Nghiên cứu ứng dụng của điện châm trong điều trị bệnh tâm căn suy nhược

tâm căn suy nhược

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Tâm căn suy nhược còn gọi là suy nhược thần kinh là một bệnh thuộc nhóm rối loạn thần kinh chức năng theo phân loại bệnh quốc tế (ICD-10), bệnh xảy ra do căn nguyên tâm lý. Bệnh tâm căn suy nhược thường gặp ở người lao động trí óc nhiều hơn ở người lao động chân tay, ở thành thị nhiều hơn nông thôn [1], [2]. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới WHO, hiện nay trên thế giới có khoảng 400 triệu người bị rối loạn thần kinh chức năng. Ở Việt Nam, theo Vũ Hữu Ngõ và cộng sự, trong số các bệnh nhân đến khám tại chuyên khoa Tâm thần có tới 60-70% số người có trạng thái tâm căn suy nhược [3].
Bệnh tâm căn suy nhược với những biểu hiện trêm lâm sàng là trạng thái hưng phấn suy giảm, hay quên, đau đầu, mất ngủ… nằm trong phạm vi nhiều chứng bệnh trong YHCT như Kiện vong, Đầu thống, Thất miên…, ảnh hưởng đến khả năng làm việc và chất lượng cuộc sống. Trong Y học cổ truyền, điều trị chứng bệnh này sử dụng điện châm để điều trị đang được khuyến khích và phổ biến sâu rộng, với đặc tính là tiện lợi, ít tốn kém và mang lại hiệu quả điều trị rất khả quan. Để góp phần đánh giá khách quan, khoa học phương pháp điện châm trong điều trị bệnh lý này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với 2 mục tiêu:

  1. Đánh giá tác dụng của điện châm trong điều trị bệnh tâm căn suy nhược thể can thận âm hư.
  2. Xác định sự thay đổi về một số chỉ số tâm sinh lý (trí nhớ, sự chú ý, mạch, huyết áp động mạch và điện não đồ) trước và sau điều trị

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1. Đối tượng nghiên cứu:

    • Bao gồm 40 bệnh nhân bị bệnh tâm căn suy nhược thể Can thận âm hư, tuổi đời từ 20 tuổi trở lên, được khám và điều trị tại khoa Quốc tế của Bệnh viện Châm cứu TW từ 1/2011 – 8/2011
    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân: Chọn bệnh nhân theo tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng của phân loại bệnh Quốc tế (ICD-10). Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm căn suy nhược: 
    • Mệt mỏi dai dẳng và tăng lên sau căng thẳng về trí óc
    • Cơ thể suy yếu nhanh sau cố gắng về thể lực, có căn nguyên tâm lý
    • Có ít nhất 2 trong các triệu chứng sau:
      • Có cảm giác đau mỏi cơ
      • Chóng mặt
      • Đau căng đầu
      • Rối loạn giấc ngủ
      • Không có khả năng thư giãn
      • Tính tình dễ cáu giận
      • Khó tiêu
    • Tiêu chuẩn lâm sàng theo YHCT: Bệnh nhân tâm căn suy nhược thể Can thận âm hư
      • - Mệt mỏi, đau lưng, ù tai, mất ngủ, hay quên
      • - Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi có ánh vàng, mạch tế sác
      • - Nam giới có thể di tinh và nữ giới rối loạn kinh nguyệt
    • Tiêu chuẩn loại trừ: 
      • Bệnh nhân bị bệnh tâm căn suy nhược thuộc thể lâm sàng khác trong YHCT
      • Bệnh nhân mắc bệnh lao, ung thư, bệnh cấp tính khác
  • 2.2. Phương pháp nghiên cứu:

    • Các triệu chứng lâm sàng về:
      • Khả năng làm việc
      • Rối loạn giấc ngủ
      • Chóng mặt 
      • Đau đầu
    • Phương pháp đánh giá khả năng nhìn - nhớ của Weshler
    • Phương pháp ghi điện não đồ: Đo bằng máy ghi điện não 2110 của hãng Nihon Kohden (Nhật Bản) tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, ghi theo phương pháp đơn cực, các điện cực đặt theo sơ đồ 10/20 của Jasper (1958)
    • Đánh giá các tiêu chí y học cổ truyền dựa trên cơ sở cải thiện các chứng trạng trước và sau điều trị của thể can thận âm hư
    • Phương tiện nghiên cứu: Kim châm cứu, máy điện châm M7 do VN sản xuất, ống nghe, huyết áp kế, máy đo điện não
    • Phác đồ điều trị: Theo phác đồ điều trị tâm căn suy nhược thể Can thận âm hư của Bệnh viện Châm cứu Trung ương
      • Châm bổ các huyệt: Tam âm giao, Túc tam lý, Thận du, Huyết hải, Trung đô, Thái khê.
      • Châm tả các huyệt: Nội quan, Thần môn, An miên I, An miên II, Hợp cốc, Phong trì, Đại trùy, Bách hội
      • Sử dụng máy điện châm M7, tần số bổ từ 2-10Hz, tần số tả từ 2-40Hz, cường độ kích thích từ 1-100μA
      • Liệu trình điều trị 30 ngày, mỗi ngày điện châm một lần, kéo dài 20 phút

III. BÀN LUẬN

 

  •  Biến đổi các triệu chứng chủ quan của bệnh nhân sau điều trị

    • Triệu chứng mệt mỏi: Trước điều trị 36/40 bệnh nhân có suy giảm khả năng làm việc, trong đó 47,5% bệnh nhân mệt mỏi ko làm việc được, 30 % chỉ làm việc một lát đã mệt và 12,5% làm việc đến cưới ngày mới mệt. Sau 15 ngày điều trị có 62,5% bệnh nhân làm việc bình thường. Có được kết quả này theo chúng tôi là do trong YHCT mệt mỏi thuộc chứng Hư lao,và trong phác đồ huyệt chúng tôi đã châm bổ các huyệt: Tam âm giao, Túc tam lý, Trung đô, Huyết hải, Thái khê nhằm bổ khí và bổ can huyết để nâng cao thể trạng, phòng chống mệt mỏi.
    • Triệu chứng rối loạn giấc ngủ: Sau 15 ngày điều trị không còn bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ nặng, số bệnh nhân có giấc ngủ tốt và rất tốt chiếm tỷ lệ cao (77,5%). Có được điều này là do trong phác đồ chúng tôi sử dụng các huyệt có tác dụng dưỡng tâm, bổ huyết, an thần, gây ngủ như: Nội quan, Thần môn, An miên I, An miên II, Tam âm giao. Kết quả đã chứng minh điện châm có tác dụng an thần rất tốt.
    • Triệu chứng chóng mặt: Trước điều trị có 36/40 bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, trong đó chóng mặt nặng và chóng mặt vừa chiếm tới 82,5%. Nhưng sau 15 ngày điều trị số bệnh nhân hết chóng mặt và chóng mặt nhẹ tăng lên, chiếm 90%. Chóng mặt nằm trong chứng Huyễn vựng của YHCT. Trong phác đồ điều trị của chúng tôi sử dụng các huyệt Phong trì, Đại chùy, Bách hội, có tác dụng sơ can, hạ hỏa, khu phong, kết hợp với các huyệt bổ can thận tạo thành pháp định huyễn để đạt được hiệu quả điều trị
    • Triệu chứng đau đầu: Trước điều trị có 38/40 bệnh nhân bị đau đầu, trong đó đau nặng chiếm tới 70%. Sau điều trị 15 ngày, số bệnh nhân không còn đau đầu và chỉ đau nhẹ tăng lên đến 90%. Trong phác đồ huyệt của chúng tôi sử dụng các huyệt: Bách hội, Phong trì, Đại chùy, Hợp cốc có tác dụng sơ can, tả hỏa, khu phong. Các huyệt Tam âm giao, Trung đô, Huyết hải, Thận du, Thái khê có tác dụng ích huyết, sinh tinh. Khi châm phối hợp các huyệt này làm cho khí huyết lưu thông, giải cơ, thư can sẽ hết đau đầu và cả đau mỏi lưng. Đặc biệt khi dùng kim dài châm sâu các huyệt Hợp cốc và Phong trì với máy điện châm thực hiện tả pháp đem lại hiệu quả điều trị tốt [4].
  • Biến đổi một số chỉ số tâm sinh lý của bệnh nhân tâm căn suy nhược sau điều trị bằng điện châm:

    • Biến đổi trí nhớ ngắn hạn sau 30 ngày điều trị đã được cải thiện đáng kể, có ý nghĩa thống kê với p<0,01. Đông thời khả năng tập trung chú ý của bệnh nhân sau điều trị cũng được cải thiện rất nhiều. Kết quả ở bảng 3.3. cho thấy loại có khả năng tập trung tốt từ 5% tăng lên 25% (p<0,05). Chỉ có một trường hợp chỉ số này không thay đổi sau điều trị, phải chăng do tuổi đã cao nên đã có những biến đổi về cấu trúc chức năng của tế bào thần kinh ở người cao tuổi. Theo chúng tôi đây là kết quả điện châm các huyệt an thần như: Nội quan, Thần môn, Tam âm giao, An miên I, An miên II.
  • Kết quả nghiên cứu điện não đồ:

    • Điện não là một trong những chỉ số sinh lý khách quan, có độ tin cậy cao. Chúng tôi đã tiến hành ghi điện não cho các bệnh nhân nghiên cứu trước và sau liệu trình điều trị ở các trạng thái: nền, sau nghiệm pháp kích thích ánh sáng, sau nghiệm pháp thông khí 2 phút. Thì kết quả là tần số nhịp alpha trước và sau điều trị ở 3 giai đoạn ghi điện não đều ít thay đổi với p>0,05. Sau điều trị biên độ nhịp alpha tăng lên nhiều và có ý nghĩa thống kê với p<0,001 ở cả 3 thời điểm ghi điện não khác nhau. Qua đó, chúng tôi nhận thấy sau điều trị bằng điện châm biên độ sáng alpha trở về mức bình thường.
    • Chỉ số nhịp alpha trong cả 3 trạng thái ghi điện não chỉ số alpha đều tăng, có ý nghĩa thống kê với p<0,001. Cả chỉ số và biên độ nhịp alpha sau kích thích ánh sáng đều cao hơn giai đoạn ghi điện não đồ nền với p<0,001. Do đó, sự tăng chỉ số và biên độ nhịp alpha chính là biểu hiện sự hồi phục chức năng của tế bào não.
    • Tần số và biên độ nhịp alpha có giảm nhẹ sau điều trị ở cả 3 trạng thái chức năng, nhưng không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.
    • Ở bệnh nhân Tâm căn suy nhược, nhịp beta chiếm ưu thế trên điện não do căng thẳng thần kinh, hưng phấn mạnh hoặc lo âu. Sau 30 ngày điều trị chỉ số nhịp β giảm nhiều ở cả 3 trạng thái chức năng và có ý nghĩa thống kê với p<0,001.
    • Trong điều trị chúng tôi rất chú ý chọn các huyệt có tác dụng an thần, dưỡng tâm, bổ huyết như: Nội quan, Thần môn, An miên I, An miên II, Tam âm giao, để bệnh nhân đỡ mệt và dễ ngủ. Thêm vào đó châm các huyệt vùng đầu như: Phong trì, Bách hội và các huyệt có tác dụng toàn thân như; Hợp cốc, Đại chùy, Túc tam lý, Huyết hải, Thận du làm cho khí huyết, tinh tủy được đầy đủ sung mãn, não bộ được nuôi dưỡng tốt [5].

IV. KẾT LUẬN:

  1. Điện châm điều trị bệnh Tâm căn suy nhược thể can thận âm hư đạt hiệu quả cao: Rất tốt đạt 40%, tốt 47,5%, đỡ ít 12,5%. Trong đó đạt hiệu quả tốt nhất với các triệu chứng đau đầu (với p<0,001) chóng mặt (với p<0,001) và mệt mỏi (với p<0,001).
  2. Sau điện châm 30 ngày các chỉ số tâm sinh lý được cải thiện rõ
    • Trước điều trị tỷ lệ bệnh nhân có trí nhớ ngắn hạn loại tốt 2,5% sau điều trị tăng lên 22,5% với p<0,01, loại kém là 45% sau điều trị xuống 0% với p<0,001.
    • Trước điều trị khả năng tập trung chú ý của bệnh nhân đạt loại tốt chỉ có 5 % và loại kém tới 32,5%. Sau điều trị loại tốt tăng lên 25%, và loại kém xuống còn 2,5% với p<0,001.
    • Các sóng trên điện não đồ thay đổi rõ theo hướng được cải thiện. Khi vào viện chỉ số sóng alpha trung bình của người bệnh là 40,49%, biên độ là 37,51μV. Sau điều trị 30 ngày chỉ số sóng alpha đạt 51,15% còn biên độ đạt 48,49μV với p<0,001. Chỉ số sóng beta từ 50,89% giảm còn 42,04% với p<0,001.

 
Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam