Xoa bóp bấm huyệt khi bị Liệt Mặt (Trúng phong)

Xoa bóp bấm huyệt trị liệu liệt mặt ngoại biên đạt kết quả cao

Nguyên nhân: Liệt mặt ngoại biên là một hội chứng do sự viêm của dây thần kinh mặt, sự viêm này có thể không hóa mủ, có thể là do khiếm huyết (thiếu máu) và sưng phủ ở dây thần kinh, hậu quả của sự co mạch sau khi bị nhiễm lạnh hoặc sự nhiễm siêu vi khuẩn tại chỗ. Quá trình viêm này thường xảy ra ở lỗ trâm nhủ (stylo mastoid foramen). Ngoài ra, liệt mặt cũng có thể là hậu quả của viêm tai giữa mãn tính, viêm xương chũm (nhủ) mãn tính.

Y học cổ truyền cho rằng chứng này do gió và hàn khí tấn công vào mặt làm cho hệ thống kinh lạc bị ngưng trệ, sự dinh dưỡng dân thần kinh mặt bị rối loạn trong khi khí lực và máu huyết của bệnh nhân đang ở trong tình trạng suy giảm.

Triệu chứng chính: Trong một số trường hợp, trước khi bị liệt bệnh nhân có cảm giác khó chịu ở bên mặt bị ảnh hưởng. Trong hầu hết các trường hợp, buổi sáng khi thức giác, bệnh nhân thấy mắt khó nhắm lại và khóe miệng bị co lại, tiếp theo sau đó là cảm giác đau nhức ở góc hàm hay sau tai, cảm giác ở mặt bị mất, không nhắm mắt hay nhíu mày được, góc miệng bị lệch về phía bên lạnh, nhân trung trở nên cạn, tiếng nói không rõ ràng, má bên bị ảnh hưởng khó làm cho phùng ra được. Cảm giác ở 2/3 trước của lưỡi ở bên bị ảnh hưởng bị suy giảm hoặc mất.

Tác dụng của xoa bóp bấm huyệt ngay tại gia đình: Có công dụng cải thiện sự lưu thông máu trong vùng bị ảnh hưởng và kích thích sự hồi phục chức năng thần kinh. Giúp cho mắt nhắm lại nhanh hơn, các cơ xung quanh mắt phục hồi tốt hơn, da mặt đỡ bị tê bì, chức năng nhai thức ăn hay uống nước sẽ nhanh chóng được phục hồi.

4 bước thực hiện xoa bóp bấm huyệt :

( 1 ) Xoa mặt: Bệnh nhân nằm ngửa, người làm massage xoa bóp đứng phía sau, dùng 2 bàn tay xoa trán, quanh hốc mắt, 2 má của bệnh nhân, nhấn mạnh bên bị ảnh hưởng. Trong lúc làm thủ thuật, bàn tay mặt ở phía trước, bàn tay trái ở phía sau, tác dụng hiệp đồng với nhau . Lập lại nhiều lần trong 5 phút.

( 2 ) Điểm và nhào các huyệt

  1. Dương bạch (GB 14)
  2. Nghinh-hương (LI 20)
  3. Giáp xa (ST 6)
  4. Địa thương (ST 4)
  5. Ế phong (TE 17)

Bệnh nhân nằm ngửa, người làm xoa bóp bấm huyệt ngồi phía sau dùng đầu các ngón tay giữa, hay ngón tay cái làm động tác điểm và nhào các huyệt Dương bạch (GB 14) cách chân mày 1 thốn về phía trên, trên đường thẳng đứng đi qua đồng tử khi mắt nhìn thẳng về phía trước, Nghinh hương (LI 20) trên rãnh mũi môi, cách cánh mũi ngoài 1,5 thốn, Giáp xa (ST 6), cách góc hàm dưới 0,5 thốn về phía trên và phía trước, ở chỗ lồi lên của cơ nhai khi hàm được nghiến chặt, Địa thương (ST 4) cách góc miệng 0,4 thốn về phía ngoài, Ế phong (TE 17), ở chỗ lõm ngay trước mẩu xương chủm ( nhũ ) và ở phía sau trái tai. Mỗi huyệt được tác động 1 phút.

( 3 ) Véo má: Bệnh nhân nằm ngửa, người làm massage đứng bên cạnh, các ngón tay hơi co lại, 2 ngón trỏ tựa lên 2 góc của xương hàm dưới, dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa kẹp vùng má bị ảnh hưởng kéo lên rồi thả ra. Thủ thuật được lặp lại từ dưới lên trong 1 phút.

( 4 ) Điểm huyệt và làm động tác bắt gió ở huyệt Phong trì (GB 20), cổ và vai: Bệnh nhân ngồi, người làm massage xoa bóp đứng phía sau, dùng một tay giữ lấy đầu bệnh nhân, dùng ngón tay cái, ngón tay trỏ và ngón tay giữa của bàn tay kia điểm huyệt Phong trì (GB 20) ở đáy sọ, trong chỗ lõm giữa 2 đầu các cơ ức đòn chũm và cơ thang, vừa điểm vừa làm động tác bắt gió trong 2 phút, sau đó lập lại thủ thuật dọc theo phía sau và ngoài của cổ đến vai trong 3 phút.

Người bị liệt mặt cần chú ý: tránh lạnh, sử dụng nước ấm trong mọi sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên luyện tập cơ nhai bằng cách nhai kẹo cao su hoặc hình thức tương tự. Cần kiên trì luyện tập và không buông xuôi.

(Hoctrilieu.com)