Sự biến đổi đặc điểm sinh học huyệt Nguyên của kinh dương minh ở bệnh nhân vêm loét dạ dày tá tràng

Đau dạ dày

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Trong cơ thể con người có 12 cặp huyệt Nguyên nằm trên 12 cặp đường kinh chính. Theo y học cổ truyền huyệt Nguyên là huyệt đại diện cho kinh khí của đường kinh mà nó nằm trên đó hay nói cách khác khi cơ thể có những biến đổi do bệnh lý khác nhau sẽ dẫn đến sự biến đổi khác nhau về đặc điểm sinh học huyệt Nguyên. Để minh chứng cho giả thuyết này, chúng tôi tiến hành  “Nghiên cứu sự biến đổi đặc điểm sinh học huyệt Nguyên của kinh Dương minh trên bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng” với mục tiêu sau: Đánh giá sự biến đổi về nhiệt độ, điện trở, cường độ dòng điện qua da huyệt Nguyên của kinh Dương minh ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng


II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1. Đối tượng nghiên cứu

    • Cỡ mẫu: 120 đối tượng nghiên cứu được chia thành 2 nhóm 
      • Nhóm nghiên cứu: 60 BN viêm loét dạ dày tá tràng, tuổi từ 50 trở lên . 
      • Nhóm chứng: 60 đối tượng khỏe mạnh cùng lứa tuổi
    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân: Bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng:
      • Đau thượng vị
      • Nội soi dạ dày: có hình ảnh viêm và loét dạ dày tá tràng 
    • Tiêu chuẩn người khỏe mạnh là đang lao động và sinh hoạt bình thường không mắc các bệnh cấp tính hoặc đợt cấp của bệnh mạn tính.                                        
  • 2.2. Phương pháp nghiên cứu

    • Các chỉ số nghiên cứu
      • Nhiệt độ, điện trở da và cường độ dòng điện qua da huyệt Nguyên của Kinh Dương minh và của lục Kinh
    • Phương tiện và kỹ thuật nghiên cứu
      • Máy đo nhiệt độ Themo finer, cường độ dòng điện Nerometer, máy đo điện trở PD-1 Electrodermometer của Nhật Bản.
      • Phòng đo: các đối tượng nghiên cứu được đo trong phòng yên tĩnh, nhiệt độ: 27-280C, độ ẩm: 70-80%, thời gian đo 8-11giờ sáng
      • Các đối tượng nghiên cứu được nghỉ tại phòng 15 phút trước khi đo
      • Điện cực trung tính được đặt cố đinh trong lòng bàn tay của đối tượng nghiên cứu. Điện cực đo được đặt vuông góc với mặt da huyệt Nguyên cần đo. Đọc kết quả khi kim trên máy đứng yên, lấy kết quả trung bình 3 lần đo. 
    • Phương pháp đánh giá kết quả
      • Đánh giá sự biến đổi về nhiệt độ da, điện trở da, cường độ dòng điện qua da tại huyệt Nguyên của kinh Dương minh (huyệt hợp cốc và xung dương) và huyệt Nguyên của các kinh khác trong Lục kinh ở nhóm bệnh nhân

III. BÀN LUẬN

 

  • Về nhiệt độ tại huyệt Nguyên

    • Kết quả ở biểu đồ cho thấy: Ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng , nhiệt độ của huyệt Nguyên trong lục kinh cao hơn so với chỉ số này ở người cùng tuổi khỏe mạnh với p< 0,01. Nhiệt độ tại da tại huyệt Nguyên của kinh Dương minh là cao nhất so với chỉ số này của các kinh khác trong lục kinh ở cả nhóm nghiên cứu và nhóm chứng. Điều này có thể lý giải là do nhóm nghiên cứu đang trong tình trạng viêm dạ dày tá tràng hay thuộc thể nhiệt của y học cổ truyền
  • Về Điện trở da và cường độ dòng điện qua da huyệt Nguyên

    • Kết quả nghiên cứu trên cơ thể người bình thường, trong Lục kinh thì các huyệt Nguyên của kinh Dương minh có nhiệt độ cao nhất, điện trở thấp nhất và cường độ qua huyệt cao nhất. Chứng tỏ trên người khoẻ mạnh kinh Dương minh là kinh có hoạt động năng lượng và dinh dưỡng cao nhất. Khác với kết quả nghiên cứu ở trên cơ thể người bình thường, ở bệnh nhân viêm loét dạ dày- tá tràng cùng lứa tuổi trên 50, trong Lục kinh thì các huyệt Nguyên của kinh Dương minh có nhiệt độ cao nhất, điện trở da cao nhất và cường độ dòng điện qua huyệt thấp nhất. Điều đó chứng tỏ trên bệnh nhân viêm loét dạ dày- tá tràng có sự rối loạn rõ rệt trong hoạt động chuyển hoá và dinh dưỡng của đường kinh đại diện cho khí của tỳ vị hay ‘’khí của hậu thiên”.
  • Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của một số tác giả khác, cho thấy trên một số bệnh có sự biến đổi đặc điểm sinh học tại huyệt mà cụ thể là sự tăng nhiệt độ, tăng điện trở da và giảm cường độ dòng điện qua da.  
  • Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nhận xét của Đỗ Công Huỳnh : Sự tăng nhiệt độ, giảm cường độ dòng điện qua da và tăng điện trở da được xem như là biểu hiện của sự biến động chức năng của hệ thần kinh thực vật, cụ thể là hệ thần kinh giao cảm. Hệ thống này được huy động đầu tiên để chuẩn bị cho cơ thể chống trả lại các yếu tố gây hại.

IV. KẾT LUẬN

 

  • Trên bệnh  nhân viêm loét dạ dày tá tràng, tại các huyệt Nguyên của kinh Dương minh có nhiệt độ và điện trở cao nhất còn cường độ dòng điện qua huyệt thấp nhất so với các kinh khác trong Lục kinh.
  • So với người khỏe mạnh cùng tuổi, bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng có nhiệt độ và điện trở tại huyệt Nguyên cao hơn, còn cường độ dòng điện qua huyệt thấp hơn.
     

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 

  1. Bộ Y tế, chương trình quốc gia Y học cổ truyền (1996), Tài liệu nghiên cứu biên dịch về linh khu, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 7-10, 38-48, 51-59, 93-96.
  2. Đỗ Công Huỳnh (1995), “Tìm hiểu một số đặc điểm của các huyệt trên kinh phế ở những bệnh nhân bị bụi phổi”, Tạp chí châm cứu Việt Nam, (19), tr 28-32.
  3. Phạm Hữu Lợi, Nguyễn Tài Thu (2003), Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học tại huyệt Nguyên ở trẻ bình thường và bệnh nhi viêm não Nhật Bản, đánh giá hiệu quả phục hồi vận động bằng điện châm, Luận án tiến sĩ Y học, Trường đại học Y Hà Nội.
  4. Lê Văn Sơn, Đỗ Công Huỳnh và CS (2000), “Đặc điểm một số huyệt châm cứu ở bệnh nhân viêm – xơ gan và viêm – loét dạ dày tá tràng”, Tạp chí Châm cứu Việt Nam, (37), tr 9-14.
  5. Trường đại học Y Hà Nội, khoa y học cổ truyền (2002), Châm cứu, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 10-74, 145, 180-190.

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam