Xoa bóp bấm huyệt khi bị nấc
Nguyên nhân: Chứng nấc cụt là do sự co giật có tính kịch phát của cơ hoành. Nguyên nhân thường do ăn quá nhanh hay quá nhiều, bất chợt hít phải khí lạnh, ruột bị kích thích hay các xáo trộn về tâm lý. Nó cũng có thể xảy ra ở người cao tuổi có thể trạng gầy ốm, trong một bệnh nặng hay mãn tính, sau khi phẫu thuật hay trong cơn “hysteria”.
Triệu chứng: Liên tiếp bị ngưng thở đột ngột, kèm theo sự phát ra âm thanh giống như ho.
Lợi ích của xoa bóp bấm: Có hiệu lực làm giảm chứng nấc cụt, thư giãn cơ hoành, ngủ ngon, dễ thở, cơ thể thấy thoải mái, dễ chịu
4 bước xoa bóp bấm huyệt trị liệu nấc cụt
- Xoa bụng: Bệnh nhân nằm ngửa, 2 chân co lại, người làm massage xoa bóp đứng bên tay mặt, dùng 2 bàn tay xoa bụng bệnh nhân ở quanh rốn, theo chiều kim đồng hồ bắt đầu từ hốc chậu phải. Lập lại nhiều lần trong 5 phút. Thủ thuật cần nhẹ nhàng êm ái và tác dụng trực tiếp với một độ sâu thích hợp.
- Ấn và bóp lưng: Bệnh nhân nằm sấp, người làm massage xoa bóp đứng bên cạnh, luân phiên dùng 2 bàn tay làm động tác ấn và bóp dọc theo kinh Bàng Quang từ trên xuống dưới lưng trong 3 phút.
- Điểm huyệt Khuyết bồn (ST 12): Bệnh nhân ngồi, người làm massage xoa bóp đứng bên cạnh, dùng ngón tay cái hay ngón tay giữa điểm huyệt Khuyết bồn (ST 12) ở giữa hố trên xương đòn gánh, cách đường giữa trước 4 thốn về phía ngoài, trong khoảng 30 giây. Cần tạo ra cảm giác tê lan đến ngực.
- Điểm huyệt Nội quan (PC 6): Người làm massage xoa bóp dùng 2 đầu ngón tay cái điểm huyệt Nội quan, trên mặt trước cẳng tay, cách rãnh cổ tay 2 thốn về phía trên, ở giữa 2 gân cơ trong 1 phút. Cần tạo ra cảm giác đau và căng.
3 bước tự trị liệu nấc cụt
- Điểm huyệt Thiên tông (SI 11): Bệnh nhân ngồi, dùng ngón tay giữa bên phải điểm huyệt Thiên tông ở giữa hố dưới gai xương bả vai bên trái trong 30 giây, sau đó dùng ngón tay giữa trái làm như trên với huyệt Thiên tông bên phải
- Điểm huyệt Thái xung (LRv 3): Bệnh nhân ngồi. Gác bàn chân phải lên đùi trái, dùng tay phải giữ căng chân phải, dùng đầu ngón tay cái bên trái điểm huyệt Thái xun trên lưng bàn chân, ở chỗ lõm cách khớp bàn chân thứ nhất và thứ hai 2 thốn về phía trước, trong 30 giây (hình trên). Cần tạo ra cảm giác đau, căng và tê lan đến lòng bàn chân. Sau đó làm tương tự với bàn chân trái.
- Xoa bụng: Bệnh nhân nằm ngửa, chân co lại. Đặt lòng bàn tay phải lên hốc chậu phải của bụng, ép bàn tay trái lên lưng của bàn tay mặt, sau đó xoa quanh rốn bệnh nhân theo chiều kim đồng hồ (hình 7). Lập lại nhiều lần trong 3 phút.
Ghi chú :
- Hysteria: Từ gốc Hy Lạp để chỉ một chứng bệnh loạn thần kinh.
- Các thủ thuật có hiệu quả điều trị các chứng nắc cục không do các tổn thương thực tế. Cần thực hiện mỗi ngày 2 lần, sáng và tối.
- Ăn uống điều độ, tránh các món lạnh, cay và các rối loạn cảm xúc