham gia nghiên cứu.
    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo Y học cổ truyền: Bệnh nhân thuộc chứng kiên tý.
    • Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân: Không đảm bảo các tiêu chuẩn trên
  • 2.3. Phương pháp nghiên cứu

    • Thiết kế nghiên cứu và cỡ mẫu
      • - Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu theo phương pháp thử nghiệm lâm sàng mở, so sánh trước sau điều trị.
      • - Theo mẫu chủ đích n = 50 bệnh nhân. 
    •  Địa điểm và thời gian nghiên cứu
      • - Trung tâm bệnh lý cột sống khoa Khám bệnh Bệnh viện YHCT Trung Ương.
      • - Từ tháng 02/2012 - tháng 12/2012
    • Cách thức tiến hành
      • Khám tuyển 50 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn nghiên cứu
      • Kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt: Theo kỹ thuật của y học cổ truyền
      • Liệu trình: xoa bóp bấm huyệt 15 ngày, mỗi ngày một lần x 30 phút.
      • Phương pháp kéo giãn cột sống cổ:
        • Sử dụng ghế kéo giãn cột sống cổ. 
        • Bệnh nhân đeo đai kéo giãn vào theo đúng kĩ thuật và trình tự.
        • Bệnh nhân ở tư thế ngồi, lực kéo theo phương thẳng đứng.
        • Lực kéo tăng dần, lực kéo trung bình 8 - 12kg, trong thời gian kéo bệnh nhân ngồi thả lỏng thân mình.
        • Liệu trình: kéo giãn cột sống cổ 15 ngày, mỗi ngày một lần x 15 phút, ngay sau khi xoa bóp bấm huyệt.

III. BÀN LUẬN

 

Phương pháp xoa bóp bấm huyệt kết hợp với kéo giãn cột sống để điều trị bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, cột sống cổ với các ưu điểm: đơn giản, tiện lợi, dễ thực hiện, giá thành phù hợp với nhiều bệnh nhân, không yêu cầu các thiết bị hiện đại 

  •  Đặc điểm chung của bệnh nhân trong nghiên cứu

    • Về tuổi:Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ở bảng 1 cho thấy, tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nghiên cứu là 48,38 ± 11,10 trong đó ít nhất là 27 tuổi, nhiều nhất là 67 tuổi, nhóm tuổi từ 40 - 49 tuổi và 50 – 59 tuổi chiếm đa số với 30% và 32%. 
    • Theo y học cổ truyền người bệnh thường mắc trong thời gian dài, nên chính khí trong cơ thể đã suy giảm, chức năng của các tạng phủ hư suy, đặc biệt là can, thận, tỳ… là những tạng phủ chủ về cân cốt, cơ nhục. Đồng thời khí huyết trong cơ thể cũng suy giảm, làm phần dinh vệ, tấu lý sơ hở, tà khí ở bên ngoài dễ xâm phạm vào mà gây bệnh.
    • Về giới tính: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi theo biểu đồ 1 thu được, số bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ ở nữ giới là 32, chiếm 64% cao hơn ở nam giới là 18 BN chiếm 36%, đặc điểm này có liên quan đến nghề nghiệp.
  • Kết quả điều trị

    • Về cải thiện điểm VAS trước và sau điều trị: Bệnh nhân đến bệnh viện hầu hết do đau vùng cột sống cổ, do đó để đánh giá hiệu quả điều trị của bệnh, trước tiên phải đánh giá mức độ giảm đau của bệnh nhân sau điều trị. Trong nghiên cứu của chúng tôi kết quả bảng 2 cho thấy: Trước điều trị, tỉ lệ bệnh nhân có mức độ đau vừa và đau nhiều chiếm đa số với 54% số bệnh nhân đau nhiều và 40% số bệnh nhân đau mức độ trung bình. Còn lại 6% số bệnh nhân có đau mức độ ít và không có bệnh nhân nào không đau. Điểm trung bình VAS trước điều trị là 5,89 ± 1,64. Sau điều trị, số bệnh nhân không đau và đau ít chiếm 94%, còn lại 6% bệnh nhân đau mức độ trung bình. Trung bình điểm VAS sau điều trị là 2,36 ± 1,23. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Điều này chứng tỏ phương pháp điều trị bằng xoa bóp bấm huyệt kết hợp với kéo giãn cột sống cổ có hiệu quả làm giảm đau ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. 
    • Kéo giãn cột sống có tác dụng giãn cơ, giảm áp lực nội đĩa đệm, lực kéo giãn dọc theo cột sống sẽ tác động vào nhiều điểm khác nhau của đoạn cột sống làm các khoang đốt được giãn rộng, do đó giải phóng chèn ép, làm bệnh nhân đỡ đau.
  • Về kết quả điều trị chung

    • Qua kết quả nghiên cứu của chúng tôi ở biểu đồ 2: sau điều trị, số Bệnh nhân đạt kết quả tốt và khá chiếm 90%, 8% số bệnh nhân đạt kết quả trung bình và 2% số Bệnh nhân đạt kết quả kém. Như vậy phương pháp xoa bóp bấm huyệt kết hợp kéo giãn cột sống cổ điều trị tốt đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm
    • Nhiều tác giả cũng đã chứng minh vai trò của xoa bóp bấm huyệt trong điều trị các chứng đau cổ mạn tính. Tác giả Yip Y.B và cộng sự (2006) tại bệnh viện đa khoa Hung Hom, Hong Kong đánh giá hiệu quả của bấm huyệt điều trị các chứng đau, co cứng cơ vùng cổ gáy với liệu trình là 3 tuần, kết quả: 23% số bệnh nhân giảm mức độ đau (p < 0,05), 23% số bệnh nhân giảm co cứng cổ (p<0,001) và 39% số bệnh nhân cải thiện các động tác vận động cột sống cổ. Các tác giả cho rằng bấm huyệt có tác dụng điều trị đau, giảm co cứng cơ vùng cổ gáy.
  • Về biểu hiện co cứng cơ cạnh sống

    • Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thu được theo bảng 3 cho thấy:  Trước điều trị 100% số bệnh nhân có biểu hiện co cứng cơ cạnh sống cổ, sau điều trị số bệnh nhân co cứng cơ cạnh sống là 4 chiếm 8%, còn lại 92% số bệnh nhân không còn biểu hiện co cứng cơ cạnh sống. Điều này phù hợp với tác dụng của xoa bóp bấm huyệt và kéo giãn cột sống làm giãn cơ, mềm cơ, giảm đau 

IV. KẾT LUẬN


Qua nghiên cứu trên 50 Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt kết hợp kéo giãn cột sống chúng tôi rút ra kết luận:

  • Tác dụng giảm đau: Thể hiện giảm điểm VAS trung bình từ 5,89 ± 1,64 trước điều trị xuống 2,36 ± 1,23 sau điều trị. Sự khác biệt có ý nghĩa với p<0,05.
  • Giảm co cứng cơ vùng cổ gáy: 100% bệnh nhân trước điều trị có co cứng cơ thì sau điều trị đạt 92% bệnh nhân không còn biểu hiện co cứng cơ vùng cổ gáy.
  • Kết quả đạt 90% loại khá tốt, và 8% đạt loại trung bình

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 

  1. Bộ môn Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội (2004), Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 102 – 108.
  2. Nguyễn Nhược Kim, Trần Quang Đạt (2008), Châm cứu và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, Nhà xuất bản Y học, tr 37 – 225.
  3. Hồ Hữu Lương (2006), Thoái hóa cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm, Nhà xuất bản Y học, 256 trang.
  4. Blossfeldt P. (2004), Acupuncture for chronic neck pain – a cohort study in an NHS pain clinic, Acupunct. Med. 22(3), pp.146 – 151.
  5. David J., Modi S., Aluko A. A. et al. (1998), Chronic neck pain: a comparison of acupuncture treatment and physiotherapy, Br. J. Rheumatol., 37(10), pp. 1118-1122.

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam