Đặc điểm sinh học huyệt Nguyên theo các kinh Âm Dương ở người khoẻ mạnh

Biểu tượng âm dương

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


 
Theo Học thuyết kinh lạc thì trong cơ thể con người có 12 đường kinh chính, trong đó có 6 kinh âm và 6 kinh dương, Những kinh xuất phát từ tạng thì thuộc kinh âm ( kinh tâm, kinh can, kinh tỳ, kinh phế, kinh thận, kinh tâm bào), trái lại, những kinh xuất phát từ phủ thì thuộc kinh dương ( kinh tiểu trường, kinh đởm, kinh vị, kinh đại trường, kinh bàng quang, kinh tam tiêu). Trong từng cặp kinh âm dương có mối quan hệ biểu lý với nhau tương ứng với mối quan hệ biểu lý của tạng phủ.
Vậy đặc điểm sinh học của huyệt Nguyên ở 6 kinh dương và 6 kinh âm được thể hiện như thế nào ?. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm mục tiêu: Khảo sát nhiệt độ, điện trở, cường độ dòng điện qua da huyệt Nguyên của 6  kinh âm và 6 kinh dương ở người khỏe mạnh.


II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1.  Đối tượng nghiên cứu:

    • Gồm 120 người trong đó có 60 người (30 nam và 30 nữ) tuổi từ 21- 25 và 60 người (30 nam và 30 nữ)tuổi từ 50-67, khoẻ mạnh, không mắc các bệnh cấp tính và mạn tính. 
  • 2.2. Phương pháp nghiên cứu

    • Các chỉ tiêu nghiên cứu: Nhiệt độ, cường độ dòng điện và điện trở da tại huyệt Nguyên ở 6 kinh âm và 6 kinh dương.
    • Cách tiến hành nghiên cứu
      • Phương tiện nghiên cứu
        • Máy đo nhiệt độ Thermometer, máy đo cường độ dòng điện Neurometer và máy đo điện trở Electrodermometer.
        • Phòng đo: Có nhiệt độ khoảng 27 - 280C và độ ẩm là 60 - 80%.
      • * Cách tiến hành nghiên cứu
        • Các đối tượng nằm nghỉ tại phòng trước khi đo. 
        • Xác định huyệt: Huyệt được xác định theo phương pháp Y học cổ truyền sau đó dùng máy dò huyệt để xác định lại vị trí huyệt (theo nguyên lý: Huyệt là nơi có cường độ dòng điện cao hơn hẳn so với vùng da xung quanh).
        • Đo cường độ dòng điện, điện trở, nhiệt độ qua da tại 12  huyệt Nguyên bằng máy Neurometter. Cách đo: Đặt đầu đo vào vị trí huyệt cần đo, đầu dò chỉ chạm nhẹ vào da vùng huyệt, đọc kết quả khi kim đồng hồ ngừng dao động.
    • Phương pháp đánh giá kết quả
      • So sánh nhiệt độ da, điện trở da, cường độ dòng điện qua da tại huyệt nguyên của 6 kinh âm và 6 kinh dương.

III. BÀN LUẬN

 

  • Về nhiệt độ da 

    • Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ở bảng phân tích cho thấy: Không có sự khác biệt về nhiệt độ da huyệt Nguyên giữa các huyệt Nguyên thuộc sáu kinh dương và các huyệt Nguyên thuộc sáu kinh âm, ở cả hai nhóm tuổi (p>0,05). Điều đó chứng tỏ trên cơ thể trưởng thành khoẻ mạnh, hoạt động năng lượng của các đường kinh dương và các đường kinh âm (được thể hiện qua nhiệt độ của các huyệt Nguyên) luôn ở trạng thái cân bằng. Cùng với một số công trình nghiên cứu khác,  kết quả nghiên cứu của chúng tôi một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống huyệt Nguyên trong việc phản ánh hoạt động năng lượng của hệ kinh lạc. Từ đó có thể góp phần cho định hướng của phương pháp Kinh lạc chẩn. 
  • Về điện trở da và cường độ dòng điện qua da tại  huyệt Nguyên 

    • Kết quả ở bảng nghiên cứu cho thấy điện trở của các huyệt Nguyên ở sáu kinh dương thấp hơn hẳn so với chỉ số này ở sáu  kinh âm với p <0,001. Trái lại, cường độ dòng điện của các huyệt Nguyên ở sáu kinh dương  cao hơn hẳn so với chỉ số này ở sáu kinh âm với p <0,001 ở cả hai nhóm tuổi. Kết quả trên chứng tỏ sự dẫn truyền của tổ chức vùng huyệt Nguyên thuộc các kinh dương cao hơn các kinh âm. Theo Y học cổ truyền, các kinh dương thuộc khí, thuộc nhiệt, trái lại các kinh âm thuộc huyết, thuộc hàn. Mà dương, khí, nhiệt có đặc tính phát tán ra bên ngoài, trái lại âm, huyết, hàn có đặc tính thu liễm vào trong. Do vậy có sự khác nhau giữa các kinh âm và kinh dương. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khác với kết quả nghiên cứu của Phạm Hữu Lợi là cường độ dòng điện qua huyệt Nguyên của các kinh âm cao hơn các kinh dương. Phải chăng sự khác nhau đó là do ở trẻ em, tổ chức da ở các kinh âm dẫn truyền tốt hơn.


IV. KẾT LUẬN

  •  Tại huyệt nguyên, không có sự khác biệt về nhiệt độ giữa 6 kinh âm và 6 kinh dương (p>0,05). 
  • Tại huyệt Nguyên ở 6 kinh dương,điện trở thấp hơn hẳn và cường độ dòng điện cao hơn hẳn so với 6 kinh âm p <0,001 

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 

 

  1. Bộ  Y tế, chương trình quốc gia Y học cổ truyền (1996), Tài liệu nghiên cứu biên dịch về linh khu, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 7-10, 38-48, 51-59, 93-96.
  2. Hoàng Bảo châu (1995), Lý luận cơ bản Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 53-74, 79-155. 
  3. Bùi Mỹ Hạnh, Phạm Thị Minh Đức (2003), Nghiên cứu đặc điểm huyệt Nội quan và ảnh hưởng của điện châm huyệt này lên một số chỉ số sinh học, Luận án tiến sĩ Y học, Trường đại học Y Hà Nội. 
  4. Hoằng Khánh Hằng, Phạm Thị Minh Đức (2001), Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học huyệt Hợp cốc và một số chỉ số sinh học khi điện châm huyệt này, Luận án tiến sĩ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  5. Phạm Hữu Lợi, Nguyễn Tài Thu (2003), Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học tại huyệt Nguyên ở trẻ bình thường và bệnh nhi viêm não Nhật Bản, đánh giá hiệu quả phục hồi vận động bằng điện châm, Luận án tiến sĩ Y học, Trường đại học Y Hà Nội. 
  6. Trường đại học Y Hà Nội, khoa YHCT (2002), Châm cứu, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 10-74,145, 180-190.

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam