Tương tác giữa thuốc Y học cổ truyền và thuốc Hoá dược

Thuốc thảo dược và thuốc hoá dược

Từ hàng ngàn năm nay, thuốc yhct với nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với con người và môi trường, có tác dụng điều hòa, lập lại sự cân bằng trong cơ thể, ít độc hại và tác dụng phụ đã có vai trò quan trọng trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân loại. Ngày nay với định hướng kết hợp y học hiện đại và y học cổ  truyền với mục tiêu lấy sức khỏe con người là trung tâm, cùng với ý thức tự chăm sóc sức khỏe của cộng đồng được nâng cao, thuốc y học cổ truyền, có nguồn gốc dược liệu ngày càng được ưa thích và sử dụng rộng rãi.

  • Chỉ tính riêng ở Hoa kỳ, hàng năm có khoảng 15 triệu người sử dụng các thuốc có nguồn gốc cây cỏ với các mức độ khác nhau nhằm điều trị, dự phòng nhiều chứng bệnh với tổng chi phí khoảng 30 tỷ đô la [7].
  • Ở Việt Nam tuy chưa có thống kê đầy đủ số người sử dụng và  tổng chi phí hàng năm. Nhưng mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận thuốc yhct do phần lớn là thuốc OTC, thậm chí có thể có thể mua ngay từ thúng, mẹt bầy bán thuốc trong chợ làng, thu hái ngay quanh vườn nhà. Nguồn cung ứng thuốc Y học cổ truyền hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do một số lượng lớn nhập qua đường tiểu ngạch, thu hái bào chế, bảo quản theo kinh nghiệm, không kiểm soát được chất lượng [5].
  • Một nghịch lý hiện nay là trong khi nhu cầu sử dụng thuốc Y học cổ truyền/ đông y đồng thời với thuốc hóa dược / tây y trong cộng đồng và trong các cơ sở y tế ngày càng phong phú, đa dạng thì tri thức của người dân và cả phần lớn nhân viên y tế về tương tác giữa hai loại thuốc này lại nghèo nàn đến mức đáng báo động. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ dễ thấy nhất là cho đến nay chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức tới tương tác thuốc cổ truyền và hóa dược trong quản lý nhà nước, nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lưc, giáo dục sức khỏe cộng đồng [6]
  • Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm qua nhiều thế kỷ, y học cổ truyền đã có những quy định khá chặt chẽ về sự phối ngũ (tương phản, tương ố, tương sát, tương úy tương tu, tương sử) cũng như những cấm kỵ khi dùng thuốc, khi uống thuốc.Ví dụ: Cam thảo không được cùng dùng (tương phản) với hải tảo, nguyên hoa, cam toại, đại kích. Ô đầu tương  phản với bán hạ, bối mẫu, bạch cập 
  • Y học hiện đại trên các cơ cở nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng về dược lý, dược lực học của từng loại thuốc đã có chỉ định, chống chỉ định, cảnh báo chặt chẽ, về cách phối hợp giữa các nhóm, các loại thuốc.
  • Tuy vậy cho đến nay, trên cả hai bình diện quốc gia và quốc tế, vẫn chưa có văn bản qui định có tính pháp lý, được công nhận rộng rãi liên quan tới sự phối hợp đồng thời giữa thuốc cổ truyền và thuốc hóa dược. Các thầy thuốc lâm sàng còn rất lúng túng, thiếu tự tin, thiếu thông tin và kinh nghiệm khi tư vấn, kê đơn phối hợp đồng thời hai loại thuốc.
  • Trong nhiều năm gần đây, tương tác giữa thưốc cổ truyền và hóa dược đã được nhiều nhà khoa học, y học trên thế giới quan tâm. Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều trang web về chuyên đề này được tổ chức, phát triển tại Hoa Kỳ, Đan Mạch, Singapore, Trung Quốc và nhiều nước khác.
  • Tuy vậy cho đến nay các nghiên cứu đầy đủ về sự tương tác giữa thuốc cổ truyền và hóa dược còn rất ít, nhiều kết quả nghiên cứu còn gây tranh cãi.
  • Năm 2010, Tạp chí American college of cardiology đã có cảnh báo về sự gia tăng nguy cơ ở những bệnh nhân tim mạch do sự tương tác giữa những thuốc hóa dược và thuốc y học cổ truyền được sử dụng đồng thời. Trên cơ sở những dữ liệu được thống kê và lưu trữ của Medline và Pubmed từ 1966 đến 2008, một số thuốc yhct như Nha đảm tử, Sơn tra, Đan sâm, Bạch quả, Phấn phòng kỷ,  Phụ tử chế… được cho là có thể làm tăng các tác dụng không mong muốn trên các bệnh nhân tim mạch do sự tương tác với các thuốc hóa dược [1;3].
  • Các nghiên cứu theo mô hình mù đôi ở Đan mạch (2003) lại cho biết ginkgo biloba (bạch quả) không ảnh hưởng tới hiệu ứng lâm sàng của wafarin. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên năm 2005 cũng cho thấy dịch chiết bạch quả không ảnh hưởng tới tác dụng lâm sàng trên hệ thống đông máu của aspirin và wafarine. Một số kết quả nghiên cứu thực nghiện lại báo cáo về hiệu ứng gây chảy máu khi khi xử dụng đồng thời bạch quả với aspirine hoặc warfarine. Bạch quả còn có thể gây tăng huyết áp khi cùng dùng với thuốc lợi niệu nhóm thiazide, thậm chí gây hôn mê khi kết hợp với trazodone (thuốc điều trị trầm cảm thế hệ hai).
  • Nhân sâm (Panax ginseng), có thể làm tăng hiệu ứng vaccin cúm, giảm độ tập trung  của aspirine và wafarine, gây tình trạng hưng cảm nếu cùng dùng với Phenelzine.
  • Piper methystycum (kava) có thể làm giảm đáp ứng của bệnh nhân parkinson với levodopa, gây ra tình trạng bán hôm mê khi cùng sử dụng với alpra zolam.
  • Piper nigrum linn (Hồ tiêu) có thể làm tăng AUC (area under the plasma concentration - time curve) của phenytoin, propanolon, theophylline.
  • Siberian ginseng (Sâm siberi) có thể tăng độ hấp thu vào máu của digoxin.
  • Ma hoàng và các chế phẩm có Ma hoàng không dùng đồng thời với:
    • Các thuốc giảm đường máu.
    • Các loại thuốc giảm huyết áp và các thuốc trấn tĩnh vì đều làm giảm tác dụng của thuốc.
    • Digoxin, Dương Địa hoàng và các thuốc cường tim. 
    • Các nội tiết tố tuyến thượng thận.
  • Hoàng liên, Hoàng bá, Hoàng cầm, Thảo ô, Phụ tử, Diên hồ sách, Ma hoàng, Mã tiên tử không dùng với:
    • Pepsin, amilase và các loại men.
    • Glucosamin, KCl, FeSo4 và các loại muối kim loại do dễ tạo kết tủa.
    • Strychnin, atropin và các loại có alcaloid khác thuốc.
  • Diên hồ sách không dùng với các loại thuốc có tác dụng hưng phấn thần kinh như cafein, amphetamin do tác dụng đối kháng nên  gây giảm tác dụng thuốc
  • Địa du, Ngũ bội tử, Kha tử, Biển súc, Hổ trượng không dùng với: 
    • Các loại viên men (như viên men tụy) vì gây giảm hoạt tính các men
    • Digoxin, glucocalci, sulfat kẽm sulphat sắt, các thuốc có kim loại khác do có thể gây kết tủa làm biến tính và giảm tác dụng.
    • Các loại thuốc có amonopyrin như pyramydon aminophenazon do có thể gây kết tủa làm thay đổi hoạt tính, làm giảm tác dụng thuốc.
    • Các loại Vit b1, b6 do hiệu ứng tổng hợp làm giảm tác dụng thuốc.
    • Các thuốc thuộc nhóm Rifamicine, erythromycin, tetraciline, griseofulvin, sulfamid…
  • Nhân trần và các chế phẩm không dược dùng cùng Cloromycetin
  • Đại hoàng và các chế phẩm có đại hoàng không phối hợp cùng:
    • Các loại men vì có tác dụng ức chế, giảm tác dụng men 
    • Riboflavin (Vit B2), nicotin, cafein, theophyllin vì làm giảm tác dụng diệt khuẩn của Đại hoàng.
    • Cloromycetin: do làm giảm tác dụng chế tiết của Đại hoàng.
  • Sài hồ, Tang diệp, Hòe hoa, Trắc bách diệp, Sơn tra không phối hợp với các thuốc có: CaCO3, MgSO4, Hydroxide nhôm vì các điện tử kim loại hình thành các hợp chất làm giảm độ hấp thu thuốc.
  • Nhân sâm, Hoàng kỳ, Long đởm thảo, Đại hoàng và các thành phẩm (đều có chứa hoạt chất là  Saponin) không cùng dùng với: 
    • Vit C, Nicotin, pepsin, acide glutamic vì tác dụng phân giải saponin, giảm tác dụng của thuốc.
  • Sơn tra, Ô mai, Sơn thù du, Ngũ vị tử và các chế phẩm không dùng với các loại;
    • Sulphamid, erythromicin, aspirin, furantoin, aminiphyllin. 
  • Đào nhân, Hạnh nhân, Bạch quả, Tỳ bà diệp không được cùng dùng với các loại thuốc gây mê, giảm ho như codein, thiopental vì có thể tăng tác dụng ức chế trung khu hô hấp, tăng độc tính thuốc.
  • Cam thảo và các chế phẩm có Cam thảo không phối hợp với các thuốc:
    • Quinin, atropin vì có thể gây kết tủa, giảm hấp thu, giảm tác dụng thuốc.
    • Digoxin và các thuốc cường tim, vì có thể gây tăng mẫn cảm của tim với thuốc dễ gây ngộ độc thuốc.
    • Insulin và các loại giảm glucose máu 
    • Aspirin và các loại cùng nhóm vì có thể tăng nguy cơ loét đường tiêu hóa.
    • Các loại thuốc lợi niệu tăng đào thải kali như: Hydrochlorothiazide, Ethacrynic vì dễ gây giảm nặng kali máu.
  • Các loại khoáng vật: Long cốt, Thạch cao, Minh phàn không phối hợp cùng: Prednison, isoniazid.
  • Các loại thuốc động vật như Mật gấu, mật rắn không dùng cùng với quinidin do dễ tạo thành các hợp chất mới, khó hòa tan, giảm tác dụng chống loạn nhịp của thuốc.

Yêu cầu bổ túc sự thiếu hụt những tri thức cần thiết về tương tác giữa thuốc hóa dược và các thước cổ truyền hiện rất cấp bách, nhưng không dễ  đáp ứng ngay vì đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kinh phí.Việc cần làm ngay là các thầy thuốc trước khi kê đơn, tư vấn cần dành thời gian  nhiều hơn tới các thông tin liên quan về tương tác thuốc trên internet, trên các website chuyên nghành. Những thông tin nhận được từ các nguồn này có thể chưa chính thống, nhưng chắc chắn ít nhiều có tác dụng giúp các thầy thuốc đỡ lúng túng, tự tin hơn.Với người có nhu cầu kết hợp thuốc để nâng cao sức khỏe, phòng chữa bệnh, hãy cố gắng tối đa để trở thành những người tiêu dùng thông minh, đọc kỹ các hướng dẫn trước khi dùng, xin ý kiến tư vấn của các thầy thuốc khi có điều kiện, khi cần thiết.Mặc dù đã khá muộn, các cấp, ngành, các đơn vị có liên quan, các nhà khoa học, các cán bộ y tế cần dành sự quan tâm thỏa đáng tới tương tác thuốc cổ truyền và hóa dược trong quản lý nhà nước, nội dung và chương trình đào tạo các nguồn nhân lực, nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng, tuyên truyền giáo dục sức khỏe cộng đồng.  

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Xu hao, Chen ke ji. Herb-drug Interaction: An emerging issue of  integrative medicin. Chin J  Integr Med 2010  Jun: 16(3); 195-196.
  2. Mai quảng Nguyên (1997)… Nội khoa cấp trọng chứng trung y chẩn đoán cấp cứu toàn thư; Quảng đông khoa kỹ xuất  bản xã, 516-523.
  3. Hu Z, Yang X, Ho PC… Herb- drug interations: a literature review. Drugs. 2005; 65 (9); 1239-82.
  4. Tachjian A, maria V, Jahangir A. Use of herbal pruducts and potentions interaction inpatients with cardiovascular diseases. J Am coll cardiol 2010; 55; 515-525.
  5. Lê Đình Phái (1996). Những vấn đề dược học dân tộc. NXB Đà Nẵng, 
  6. Chu Quốc Trường, Trần Lưu Vân Hiền, Nguyễn Thị Minh Tâm (2004). Nghiên cứu bào chế 50 vị thuốc y học cổ truyền thiết yếu. NXB Hà Nội.
  7. Awng DV, A Fugh Berman. Herban interation with cardiovasculas drugs. J. Cardiovasc. nurs. 2002. Jul. 16 (4): 64-74.
     

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam