Nghiên cứu điều trị đau vai gáy bằng châm cứu và xông thuốc
Tóm tắt nghiên cứu
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, thoái hóa cột sống cổ không chỉ phổ biến ở những người cao tuổi mà còn hay gặp ở người trong độ tuổi lao động. Nguyên nhân có liên quan đến tư thế lao động như ngồi, cúi cổ lâu hoặc động tác đơn điệu lặp đi lặp lại của đầu, đòi hỏi sự thích nghi và sự chịu đựng của cột sống cổ [1], [2]. Thoái hóa cột sống cổ không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân, giảm năng suất lao động mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Theo Y học cổ truyền, đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ thuộc phạm vi chứng tý. Có nhiều phương pháp điều trị như: thuốc thang, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... trong đó có phương pháp xông hơi bằng thuốc Y học cổ truyền làm khai mở tấu lý, phát hãn trừ tà, hành khí hoạt huyết, thông lạc chỉ thống...[4]. Mục tiêu:
- Đánh giá hiệu quả điều trị của phương pháp điện châm kết hợp với xông thuốc Y học cổ truyền trên bệnh nhân đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ.
- Theo dõi tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị.
II. CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Chất liệu nghiên cứu
Dịch xông hơi thuốc Y học cổ truyền: Theo bài thuốc xông hơi của bệnh viện YHCT Trung ương.
- Hồng hoa 30g
- Ngưu tất 50g
- Mộc qua 40g
- Uy linh tiên 40g
- Ngũ gia bì 30g
- Bạch chỉ 30g
- Tục đoạn 40g
- Kê huyết đằng 50g
- Huyết giác 50g
- Phòng phong 50g
- Quế chi 40g
- Xuyên khung 50g
* Xay các vị thuốc thành bột trộn lẫn với nhau, chia thành 10 túi, mỗi túi 50g, mỗi lần xông dùng 1 túi.
* Công thức huyệt điện châm trong nghiên cứu: Phong trì, Đại chùy, Đại trữ, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Giáp tích D1 – D6, Hợp cốc, A thị huyệt.
2.2. Đối tượng nghiên cứu
Gồm 60 bệnh nhân được chẩn đoán xác định đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ, điều trị tại Bệnh viện YHCT Trung ương, đáp ứng tiêu chuẩn chọn bệnh nhân nghiên cứu.
- Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân:
- Theo Y học hiện đại: Bệnh nhân được chẩn đoán xác định đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ:
- Lâm sàng: HC cổ gáy: Đau, hạn chế vận động cột sống cổ
- Cận lâm sàng: XQ cột sống cổ: Hình ảnh thoải hóa các đốt sống cổ.
- Theo Y học hiện đại: Bệnh nhân được chẩn đoán xác định đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ:
- Theo Y học cổ truyền: Bệnh nhân thuộc một trong hai thể: Thể phong hàn thấp tý và thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư.
- Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân đau vai gáy do bệnh lý không phải thoái hóa cột sống cổ, hoặc có hội chứng chèn ép tủy, thoát vị đĩa đệm; hoặc kèm theo các bệnh: lao, suy tim, suy gan, suy thận, HIV/AIDS... các bệnh nhiễm trùng cấp tính. Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu và không tuân thủ điều trị.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
- Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng mở, so sánh trước - sau điều trị và có đối chứng.
- Cỡ mẫu nghiên cứu: n=60 chia hai nhóm.
- Nhóm chứng: 30 bệnh nhân điện châm đơn thuần.
- Nhóm nghiên cứu: 30 bệnh nhân điện châm kết hợp với xông thuốc.
- Tiến hành nghiên cứu:
- Bệnh nhân sau khi vào viện được khám lâm sàng một toàn diện.
- Sắp xếp bệnh nhân vào hai nhóm là nhóm nghiên cứu và nhóm chứng theo phương pháp ghép cặp, đảm bảo tính tương đồng về tuổi, thời gian mắc bệnh và mức độ bệnh.
- Áp dụng phương pháp điều trị đối với từng nhóm:
- Nhóm chứng: Điện châm ngày 1 lần, mỗi lần 25 phút.
- Nhóm nghiên cứu: Điện châm ngày 1 lần, mỗi lần 25 phút kết hợp xông thuốc ngày 1 lần, mỗi lần 20 phút sau khi rút kim.
- Liệu trình điều trị: Liệu trình cho cả 2 nhóm: 14 ngày.
- Theo dõi các triệu chứng lâm sàng trước và sau điều trị.
- Đánh giá kết quả điều trị và so sánh giữa 2 nhóm.
- Chỉ tiêu theo dõi:
- Hội chứng cột sống cổ.
- Triệu chứng lâm sàng kèm theo: Đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ.
- Mức độ hạn chế sinh hoạt hàng ngày do đau cổ của bệnh nhân: Bộ câu hỏi Neck Disability Index (NDI).
- Tác dụng không mong muốn: Vựng châm, gãy kim, chảy máu, nhiễm trùng tại chỗ châm, kích ứng da vùng xông thuốc…
- Tiêu chuẩn đánh giá kết quả:
- Hội chứng cột sống cổ: Hội chứng cột sống cổ được đánh giá bằng các triệu chứng: Bệnh nhân có điểm đau tại cột sống cổ hoặc hai bên cột sống cổ; co cứng cơ cạnh sống cổ và có thể có tư thế chống đau; bệnh nhân hạn chế vận động cột sống cổ. Bệnh nhân không có triệu chứng nào của hội chứng cột sống cổ được tính 0 điểm; có tối thiểu 1 triệu chứng được tính 1 điểm.
- Các triệu chứng lâm sàng kèm theo: Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.
- Đánh giá mức độ cải thiện hạn chế sinh hoạt hàng ngày theo bộ câu hỏi Neck Disability Index (NDI): Gồm 10 mục, điểm tối đa là 50 điểm.
III. BÀN LUẬN
3.1. Hiệu quả điều trị
- Sau điều trị tỷ lệ bệnh nhân có hội chứng cột sống cổ giảm thấp hơn so với trước điều trị.
- Nhóm nghiên cứu giảm nhiều hơn nhóm chứng với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
- Các triệu chứng đau, co cứng cơ cạnh cột sống và hạn chế vận động trên bệnh nhân sau điều trị ở nhóm nghiên cứu cải thiện tốt hơn nhóm chứng.
- Theo lý luận của Y học cổ truyền, thoái hóa cột sống cổ xảy ra ở người cao tuổi do chức năng các can thận suy yếu, tà khí từ bên ngoài thừa cơ xâm phạm làm bế tắc kinh mạch, khí huyết không lưu thông gây đau, hạn chế vận động. Pháp điều trị phải khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc, bổ can thận. Châm cứu có tác dụng thông kinh hoạt lạc, kinh lạc được thông suốt, khí huyết điều hòa làm bệnh nhân đỡ đau, hạn chế vận động ”thông thì bất thống” [6].
- Nhóm nghiên cứu kết hợp thêm xông thuốc Y học cổ truyền tăng tác dụng thông kinh lạc, cụ thể xông thuốc làm giãn cơ, tăng cường dinh dưỡng, vận mạch ở vùng da bị bệnh.
- Hồng hoa, Huyết giác, Xuyên khung, Ngưu tất có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc, chỉ thống;
- Tục đoạn, Kê huyết đằng, Uy linh tiên, Ngũ gia bì, Phòng phong, Mộc qua có tác dụng khu phong trừ thấp, tiêu sưng, giảm phù nề, giãn cơ, thư cân;
- Bạch chỉ, Quế chi có tác dụng ôn thông kinh lạc.
- Sự kết hợp lấy hương kích khí chạy, cay thơm để thấu vào cơ biểu kinh mạch, lấy hơi thuốc nóng để ôn kinh tán hàn, hoạt huyết hóa ứ, trừ phong tiêu thấp, thông tắc chỉ thống.
- Tinh dầu trong thuốc xông có tác dụng sơ thống tấu lý, tà theo mồ hôi ra ngoài, trừ tà ngoại xuất.
- Nhiệt có thể ôn kinh thông mạch, khiến khí huyết lưu thông, hiệp đồng cùng thuốc để thông lạc chỉ thống; Nhiệt có thể giúp cải thiện tuần hoàn tại chỗ, phát huy chống viêm tiêu sưng, điều tiết nội môi, giãn cơ co cứng, thúc đẩy hồi phục cơ nhục, các khớp và thần kinh bị tổn thương [5].
- Sau điều trị các triệu chứng lâm sàng khác như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ cũng được cải thiện so với trước điều trị, ở nhóm nghiên cứu có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Đây là các triệu chứng phổ biến của thoái hóa cột sống cổ đi kèm với đau vai gáy.
- Các hoạt động chức năng sinh hoạt hàng ngày của hai nhóm cũng đều cải thiện hơn so với trước điều trị (p<0,05).
- Nhóm nghiên cứu tốt hơn nhóm chứng, sau điều trị điểm NDI ở mức hạn chế nhẹ chiếm đa số, nhóm nghiên cứu là 93,3%, nhóm chứng là 80%. Tỷ lệ bệnh nhân hạn chế trung bình ở nhóm nghiên cứu là 6,7%, nhóm chứng là 20%. Không có bệnh nhân hạn chế nặng ở cả hai nhóm. Điểm NDI trung bình sau điều trị của nhóm nghiên cứu có xu hướng thấp hơn nhóm chứng, tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
3.2. Tác dụng không mong muốn
- Trong quá trình điều trị, theo dõi trên lâm sàng không phát hiện thấy các tác dụng không mong muốn như: Vựng châm, gãy kim, chảy máu, nhiễm trùng tại chỗ châm, kích ứng da vùng xông thuốc…ở cả hai nhóm.
- Điều này cho thấy phương pháp điều trị điện châm kết hợp với xông thuốc Y học cổ truyền là an toàn và có thể được áp dụng rộng rãi tại các tuyến y tế cơ sở.
IV. KẾT LUẬN
Điện châm kết hợp với xông thuốc Y học cổ truyền có tác dụng cải thiện các triệu chứng lâm sàng (hội chứng cột sống, triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mất ngủ…) trên bệnh nhân đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ, tốt hơn so với điện châm đơn thuần (p < 0,05), giảm hạn chế chức năng sinh hoạt hàng ngày.
Các phương pháp điều trị không gây tác dụng không mong muốn nào trên lâm sàng.
Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam