Học thuyết Vận khí

Âm dương và con người

Thái cực đồ trong Kinh dịch là sơ đồ mô thức vũ trụ, đánh dấu sự hoá sinh và diễn biến của vạn vật vũ trụ, nó không những phản ánh quy luật tiêu trưởng âm dương của chu kỳ vận động mặt trời, chu kỳ vận động mặt trăng... mà con phản ánh quan hệ tiêu trưởng âm dương ngày đêm của trái đất quay quanh mặt trời và tự quay quanh chính nó. Thái cực đồ cũng tượng trưng cho sự tiêu trưởng, thịnh suy âm dương của cơ thể con người. Con người và tự nhiên thuận ứng với nhau, đường cong trong thái cực đồ cũng tượng trưng cho đường cong sinh mệnh co người.

Nhịp vận chuyển của thiên nhiên thể hiện bằng chu kỳ chuyển động của mạt trời, mặt trăng, trái đất và tác động qua lại của chúng với nhau. Những tác động qua lại đó đã ảnh hưởng đến nhịp điệu sinh sản của vạn vật. Từ những quan sát các nhịp điệu của thiên nhiên, đến nhịp điệu sinh sản của sinh vật, con người đã tìm ra quy luật của thiên nhiên và quy luật sinh trưởng của vạn vật để ứng dụng trong đời sống. Đó là nguồn gốc của việc tính lịch làm mốc xác định thời gian, từ đó con người có thể ứng dụng quy luật thiên nhiên trong đời sống. Sách Nội kinh viết: "Người ta đo độ của vòng trời để biết sự vận chuyển của mặt trời, mặt trăng. Tính các tiết khí là để dùng cho việc sinh hoạt sản xuất". Với quan điểm con người là một vũ trụ nhỏ và thiên nhân hợp nhất, người xưa đã đặt các kinh lạc tạng phủ tương ứng với các hiện tượng và quy luật thiên nhiên để vận dụng và giải thích sự hoạt động của cơ thể con người.

Học thuyết Vận khí (hay ngũ vận lục khí) là lý luận của đời xưa giải thích sự biến hoá của khí hậu thời tiết trong tự nhiên và ảnh hưởng của khí hậu thời tiết biến hoá ấy đối với vạn vật trong vũ trụ, đặc biệt là đối với loài người. Học thuyết này lấy âm dương ngũ hành làm hạt nhân, dựa trên cơ sở của quan niệm chỉnh thể về thiên nhân tương ứng mà xây dựng nên. Học thuyết này được bàn đến lần đầu tiên trong sách Hoàng đế Nộ kinh tố vấn. Các vấn đề cơ bản của Học thuyết Vận khí được nói kỹ trong các thiên: thiên Nguyên kỷ đại luận, thiên Ngũ vận hành đại luận, thiên Lục vi chỉ đại luận, thiên Khí giao biến đại luận, thiên Chí chân yếu đại luận, thiên Lục tiết tạng tượng luận.

Ngũ vận tức là lấy kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ trong ngũ hành phối hợp với thiên can để tính tuế vận mỗi năm (năm nào thuộc về vận nào); lục khí là chỉ vào sáu thứ khí phong, hàn, thử, thấp, táo, hoả đem phối hợp với địa chi để tính tuế khí của mỗi năm (năm nào thuộc về khí nào). Kết hợp ngũ vận và lục khí sẽ thành ra một công cụ lý luận đơn giản hoá, dùng nó để giải thích mọi phương diện trong hoàn cảnh tự nhiên và mọi thứ quan hệ trong y học.

Nội dung Học thuyết Vận khí lấy tam tài "thiên, địa, nhân" kết hợp lại mà thảo luận. Vận dụng Học thuyết Vận khí trong y học, chủ yếu là ở chỗ nắm vững qua luật biến hoá của thời tiết khí hậu để tiện cho việc nghiên cứu nhân tố gây bệnh của ngoại cảm lục dâm, dùng để suy xét tình hình phát hiện bệnh và khía hậu biến hoá của từng năm, giúp ích cho việc chẩn đoán và điều trị.

Cơ sở lý luận trung tâm của Học thuyết Vận khí là Học thuyết Âm dương ngũ hành, trong đó lấy ngũ hành sinh khắc làm chủ yếu; đồng thời vận dụng can chi vào trong học thuyết để tính toán sự biến hoá của ngũ vận lục khí. Can chi vận dụng trong Học thuyết Vận khí là đem thiên can phối với ngũ hành để tính tuế vận; lấy địa chi phối với tam âm tam dương để tính tuế khí. Cách thức phối hợp thường sử dụng ba cách dưới đây:

  1. Thiên can phối với ngũ vận: dùng để tính đại vận
    • Thổ:   Giáp (+) ~ Kỷ (-)
    • Kim:   Ất (-)      ~ Canh (+)
    • Thuỷ: Bính (+) ~ Tân (-)
    • Mộc:  Đinh (-)  ~ Nhâm (+)
    • Hoả:  Mậu (+)  ~ Quý (-)
  2. Địa chi phối hợp với ngũ hành: dùng để tính về những năm tuế hội
    • ​​​​​​​Thổ: Thìn, tuất, sửu, mùi
    • Kim: Thân, dậu
    • Thuỷ: Hợi, tý
    • Mộc: Dần, mão
    • Hoả: Tỵ, ngọ
  3. Địa chi phối hợp với lục khí (tam âm, tam dương): dùng để tính về khách khí
    • Thiếu âm (Tý, Ngọ)
    • Thái âm (Sửu, Mùi)
    • Quyết âm (Tỵ, Hợi)
    • Thiếu dương (Dần, Thân)
    • Thái dương (Thìn, Tuất)
    • Dương minh (Mão, Dậu)