Đông y, Tây y: sự khác biệt cốt lõi

bn

Hiện nay đang có rất nhiều người chưa thực sự hiểu được rõ đâu là sự khác biệt giữa phương pháp trị liệu của hai nền y học phổ biến tại các bệnh viện đó là Đông y và Tây y. Trên thực tế, việc phân biệt này có lẽ cũng chẳng khó khăn là mấy nếu chúng ta dành chút thời gian nhìn vào cách hoạt động của từng kiểu bệnh viện, một bên sử dụng tây y và một bên là đông y. Tây y, tất nhiên, nét đặc trưng của nó là cần phải sử dụng đến các trang thiết bị máy móc trong chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị, phục hồi… còn Đông y thì ngược lại, sử dụng nguồn lực từ con người là chủ yếu trong chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa.

Ngoài ra, ngày nay còn có xu hướng mới đó là kết hợp y học hiện đại (tây y) và y học cổ truyền (đông y) điều này cũng tạo ra được nhiều nét tiến bộ nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít điểm tụt hậu, tuy nhiên trong phạm vi bài viết chia sẻ này tôi không đề cập đến sự kết hợp đó mà chỉ tập trung chủ yếu vào sự khác biệt cốt lõi.

Vậy thì cốt lõi của sự khác biệt là gì? Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, không có gì tốt hơn là chúng ta sẽ bắt đầu từ điểm xuất phát của y học cổ truyền Á đông.

Kinh dịch và thế giới quan Đông y

Đông y bắt nguồn từ những nước vùng Á đông mà hiện nay được biết đến là những quốc gia có nền y học cổ truyền lâu đời như Trung quốc, Việt nam, Hàn quốc, Nhật bản…nền y học tại đây được xây dựng trên cơ sở hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên (thế giới quan) và vai trò của con người trong thế giới đó (nhân sinh quan).

Quan điểm về thế giới tự nhiên của người Á đông đã được người xưa phát hiện và đúc kết thành nguyên lý từ hơn 4000 nghìn năm trước, những chiêm nghiệm quý báu này được ghi chép tại một trong những cuốn sách cổ xưa nhất lịch sử đó là Kinh dịch. Về mặt chữ nghĩa có thể hiểu như sau: “kinh” ở đây có nghĩa là sách, nhưng không phải sách thông thường mà là sách chứa đựng những khuôn thước, nguyên lý cốt lõi, kinh sách được ví như như tấm bản đồ đưa người đọc đến một nhận thức nào đó. “Dịch” là sự chuyển động, biến hóa => Kinh dịch chính là sách viết về những khuôn thước, chuẩn mực và nguyên lý của sự vận động biến hóa trong thế giới tự nhiên, vạn vật, con người, xã hội mà cổ nhân đã phát hiện ra.

Nguyên lý vận động này được tổng kết một cách vô cùng tài tình trong một đồ hình mà có lẽ ai ai cũng biết, đó là đồ hình âm dương.

 

 

Tại sao từ một đồ hình đơn giản đến như vậy lại có thể chứa đựng toàn bộ những nền tảng cốt lõi và là nền móng Đông y? Bởi đây là biểu tượng hoàn hảo nhất thể hiện được chính xác bản chất sự vận động trong cơ thể con người và mối liên hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Trên cơ sở đó, những nhà y học bắt đầu tìm ra đầu mối để hiểu về cấu trúc cơ thể người, về tạng phủ, kinh lạc, những phương pháp chẩn đoán, cách lựa chọn thảo dược, cách bào chế để tạo nên dược vị v.v…

Âm dương đối lập đề hòa hợp

Mọi thứ trong thế giới này đều tự nhiên phân ra thành các cặp âm dương: đất trời, cao thấp, thủy hỏa, vô hình và hữu hình, sáng tối, nóng lạnh, nắng mưa, nam nữ, trái phải, trên dưới, trong ngoài, trước sau, thân tâm, sướng khổ, vui buồn, họa phúc, may rủi v.v...

Tại sao có sự khác biệt này?

Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm từ một ví dụ rất thực tế của âm dương đó là nam và nữ trên qủa đất này. Sự phân biệt giữa nam và nữ để làm gì? Có phải nhằm phân thế giới thành 2 phe đối lập để tranh dành vị trí giới nào là số 1 hay không? Câu trả lời đương nhiên sẽ là không phải vậy, bởi vì nếu như vậy thì xã hội loài người sẽ không thể tồn tại cho đến ngày nay.

Nam nữ khác nhau là bởi, chỉ khi khác nhau thì họ mới có thể kết hợp với nhau để sinh ra sự sống mới. Nam nữ - âm dương luôn tồn tại sự khác biệt một cách tự nhiên, nhưng sự mâu thuẫn này không phải để tiêu diệt nhau, để cản trở nhau mà chính là để hỗ trợ nhau, hòa hợp với nhau nhằm thúc đẩy sự sống liên tục sinh sôi nảy nở.

Qua ví dụ trên chúng ta thấy rằng, bản chất của sự đối lập chính là động lực để tạo ra hòa hợp trong vận động, từ đó tạo động lực để sự sống liên tục được sinh sôi, nảy nở không ngừng nghỉ. Đây quả thực là một phát hiện vĩ đại của người xưa trong vấn đề nhận thức thế giới.

Âm dương hòa hợp tạo thành Khí

Quay trở lại ví dụ trên, khi người nam và người nữ hòa hợp trọn vẹn với nhau sẽ tạo thành em bé, trong dịch học gọi “em bé” đó là Khí. Hay nói cách khác âm và dương giao hòa sẽ tạo ra khí, khí được coi là nguồn mạch sự sống. Trời đất là âm dương, trời là khoảng không vô hình bất tận, đất là những thứ hữu hình như sông núi, ao hồ, đất đai, ruộng vườn… trời đất hòa hợp với nhau tạo ra khí trời đất còn gọi là thiên địa khí. Con người, có phần tâm ý và thân thể chính là âm và dương, khi thân tâm hòa hợp với nhau sẽ tạo ra được khí của con người (nhân khí).

Khí là vô hình nhưng chúng thực sự tồn tại, trên quả đất có long mạch, huyệt mạch chính là nơi có khí vận hành mạnh mẽ, trên cơ thể con người có huyệt đạo, kinh lạc chính là nơi có khí chảy thành dòng. Trong lịch sử loài người, khi dựng đô, xây nhà, làm đền chùa con người chọn nơi có long mạch, huyệt mạch để thấp thu được nhiều khí trời đất, nhằm tạo ra sự thuận lợi, hưng thịnh may mắn. Trong y học cổ truyền, khi chữa bệnh, tập dưỡng sinh con người dựa vào hiểu biết về hoạt động của hệ thống kinh lạc, chức năng của tạng phủ, huyệt đạo để điều hòa dòng nhân khí nhằm giúp phục hồi sức khỏe tốt hơn, sống khỏe và trẻ lâu hơn.

Sự khác biệt cốt lõi

Khi nói đến Đông y chúng ta nói đến âm dương và khí, nói đến kinh lạc, huyệt đạo, sự hòa hợp và cân bằng. Còn Tây y xuất phát từ những thành tựu trong khoa học kĩ thuật hiện đại, nên sẽ nói về những thí nghiệm, chỉ số, vi khuẩn, virus, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, kháng sinh v.v.. Cả hai nền y học đều có chung mục đích đem lại sức khỏe cho con người, nhưng vì hướng xuất phát và cách nhìn nhận thế giới có phần khác biệt vì thế giải pháp đương nhiên là có chỗ khác nhau. Ở thế kỷ 21 sẽ là điều khôn ngoan nếu chúng ta biết kết hợp khéo léo cả hai nền y học này để chủ động tạo ra sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.