Tại sao chúng ta bị đau nhức?

Tại sao chúng ta bị đau nhức?

Tại sao chúng ta bị đau nhức?

Trong Y học cổ truyền phương đông, có câu nói vô cùng nổi tiếng là " Đau là do bị Tắc, Thông thì sẽ hết Đau", vậy nguyên nhân của biểu hiện đau là do tắc mà ra. Các biểu hiện của đau bao gồm: tê, bì, nhức, mỏi, đau ê ẩm, đau buốt, đau nhói, đau giật giật v.v.. Tất cả những biểu hiện này đều là do tình trạng và tính chất của hiện tượng tắc nghẽn mà biểu hiện thành. Tắc ở đây là tắc dòng chảy khí huyết trong kinh lạc, có nghĩa là do hiện tượng tắc mà sự lưu thông khí huyết trong đường kinh lạc trở nên bị rỗi loạn, lúc chảy nhanh, lúc chảy chậm, lúc chảy nhiều, lúc chảy ít, lúc chảy đúng đường, lúc chảy sai đường. Vì sao tắc lại gây đau, là vì tắc làm mất cân bằng mối tương quan giữa khí huyết trong kinh lạc vì thế sẽ biểu hiện thành triệu chứng đau, còn nếu khí huyết trong cơ thể cân bằng, hài hoà sẽ biểu hiện thành sự thoải mái, dễ chịu, thư giãn.

Các nguyên nhân gây tắc nghẽn và làm trì trệ khí huyết trong kinh mạch có thể kể ra là:

  1. Tắc nghẽn do vận động sai: tức là cách chúng ta đi không đúng, cách chúng ta ngồi không đúng, cách chúng ta đứng không đúng, cách chúng ta nằm không đúng.
  2. Tắc nghẽn do lao động sai: tức là cách chúng ta sử dụng phương tiện, máy móc, thiết bị sai cách ví dụ: đi xe máy sai cách, dùng máy tính sai cách.
  3. Tắc nghẽn do thói quen không có lợi cho sức khoẻ: như tắm quá muộn, ngủ quá khuya, hay uống nước đá, nước lạnh, ăn đồ ăn lạnh, ngồi quá lâu trước máy tính, sử dụng điện thoại hoặc sách trong tư thế nằm.
  4. Tắc nghẽn do thời tiết thay đổi: trời trở gió, trở lạnh, hoặc mưa nhiều ẩm ướt đều có thể là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tốc độ dòng chảy khí huyết (năng lượng sống) trong cơ thể
  5. Tắc nghẽn do tình cảm thái quá: vui quá làm tắc nghẽn Tâm (tim - não), buồn quá làm tắc nghẽn Phế, lo nghĩ nhiều quá làm tắc nghẽn Tỳ, giận quá làm tắc nghẽn Can, sợ quá làm tắc nghẽn Thận.
  6. Tắc nghẽn do căng thẳng không được giải phóng kịp thời
  7. Tắc nghẽn do chấn thương
  8. Tắc nghẽn do côn trùng hoặc thú vật cắn
  9. Tắc nghẽn do ăn quá no, quá nhiều
  10. Tắc nghẽn do tuổi cao
  11. Tắc nghẽn do tình dục quá độ

Điểm ra như vậy để thấy, các dòng chảy khí huyết trong cơ thể luôn ở trong tình trạng có thể bị tắc nghẽn do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, mỗi người trong chúng ta, cần phải luôn chú ý đến bản thân mình để xem xét cơ thể đang vận động thế nào, đầu óc đang suy nghĩ gì, ăn uống có đúng hay không, và điều quan trọng là nếu phát hiện ra đau nhức, tức là đã có ứ tắc, thì cần phải thực hiện day bấm huyệt ngay, để có thể giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng nhất.