Xin chào tất cả mọi người
Tôi là bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội năm 2009 và tốt nghiệp sau đại học tại đây năm 2017.
Xuất thân trong gia đình với cả bố và mẹ đều làm nghề y, vì thế mà tôi đã tiếp xúc với y học ngay từ thời còn mẫu giáo, vì vậy mà theo mong muốn của gia đình và cũng là mong muốn của bản thân tôi đã tiếp tục con đường y học của gia đình. Một điều may mắn lớn trên con đường y học của bản thân, chính là việc được đào tạo cả hai hệ thống y học - Đông y và Tây y. Y học hiện đại (Tây y) giúp người người bác sỹ có lối tư duy khoa học hiện đại và việc thực hành cần phải xuất phát từ những bằng chứng thực nghiệm. Theo một hướng khác, Y học cổ truyền (Đông y) giúp người bác sỹ có cái nhìn toàn diện, đa chiều, đa hướng và theo logic của tự nhiên của âm dương, trời đất, mặt trăng mặt trời.
Khi có cơ hội đi truyền đạt kiến thức về giải phẫu yoga tại những trung tâm Yoga lớn từ năm 2014 đến nay, với hơn 200 khoá đào tạo cùng hàng nghìn học viên tại khắp 3 miền đất nước tôi đã dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về Yoga và dựa trên những kiến thức có sẵn về y học hiện đại và y học truyền thống được đào tạo bài bản trên ghế nhà trường tôi đã nhìn thấy sự tương đồng rất lớn giữa hệ thống kiến thức của yoga và y học.
Yoga nói về prana, thì y học truyền thống nói về Khí như: nguyên khí, vệ khí, phong khí, táo khí, thấp khí, hoả khí, thuỷ khí, phế khí, thận khí, can khí...
Yoga nói về luân xa, thì y học cổ truyền nói về những điểm đặc biệt trên cơ thể, nơi mà khi tác động vào đó đúng cách sẽ cho ra những tác dụng có lợi cho sức khoẻ, đấy chính là hệ thống 361 huyệt đạo nằm trên 14 đường kinh mạch. Ngoài ra, có thể rất dễ dàng nhận thấy sự tương đồng về vị trí giữa luân xa và huyệt đạo, ví dụ: huyệt Bách hội và luân xa 7, huyệt Ấn đường và luân xa 6, huyệt Đản trung và luân xa 4, huyệt Trung quản và luân xa 3...
Yoga nói về các kênh năng lượng thì y học cổ truyền nói về hệ thống kinh mạch, kinh lạc, kinh cân, kinh biệt...
Còn khi so sánh với Y học hiện đại thì sao? Y học hiện đại nói về năng lượng sống như năng lượng điện của tế bào não, cơ tim, cơ vân, năng lượng hoá học được sử dụng dưới dạng ATP, nhiệt năng sinh ra do sự co cơ, các quá trình phân giải chất đạm, đường, mỡ. Các hệ thống dẫn truyền năng lượng trên có thể thấy rất tường đồng với hệ tuần hoàn động mạch, tĩnh mạch, bạch mạc và hệ thống tuần kinh trung ương và ngoại biên của y học hiện đại.
Vậy tại sao có sự tương đồng này? thực ra câu trả lời rất đơn giản đó là y học hay yoga bản chất chính là con đường tìm hiểu về chính con người và làm sao để sử dụng con người đúng cách nhằm mục đích sống khoẻ trẻ lâu. Nói cách khác thì đối tượng và mục đích của y học và yoga mấy nghìn năm nay vẫn vậy - đó là làm sao để sử dụng con người cho đúng, cho hợp với tự nhiên và nếu có điểm khác biệt thì đó là do nhận thức thời xưa với thời nay khác nhau mà thôi.
Cơ thể con người có hàng nghìn tỷ sự kết nối vô cùng phức tạp, chỉ riêng trong 1 tế bào trong 1 giây đã có khoảng một nghìn phản ứng hoá học, những tế bào thần kinh có hàng tỷ kết nối liên lạc với nhau trong nháy mắt, những tế bào gan, thận, tuỵ, phổi, dạ dày..."nói chuyện" với nhau thường xuyên bằng hàng trăm loại chất hoá học... vậy thì với cả thể sống có hàng nghìn tỷ tế bào quả là không thể tưởng tượng được sự vĩ đại của nó. Chính vì thế qua hàng nghìn năm lịch sử y học đã có rất nhiều hệ thống trị liệu, phục hồi sức khoẻ đã xuất hiện khắp mọi nơi trên địa cầu với hàng trăm nhà y học nổi tiếng. Trong quá trình quay trở lại để tìm hiểu về chính bản chất con người qua cái nhìn của sách vở, kiến thức giải phẫu sinh lý và trí tuệ tôi đã may mắn bắt gặp những hệ thống tương đồng đặc biệt và nhờ đó tổng hợp được được mối liên quan giữa 12 đường kinh lạc với các bài tập yoga tác động vào các nhóm cơ. Thực chất thì phát hiện này cũng chỉ là một chấm nhỏ trên con đường phát triển nghìn năm của lịch sử y học nhân loại mà thôi. Nhưng cũng phải thấy rằng, nhờ phát hiện này mà người tập sẽ dễ dàng hơn khi lựa chọn bài tập để cải thiện một vấn đề cụ thể nào đó ví dụ: khi bạn gặp vấn đề về hô hấp thì bạn sẽ lựa chọn những bài tập liên quan đến các nhóm cơ có mối liên hệ gần với đường kinh Phế, cũng tương tự như vậy nếu bạn gặp vấn đề về dạ dày, tim, đại tràng, gan ... thì cũng theo cách này để tìm ra bài tập phù hợp nhất giúp cải thiện nhanh nhất.
Thêm một điều rất hay nữa chính là nhờ sự phát hiện này mà với những người đang hoặc có mong muốn thực hành yoga có thể thấy rõ ràng, chi tiết, tường tận về giá trị của những Asana trong việc cải thiện sức khoẻ thân tâm của người tập luyện và thấy được vai trò to lớn của việc thực hành yoga đều đặn với sức khoẻ toàn diện là như thế nào. Y học là khoa học thực hành và yoga cũng vậy, chúng ta không thể chỉ đọc sách mà trở thành bác sỹ giỏi hoặc chỉ nhìn người khác tập mà trở thành người hiểu về yoga, vì vậy chỉ bằng con đường thực hành chăm chỉ, thường xuyên để thân tâm hoà hợp và tâm trí tuệ mẫn thì mới có thể thấy được giá trị của y học và yoga. Sách 12 đường kinh và các bài tập yoga khi được đưa vào thực hành sẽ là cánh cổng giúp mọi người bước vào một thế giới quan mới mẻ, nơi mỗi người có thể tự mình nhìn rõ hơn về chính cơ thể mình và gặt hái thêm nhiều hiểu biết về yoga và y học cổ truyền nước nhà. Với sự sâu sắc và tinh tế trong việc tiếp nhận tri thức trong từng trang sách, quyển sách giá trị này có thể coi là một nấc thang đưa người đọc lên một tầm cao mới để hiểu hơn về chính bản thân mình, từ đó tìm ra được con đường sống khoẻ, trẻ lâu cho bản thân và khéo léo chỉ đường cho những ai mong muốn được đồng hành.
Trân trọng!
Bs Lê Hải