Đánh giá tác dụng điều trị đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ bằng phương pháp điện xung kết hợp xoa bóp bấm huyệt
Tóm tắt nghiên cứu
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ đứng hàng thứ hai sau thoái hoá cột sống thắt lưng và chiếm 14% trong các bệnh thoái hoá khớp [1], [2]. Theo thống kê tại Hoa Kỳ hàng năm có 21 triệu người mắc bệnh thoái hóa khớp với 4 triệu người phải nằm viện, trong đó thoái hoá cột sống cổ tiêu tốn tới 40 triệu USD/ năm. Ở Việt Nam, thoái hóa khớp đứng hàng thứ ba (4,66%) trong các bệnh có tổn thương khớp, và chi phí cho mỗi đợt điều trị nội khoa thoái hóa khớp khoảng từ 2 - 4 triệu đồng [3]. Phương pháp điều trị bệnh lý này theo y học hiện đại chủ yếu là điều trị triệu chứng (thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ, nhóm thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm …) và phục hồi chức năng [4] [5]. Theo y học cổ truyền, đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ thuộc phạm vi chứng Kiên tý và với pháp điều trị khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh lạc, bổ can thận [6]. Từ đó đưa ra phương điều trị không dùng thuốc (châm cứu, xoa bóp bầm huyệt) và dùng thuốc y học cổ truyền [3]. Mục tiêu:
- Đánh giá hiệu quả điều trị đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ bằng phương pháp điện xung kết hợp xoa bóp bấm huyệt.
- Theo dõi tác dụng không mong muốn của phương pháp điện xung kết hợp xoa bóp bấm huyệt trên lâm sàng
II. ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- 2.1. Phương tiện nghiên cứu
- Kim châm cứu: 0,5mmx5cm, hãng Energy, Trung Quốc, pince vô khuẩn, cồn 700. Máy điện xung SMY- 10A NERVE & MUSCLE STIMULATION, Máy điện châm KWD-808 I MULTI PURPOSE HEALTH DEVICE.
- Thước đo tầm vận động cột sống cổ thang điểm VAS (Visual Analogue Scale), bộ câu hỏi NPQ (Northwich Pack Neck pain Questionaire).
- 2.2. Đối tượng nghiên cứu
- 60 bệnh nhân điều trị ngoại trú tại khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ tháng 12/2015 đến tháng 5/2016.
- Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân
- Y học hiện đại: chẩn đoán xác định là thoái hóa cột sóng cổ có hội chứng đốt sống cổ và hội chứng rễ. Không phân biệt tuổi, giới, nghề nghiệp. Tình nguyện tham gia và tuân thủ điều trị; không áp dụng các phương pháp điều trị khác trong thời gian nghiên cứu.
- XQ cột sống cổ: Hình ảnh thoái hóa cột sống cổ.
- Y học cổ truyền: chứng Kiên tý thể phong hàn thấp và phong hàn thấp kết hợp can thận hư.
- Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân
- Đau vai gáy do bệnh lý không phải thoái hóa cột sống cổ, bệnh nhân không tuân thủ điều trị.
- Đau vai gáy do thoát vị đĩa đệm, kèm theo các bệnh viêm nhiễm cấp tính: nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tổn thương da vùng vai gáy….
- 2.3. Phương pháp nghiên cứu
- Thử nghiệm lâm sàng mở so sánh trước - sau điều trị và so sánh với nhóm chứng:
- Cỡ mẫu: n=60 chia hai nhóm
- Nhóm nghiên cứu: 30 bệnh nhân điện xung kết hợp xoa bóp bấm huyệt.
- Nhóm chứng: 30 bệnh nhân điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt.
- 2.4. Chỉ tiêu theo dõi
- Các chỉ tiêu được đánh giá trước và sau điều trị 7 ngày:
- Mức độ đau (thang điểm VAS).Tình trạng co cứng cơ; tầm vận động cột sống cổ [6]. Hội chứng rễ thần kinh. Mức độ hạn chế sinh hoạt hàng ngày.
- Theo dõi tác dụng không mong muốn: vựng châm, gãy kim, chảy máu, nhiễm trùng tại chỗ châm, kích ứng da, bầm tím, xây cước [7].
- Các chỉ tiêu được đánh giá trước và sau điều trị 7 ngày:
III. BÀN LUẬN
- Theo kết quả bảng 3.1, điểm VAS trung bình ở nhóm nghiên cứu giảm từ 5,33 ± 1,40 xuống còn 1,47 ± 1,14, và ở nhóm chứng giảm từ 6,00 ± 1,20 xuống còn 1,27 ± 1,14... Kết quả này phù hợp với điểm VAS trước - sau điều trị của nhóm điện châm của nghiên cứu về tác dụng giảm co cứng cơ và giảm hạn chế sinh hoạt hàng ngày của bài thuốc "Cát căn thang" kết hợp điện châm trên bệnh nhân đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ (giảm từ 6,00 ± 1,46 xuống 1,37 ± 1,16) [9].
- Sở dĩ có kết quả tốt là do sử dụng dòng xung điện không liên tục, tác động trực tiếp vào vị trí đau qua miếng dán xung. Tại vị trí này xuất hiện tình trạng giãn mạch, tăng tuần hoàn, dinh dưỡng và chuyển hóa... giúp giảm viêm, giảm phù nề có tác dụng giảm đau. Ngoài ra, máy điện xung sử dụng trong nghiên cứu sử dụng tần số xung thấp, tác dụng ức chế dẫn truyền cảm giác đau đi vào tủy sống theo thuyết cổng kiểm soát của Melzack & Wall, đồng thời kích thích trực tiếp lên não giải phóng các morphin nội sinh có tác dụng giảm đau [7].Với nhóm chứng sử dụng điện châm là dùng những dòng điện không liên tục tác động trực tiếp vào huyệt mang tới kết quả giảm đau giãn cơ.
- Hội chứng rễ xuất hiện khi rễ thần kinh bị chèn ép do gai xương trong lỗ gian đốt sống, hoặc khi đi qua cơ thang, gây đau dọc theo đường đi của dây thần kinh, đặc biệt là thần kinh trụ và thần kinh giữa [8],[9]. Kết quả cải thiện hội chứng rễ trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu bài thuốc " Cát căn thang" kết hợp điện châm trong điều trị đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ [9]. Có sự khác biệt này có thể do tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân ở hai nghiên cứu khác nhau.Dưới tác động của các dòng xung điện kết hợp xoa bóp bấm huyệt vùng vai gáy giúp cho tuần hoàn máu lưu thông, giảm phù nề, cải thiện sự co cứng cơ và giảm đau tại chỗ [1],[7].
- Hạn chế tầm vận động do thoái hóa là hậu quả của đau, co cứng cơ, giảm độ đàn hồi bao khớp và dây chằng, và các tổn thương gai xương, hẹp khe khớp.Xung điện hay điện châm có tác dụng thông kinh lạc, giảm co cơ nên bệnh nhân đỡ đau và tăng tầm vận động cột sống cổ. Điện xung kết hợp xoa bóp bấm huyệt có tác dụng cải thiện chức năng sinh hoạt hằng ngày. Ở nhóm nghiên cứu có 76,67% và ở nhóm chứng có 73,33% sau điều trị không ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
- Điện xung dùng miếng điện cực dán lên bề mặt da, sau đó điều chỉnh tần số và cường độ từ từ phù hợp với bệnh nhân nên sau điều trị không thấy có tác dụng không mong muốn nào.
IV. KẾT LUẬN
- Điện xung kết hợp xoa bóp bấm huyệt trong điều trị đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ có tác dụng giảm đau, giảm tình trạng co cứng cơ, cải thiện hội chứng rễ, tăng tầm vận động cột sống cổ và cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày (p<0,05).
- Điện xung kết hợp xoa bóp bấm huyệt sử dụng an toàn không gây tác dụng không mong muốn.