Sức mạnh chữa lành của tinh thần P5: Đúng hướng

banner

Tự nhiên là người Thầy vĩ đại

Ở phần 4, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về những lầm tưởng khi thực hành đưa tâm trí trở lại với cơ thể (Sức mạnh chữa lành của tinh thần P4: Lầm tưởng), những lầm tưởng này sinh ra đa phần bởi người thực hành không hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ về cách thức hoạt động của bộ não, vì thế nên việc thực hành thường thiếu cơ sở, thiếu lối đi rõ ràng, đa phần chỉ dựa vào những niềm tin, thông tin chắp vá và sự nỗ lực từ chính bản thân. Giống như học sinh khi làm bài kiểm tra, bất kì học sinh nào cũng sẽ đều muốn được điểm cao, nhưng nếu không học, không sửa những lỗi sai, không biết các công thức... thì chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi những sai lầm. Việc thực hành đưa tâm trí quay trở lại làm quen với cơ thể, rồi giúp tâm trí dần trở thành người bạn thân thiết với chính cơ thể cũng đòi hỏi phải có kiến thức, kĩ năng nền tảng hay còn gọi là những nguyên lý của hoà hợp thân tâm.

Những người thành công đã tìm ra những nguyên lý đó từ đâu? Chắc chắn sẽ không có chỗ nào tốt hơn là từ chính nơi mà con người được sinh ra và trường thành: Tự nhiên. Con người được sinh ra từ tự nhiên, con người sống khoẻ cũng phải nhờ vào tự nhiên, con người bệnh tật cũng liên quan đến tự nhiên, con người có thể duy trì được cuộc sống hạnh phúc hay không cũng phụ thuộc vào mức độ chúng ta hiểu biết về những gì đang diễn ra xung quanh mình. Nếu chúng ta có hiểu biết đúng và có những nhận thức đúng về những gì chúng ta được tiếp xúc, đang tương tác thì chắc chắn chúng ta sẽ có hành động đúng tốt và kết quả của hành động đúng tốt chắc chắn sẽ là sự an vui, hạnh phúc, khoẻ mạnh.

Vậy tự nhiên là gì? Tự nhiên là những gì tự nhiên có, tự nhiên xuất hiện, tự nhiên vận hành mà hoàn toàn không phụ thuộc vào hành động hay ý trí của con người. Vậy tự nhiên có thể kể ra đây chính là tự tồn tại của mặt trời, mặt trăng, của ánh sáng, sự chuyển động của không khí, của nước, của đất, của hơi nóng, của bốn mùa, vòng quay của trái đất, lực hút trái đất, lực hút giữa mặt trăng và trái đất, sự tương tác giữa các hành tinh khác với trái đất v.v..

Nguyên lý ẩn tàng trong sự vận hành trong tự nhiên là cân bằng động, mọi thứ chỉ tồn tại được khi sự vận hành của chúng liên tục tạo ra sự cân bằng động và sự biến đổi trạng thái cũng phải trên cơ sở sự cân bằng động. Ví dụ: trái đất muốn tồn tại được thì nó phải tự quay cân bằng quanh trục của mình và bản thân nó cũng phải quay trên một quỹ đạo nhất định. Tốc độ, quỹ đạo của trái đất được quyết định bởi trạng thái cân bằng động tự nhiên sinh ra từ những lực tương tác vô hình giữa trái đất và những yếu tố liên quan khác.

Những nhà triết học, y học cổ đại đã tìm ra biểu tượng vô cùng hoàn hảo để diễn đạt trạng thái cân bằng động chính là đồ hình âm dương. Khi nhìn sâu vào biểu tượng rất giản dị này chúng ta sẽ tìm ra hướng đi đúng trong thực hành hoà hợp thân tâm.

banner
Đồ hình âm dương

 

Âm dương và những nguyên lý thực hành hoà hợp thuận tự nhiên

- Thân ở đâu thì tâm ở đó: bạn nhìn vào đồ hình âm dương sẽ thấy 2 màu khác nhau, nó biểu tượng cho 1 cái nhìn thấy được và 1 cái không nhìn thấy được luôn tồn tại cùng nhau. Với cơ thể, phần thân là phần nhìn thấy được, còn phần tâm là phần không nhìn thấy được. Bạn thấy 2 phần thân tâm luôn phải hoà quện vào nhau, cái này động thì cái kia sẽ động, cái này tĩnh thì cái kia sẽ tĩnh. Với nguyên lý này chúng ta thấy rằng, việc dùng tâm quan sát và cảm nhận thân cần có sự kết dính tự nhiên. Khi thân động thì tâm lập tức thấy rõ cái động này của thân, khi thân tĩnh thì tâm cũng an tĩnh cùng với thân.

Ví dụ: khi bạn đang ngồi thì bạn cần cảm nhận việc ngồi của bạn, bạn chuyển từ ngồi sang đứng thì bạn cần cảm nhận sự thay đổi từ ngồi sang đứng, bạn hết đứng lại đi bộ thì tâm cần cảm nhận sự đi bộ này. Ngoài ra, nếu thân ngồi tĩnh lặng thì tâm cũng sẽ trở nên yên tĩnh trong tự tĩnh lặng đấy của thân (thực ra điều này về mặt lý thuyết là vậy, nhưng phải đến 99% trường hợp khi thân ngồi tĩnh thì tâm lại chạy lung tung nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác). Trong 1 ngày chúng ta có rất nhiều sự thay đổi trạng thái vận động của thân thể vì thế mà tâm chúng ta cũng sẽ cần cảm nhận kịp thời những điều thay đổi đó. Vì thế, khi thực hành đưa tâm trí trở lại với cơ thể thì cần phải thoải mái tự nhiên, thân thế nào thì tâm thấy như thế. Không cần phải bó buộc thân phải ngồi thế này, ngồi thế kia, phải đứng thế này, đứng thế kia thì mới bắt đầu cảm nhận. Tất nhiên, với những người mới thực hành thì việc ngồi tĩnh lặng, đứng tĩnh lặng hoặc vận động theo một cách thức nào đó đặc biệt để giúp tâm cảm nhận thân dễ hơn là một hỗ trợ tốt.

- Nhẹ nhàng, buông thư, không gượng ép: khi nhìn vào hình tròn âm dương chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay sự mềm mại, thư giãn trong đấy bởi vì nó không có chỗ nào gấp khúc, không có chỗ nào gượng ép. Khi thực hành việc đưa tâm trí về với cơ thể chúng ta cũng cần phải làm theo hướng nhẹ nhàng, buông thư như vậy thì mới có thể đạt được kết quả cao. Làm sao sao để phân biệt thế nào là đã buông thư và thế nào là đã gượng ép? đơn giản thôi: khi bạn đưa tâm trí trở về cảm nhận với cơ thể, nếu bạn làm việc đó đúng cách thì cảm giác sẽ là dễ chịu, thoải mái, đầu óc thấy nhẹ nhàng, tâm trí nhẹ nhõm, bạn vẫn vừa có thể để ý đến cơ thể mình nhưng vẫn có thể phản ứng lại với những thứ đang diễn ra xung quanh như ai gọi thì bạn vẫn có thể thưa, thấy mùi lạ trong bếp thì vẫn có thể vào xem có gì cháy không...Còn gượng ép thì bạn sẽ có cảm giác khá nặng nề, căng thẳng vì bạn phải sử dụng ý chí, nỗ lực để "buộc" tâm vào thân, thường với sự nỗ lực như vậy bạn sẽ dễ cảm thấy bực mình, khó chịu khi bị ai đó làm phiền hoặc làm rán đoạn việc bạn đang thực hiện.

banner
Hoà mình với thiên nhiên sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về sự sống của chính mình

- Thấy đồng thời cả hoạt động của thần và của tâm: lại một lần nữa nhìn vào đồ hình âm dương, bạn sẽ nhận thấy có chấm đen trong nửa màu trắng hoặc ngược lại chấm trắng trong nửa màu đen, đó là biểu tượng thể hiện trong cái nọ có cái kia, trong cái kia có cái nọ. Khi bạn đưa tâm trí trở về với cơ thể, thì ngoài việc cảm nhận những gì đang xảy ra trên cơ thể, bạn cũng có thể cảm nhận thêm về những hoạt động của chính tâm trí mình. Những hoạt động của tâm trí bao gồm nhiều thứ như các loại cảm xúc, các hình ảnh, âm thanh hiện lên từ quá khức, những suy tưởng, hoạt động tư duy v.v.. Tóm lại chúng ta có rất nhiều cấp độ, rất nhiều thứ lớp của việc cảm nhận khi thực hành việc đưa tâm trí quay trở lại với cơ thể. Phần những thứ lớp của cảm nhận này tôi sẽ chia sẻ ở những phần tiếp theo.

- Sự tĩnh trong động: hình tròn thì luôn có 1 tâm, hình tròn âm dương cũng có tâm và tâm đấy luôn bất động khi hình tròn chuyển động, nó giống như tâm của bánh xe luôn bất động dù bánh xe có quay nhanh đến mấy, hoặc giống như trục của trái đất luôn bất động dù trái đất luôn quay tròn rất nhanh. Tóm lại trong cái động sẽ có cái tĩnh. Vậy khi chúng ta đưa tâm quay trở lại với cơ thể thì cái gì động và cái gì tĩnh? cái thấy rõ sẽ là tĩnh còn đối tượng của cái thấy rõ sẽ động. Lấy ví dụ cho dễ hiểu: khi bạn soi gương thì gương sẽ bất động nhưng những hình ảnh trong gương sẽ là động. Gương soi biểu hiện cho cái thấy biết rõ ràng còn những hoạt động của thân và những hoạt động trong tâm trí sẽ liên tục thay đổi.

Mời bạn tiếp tục với:

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P1: khám phá

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P2: Kết nối

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P3: Trở về

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P4: Lầm tưởng

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P5: Đúng hướng

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P6: Ngăn trở & giải pháp

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P7: Thành kiến, định kiến

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P8: Nghĩ ngợi lung tung

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P9: thực hành giảm đau nhức

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P10: các lớp cơ thể

Sức mạnh chữa lành của tinh thần P11: Dòng chảy & mắc kẹt

------------

Tìm hiểu sâu hơn về các khoá học trị liệu tự nhiên, y học cổ truyền, chăm sóc sức khoẻ chủ động

Khoá học trị liệu & chăm sóc sức khoẻ chủ động Online - Bs Lê Hải

Chi tiết các khoá học Online - Bs Lê Hải

Kênh Youtube học trị liệu: XEM NGAY