Xoa bóp bấm huyệt khi bị suy nhược thần kinh

Xoa bóp bấm huyệt tốt cho người bị suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh có căn nguyên từ vấn đề thần kinh, lỗi sống, công việc và các thói quen sinh hoạt. Để có sức khoẻ tinh thần và thể chất tốt, thì việc duy trì một lối sống nề nếp, một hệ thống các thói quen tốt có lợi cho sức khoẻ như chăm chỉ thể dục, thể thao, tập dưỡng sinh, thường xuy cười, tinh thần cởi mở, khoáng đạt...là điều rất quan trọng.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, chúng ta phải chạy theo guồng máy cuộc sống rất vất vả và vội vã, hiếm có thời gian rảnh dành cho bản thân và gia đình. Cuộc sống gấp, ăn nhanh, nghĩ nhanh, hưởng thụ nhanh... tất cả những điều này làm gia tăng nhanh chóng tỉ lệ số người bị mắc chứng suy nhược thần kinh trong xã hội.

Nguyên nhân: Suy nhược thần kinh là một dạng rối loạn thần kinh thông thường nhất, thường được gây ra bởi sự căng thẳng thần kinh kéo dài, những sự xáo trộn về cảm xúc, sự lo toan liên tục, sự suy yếu sau một căn bệnh, những điều này làm cho chức năng của vỏ não bị rối loạn, dẫn đến sự rối loạn của hệ thần kinh tự động và một số triệu chứng khác.

Theo y học cổ truyền phương đông, suy nhược thần kinh thường liên kết với mất ngủ và đãng trí, hầu hết thường do các yếu tố cảm xúc như là vui mừng, tức giận, u sầu, lo âu, đau khổ, hoảng sợ quá độ và lao tâm, lao lực.

Triệu chứng chính: Mất ngủ, giấc ngủ bị xáo trộn vì có nhiều mộng mị, bất an, dễ cáu, quá đa nghi, nhức đầu, chóng mặt, hay quên, không có khả năng tập trung, mệt mỏi, yếu sức và uể oải, các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, ợ hơi, căng bụng, biếng ăn, đại tiện thường xuyên; các triệu chứng sinh dục như bất lực, nhược tinh, di tinh.

Massage xoa bóp bấm huyệt: Có công dụng điều hòa các quá trình kích thích và ức chế của vỏ não, cải thiện chức năng của hệ thần kinh vận động và nâng cao sức khỏe.

5 bước xoa bóp bấm huyệt trị liệu suy nhược thần kinh

  1. Đẩy trán: Bệnh nhân nằm ngửa, người làm massage xoa bóp ngồi phía sau, dùng 2 ngón tay đẩy trán theo chiều ngang và theo chiều dọc trong 2 phút.
  2. Điểm và nhào các huyệt: Ấn đường (EX-HN 3). Thái dương (EX-HN 5), Nội quan (PC 6) và Túc tam lý (ST 36): Bệnh nhân nằm ngửa, người làm massage xoa bóp dùng đầu ngón tay cái hay ngón giữa làm thủ pháp điểm và nhào các huyệt Ấn đường (EX-HN 3) ở điểm giữa 2 đầu chân mày, Thái dương (EX-HN 5) trong chỗ lõm cách góc mắt ngoài một thốn về phía trên và phía ngoài, Nội quan (PC 6) ở mặt trước cẳng tay, cách rãnh cổ tay 2 thốn về phía trên, Túc tam lý (ST 36) cách mé ngoài đầu gối 3 thốn và cách mào xương quyển 1 thốn. Mỗi huyệt được tác động 1 phút. (hình dưới)
  3. Gõ đầu: Bệnh nhân nằm ngửa, người làm massage xoa bóp ngồi phía sau, dùng các ngón tay, ở tư thế hơi cong và rời ra, làm động tác giống như gà mổ ở phía ngoài đầu bệnh nhân, lực tác động xuất phát từ các ngón tay một cách thích hợp. Lập lại nhiều lần trong 2 phút (hình dưới).
  4. Xoa bụng: Bệnh nhân nằm ngửa, người làm massage xoa bóp đứng bên cạnh, luân phiên dùng 2 bàn tay xoa quanh rốn bệnh nhân theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài (hình 4). Lập lại nhiều lần trong 5 phút.
  5. Ấn và nhào lưng dọc theo kinh Bàng quang cạnh cột sống: Bệnh nhân nằm sấp, người làm massage xoa bóp đứng bên cạnh, luân phiên dùng 2 bàn tay ấn và nhào lưng bệnh nhân dọc theo kinh Bàng quang, bên cạnh cột sống, từ đốt sống cổ thứ 7 xuống đến vùng lưng- chậu, nhấn mạnh ở các huyệt Tâm du (BL 15) cách điểm giữa 2 mẩu gai của 2 đốt sống ngực 5 và 6 về phía ngoài 1,5 thốn, Thận du (BL 23) cách điểm giữa 2 đốt sống lưng 2 và 3 về phía ngoài 1,5 thốn và Mạng môn (GV 4) ở chỗ lõm giữa 2 mẩu gai đốt sống lưng 2 và 3 (hình 5). Lập lại nhiều lần trong 5 phút.

Những kĩ thuật massage xoa bóp ngay tại gia đình sẽ giúp cả cơ thể và tâm trí bạn được giải phóng, phục hồi năng lượng hết sức nhanh chóng.

3 bước tự xoa bóp bấm huyệt tại nhà giúp phòng và trị bệnh suy nhược thần kinh

  1. Chà ót (gáy): Bệnh nhân ngồi. Dùng 2 bàn tay nắm lấy ót, các ngón tay đan chéo nhau. Đầu hơi nghiêng về phía trước. Dùng 2 bàn tay chà xát ót trong 2 phút.
  2. Xát vùng hông-thiêng (lưng chậu): Bệnh nhân ngồi. Áp sát 2 bàn tay vào 2 bên lưng, ngang chỗ eo, làm động tác chà xát kéo dài đến vùng chậu. Lập lại nhiều lần trong 2 phút.
  3. Điểm và nhào huyệt Tam âm giao (SP 6): Bệnh nhân ngồi, thân hình hơi nghiêng về phía trước. Dùng 2 đầu ngón cái làm thủ pháp điểm và nhào huyệt Tam âm giao (SP 6) ở trên mắt cá trong 3 thốn, trong 2 phút.

Chú ý quan trọng:

  1. Làm thủ thuật mỗi ngày 1 đến 2 lần.
  2. Tránh những sự kích thần kinh và các yếu tố gây ảnh hưởng xấu khác. Nên xen kẽ công việc với những lúc nghỉ ngơi và giải trí.
  3. Nên có các hoạt động thể lực thích hợp như đi bộ hay các động tác tập thể dục.