Đánh giá điều trị đau thần kinh toạ bằng điện châm kết hợp cao dán và điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt

đau thần kinh toạ

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Đau thần kinh tọa (TKT) là bệnh phổ biến trong các bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh chiếm 2 % dân số và 17% số người tên 60 tuổi. Đau thần kinh tọa không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến kinh tế của người bệnh. Có nhiều phương pháp điều trị đau thần kinh tọa với mục đích giúp người bệnh trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường [3]. Cao dán Thiên hương (Thiên Việt Hương) do Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Trung ương sản xuất và lưu hành nhiều năm nay để điều trị giảm đau. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đánh giá tác dụng của cao dán này trên lâm sàng. Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu đề tài này với mục tiêu sau:

  1. Đánh giá tác dụng điều trị đau dây thần kinh tọa bằng điện châm kết hợp cao dán Thiên hương với điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt
  2. Theo dõi tác dụng không mong muốn của cao dán Thiên hương trên lâm sàng 


II. CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1. Chất liệu nghiên cứu
    • Cao dán Thiên hương (nay đổi tên Thiên Việt Hương) được sản xuất tại khoa Dược bệnh viện YHCT trung ương. Cao dán Thiên hương đạt tiêu chuẩn cơ sở [4]
    • Thành phần: Methyl salicylat 49,50mg; Menthol 24,7mg, Camphor 10,80mg, Thymol 6,75mg, Tinh dầu quế 11,25mg, tá dược vừa đủ.
  • 2.2. Đối tượng nghiên cứu
    • 2.2.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân
      • Được chẩn đoán xác định là đau thần kinh tọa
      • Không phân biệt tuổi, giới, nghề nghiệp, lứa tuổi
      • Tình nguyên tham gia nghiên cứu, tuân thủ đúng liệu trình nghiên cứu và không sử dụng phương pháp điều trị nào trong thời gian nghiên cứu.
  • 2.2.2. Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân
    • Đau thần kinh tọa được chẩn đoán do lao, ung thư đốt sống tiên phát hoặc di căn
    • Đau thần kinh tọa kèm theo mắc bệnh ngoài da, đái tháo đường
  • 2.3. Phương pháp nghiên cứu
    • Phương pháp thử nghiệm lâm sàng can thiệp, ghép cặp có so sánh
  • 2.4. Quy trình nghiên cứu
    • 87 bệnh nhân được chẩn đoán là đau đau dây thần kinh tọa, chia thành 2 nhóm, ghép cặp theo tuổi, giới, mức độ đau.
      • Nhóm I (NI): 44 bệnh nhân được điều trị bằng điện châm và dán cao Thiên hương
      • Nhóm II (NII): 43 bệnh nhân được điều trị bằng điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt.
    • Nhóm huyệt: 
      • Nếu bệnh nhân đau dọc theo kinh Bàng quang: Giáp tích L5- S1, Thận du, Đại trường du, Trật biên, Thừa phù, Ân môn, Ủy trung, Thừa Sơn, Côn lôn.[5]
      • Nếu bệnh nhân đau dọc theo đường đi của kinh Đởm: Giáp tích L4-L5, Thận du, Đại trường du, Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Huyền chung, Khâu khư [5]. 
    • Kỹ thuật dán cao: Dùng miếng cao có đường kính 2cm, dán vào các huyệt sau khi châm cứu. 
    • Kỹ thuật xoa bóp: Tiến hành các thủ thuật: day, lăn, bóp, bấm, chặt, vận động cột sống, vận động chân đau và phát sau khi châm cứu [6]
    • Liệu trình: ngày 01 lần, điều trị 5 ngày liên tiếp, nghỉ 2 ngày sau đó lại tiếp tục quy trình như trên
    • Thời gian nghiên cứu: tháng 12/2008 đến tháng 8/2009


III. BÀN LUẬN

 

  • 3.1. Kết quả điều trị theo thang điểm VAS

    • Sau điều trị điểm đau trung bình ở nhóm I theo thang điểm VAS giảm từ 6,109 ± 1,306 điểm xuống 2,765 ± 1,542 điểm. Còn với nhóm II điểm trung bình tr¬ước điều trị là 6,340 ±  0,915 điểm và sau khi điều trị là 2,974 ± 1,403 điểm, sự giảm đau của hai nhóm sau điều trị so với trước điều trị có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. 
    • Kết quả nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ bệnh nhân hết đau ở nhóm I chiếm 18,18% và nhóm II chiếm 16,28%; tỷ lệ bệnh nhân còn đau nhẹ chiếm đa số, nhóm I chiếm 59,09%; nhóm II chiếm 53,49%. Không còn bệnh nhân nào còn mức độ đau nặng ở cả hai nhóm. Sự khác biệt về mức độ đau sau điều trị của hai nhóm khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0.05
    • Có đ¬ược kết quả này theo chúng tôi là vì đau thần kinh toạ là bệnh ở kinh lạc, thuộc biểu, khi khí huyết lưu chuyển trong kinh lạc bị bế tắc sẽ gây đau. Theo Y học cổ truyền thì “thông bất thống, thống bất thông” có nghĩa là khi khí huyết trong kinh mạch lưu thông điều hòa thì không đau, còn khi bị bế tắc thì sẽ gây đau. Châm cứu có tác dụng thông kinh hoạt lạc, khi kinh lạc thông suốt thì khí huyết được điều hoà vì thế bệnh nhân đỡ đau. Hơn nữa, khi sử dụng dán cao Thiên Hương vào các huyệt, càng làm tăng cường vận mạch tại chỗ làm cho kinh lạc được lưu thông tốt hơn, khí huyết được điều hoà làm bệnh nhân giảm đau nhanh. 
    • Trong thành phần của cao dán có thành phần nh¬ư Methyl salisilat là dẫn xuất của acid salicylic, có tác dụng ngấm qua da làm giảm đau, chống viêm [9]. Ngoài ra, trong cao dán cũng còn các vị thuốc Y học cổ truyền như tinh dầu Bạc hà (menthol) có tác dụng làm mát và gây tê tại chỗ vì vậy mà sau khi dán cao cảm giác đau giảm đi [9]. Các thành phần khác trong cao dán cũng có tác dụng giảm đau nh¬ư tinh dầu Quế, tinh dầu Long não [9].  
    • Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp điều trị lâu đời của Y học cổ truyền, sau khi bệnh nhân châm cứu đã có tác dụng thông kinh hoạt lạc, lại kết hợp thêm xoa bóp càng làm tăng tác dụng chữa bệnh. Xoa bóp theo Y học hiện đại có tác dụng làm mềm cơ, giãn cơ, làm tuần hoàn lưu thông tốt hơn, còn theo Y học cổ truyền thì khí huyết được điều hòa và âm dương được cân bằng [6]. Vì thế mà khi phối hợp châm cứu với xoa bóp bấm huyệt có tác dụng giảm đau tương đương như khi phối hợp châm cứu với dán cao. 
  • 3.2.  Ngày điều trị trung bình: 

    • Số ngày điều trị trung bình ở nhóm I là 17,77 ± 8,26 ngày, ở nhóm  II là 19,86 ± 7,54 ngày. Nh¬ư vậy số ngày điều trị trung bình ở nhóm I thấp hơn nhóm II. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
    • Theo chúng tôi, bệnh nhân đau thần kinh toạ sau khi được điều trị bằng châm cứu được dán cao Thiên Hương thì tác dụng của cao kích thích lên huyệt có thời gian dài hơn thời gian mà xoa bóp tác động lên huyệt vị. Chính vì vậy mà số ngày điều trị có ngắn hơn. Tuy nhiên, có thể vì số lượng bệnh nhân nghiên cứu còn hạn chế nên sự khác biệt này chưa có ý nghĩa thống kê. 
  • 3.3. Hội chứng cột sống sau điều trị

    • Độ dãn cột sống thắt lưng (Schober): Sau điều trị độ dãn cột sống thắt lưng ở cả hai nhóm tăng lên rõ rệt. Không còn bệnh nhân nào có độ dãn cột sống thắt lưng ở 1cm và 2cm, đa số là 4cm: nhóm I chiếm 61,63%; nhóm II chiếm 53,49%. Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Như vậy, hai phương pháp điều trị đều có tác dụng làm tăng độ dãn cột sống thắt lưng. Kết quả này phù hợp với kết quả giảm đau theo thang điểm VAS, bởi vì khi cảm giác đau giảm đi thì biên độ vận động của cột sống tăng lên, vì vậy độ dãn cột sống thắt lưng sẽ tăng lên. 
    • Các triệu chứng khác của hội chứng cột sống như tư thế chống đau, dấu hiệu nghẽn, dấu hiệu bấm chuông ở cả hai nhóm cũng giảm đáng kể.
  • 3.4. Hội chứng rễ sau điều trị

    • Lasègue: Sau nghiên cứu không còn bệnh nhân nào có dấu hiệu Lasègue dưới 450, hầu hết đều trên 700: nhóm I chiếm 79,55%, nhóm II chiếm 72,09%. Đây là một trong những dấu hiệu chính để chẩn đoán cũng như đánh giá mức độ đau TKT. Như¬ vậy, cả hai phương pháp điều trị đều có tác dụng giảm đau vì thế độ Lasègue tăng lên.   
    • Valleix: Sau điều trị không còn bệnh nhân nào còn 4-5 điểm đau Valliex, tỷ lệ bệnh nhân còn 2 điểm đau Valleix ở nhóm I là 9,09%, ở nhóm II là 13,95%, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Tỷ lệ bệnh nhân còn 1 điểm đau Valleix ở nhóm I là 75%, ở nhóm II là 65,12%, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Các điểm đau Valleix giảm đi ở nhóm I nhiều hơn nhóm II bởi vì trong thành phần của cao dán Thiên hhương có các vị thuốc có tác dụng làm giảm đau tại chỗ như Methyl salisilat, tinh dầu Bạc hà, tinh dầu Long não, tinh dầu Quế. 
    • Các triệu chứng khác của hội chứng rễ sau điều trị như: rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, rối loạn phản xạ gân xương cũng giảm đi đáng kể ở cả hai nhóm. Tuy nhiên sau điều trị thì tỷ lệ bệnh nhân teo cơ không giảm, chúng tôi cho rằng khi bệnh đau thần kinh toạ ở giai đoạn có teo cơ là bệnh đã ảnh hưởng đến tạng tỳ. Vì vậy nếu chỉ dùng đơn thuần phương pháp điều trị ngoài thì ít có tác dụng, phải kết hợp với thuốc uống trong. Hơn nữa thời gian điều trị của chúng tôi lại ngắn nên hiệu quả điều trị với triệu chứng này còn bị hạn chế.
  • 3.5.  Kết quả điều trị theo phân loại

    • Kết quả chung: Chúng tôi dựa vào sự thay đổi tổng số điểm sau điều trị, số điểm tr¬ước điều trị và số điểm tối đa để phân loại kết quả điều trị. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy số lượng bệnh nhân có kết quả tốt (Loại A) và có kết quả khá (Loại B) ở nhóm I cao hơn nhóm II: nhóm I chiếm 77,27%; nhóm II chiếm 72,09%. Sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Loại đạt kết quả trung bình (loại C) thì ở nhóm I là 22,73%, nhóm II là 27,91%, sự khác biệt này cũng không có ý nghĩa với  p > 0,05. Không có bệnh nhân nào đạt loại kém (loại D) ở cả hai nhóm.
    • Như vậy, điều trị bằng châm cứu kết hợp cao dán Thiên Hương và điều trị bằng châm cứu kết hợp xoa bóp bấm huyệt có tác dụng tương đương nhau.

IV. KẾT LUẬN

 

  1. Cao dán Thiên Hương (Thiên Việt Hương) kết hợp với điện châm và điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt có tác dụng giảm đau trong điều trị bệnh đau dây thần kinh toạ. Tác dụng giảm đau của hai nhóm là tương đương nhau
  2. Chưa thấy tác dụng không mong muốn của cao dán Thiên hương (Thiên Việt Hương) trên lâm sàng