Nghiên cứu đặc biểm sinh học tại 12 cặp huyệt nguyên theo chu kì kinh nguyệt của phụ nữ trẻ tuổi
Tóm tắt nghiên cứu
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Y học cổ truyền, phụ nữ thuộc âm, nguyệt khí ứng với mặt trăng, mặt trăng cứ ba tuần một lần tròn, kinh nguyệt cũng ba tuần một lần đều đặn. Con gái 14 tuổi thiên quý đến, mạch Nhâm thông, mạch xung thịnh và bắt đầu có kinh. Như vậy kinh nguyệt có quan hệ mật thiết với mạch Xung và mạch Nhâm. Mạch xung thuộc kinh Dương minh Vị, là chỗ các mạch hội tụ, đồng thời là bể chứa huyết. Trái lại mạch Nhâm chủ bào thai, thống quản các kinh âm “Xung vi huyết hải, Nhâm chủ bào cung”. Vậy nguồn huyết có từ đâu ?. Đó là do mạch Xung và mạch Nhâm có quan hệ mật thiết với ngũ tạng, lục phủ.
Kinh nguyệt do huyết tạo nên, mà Tâm chủ huyết, Can tàng huyết, Tỳ thống nhiếp huyết, Thận tàng tinh chủ tuỷ, huyết lại do tinh tuỷ hoá thành, tỳ chủ khí hậu thiên, phế chủ khí, tham gia vào vận chuyển các chất tinh vi. Từ lý luận của người xưa, chúng ta có thể hiểu là khí huyết của tạng phủ có ảnh hưởng lớn đến khí huyết của chu kỳ kinh nguyệt (CKKN) trong đó thận khí đóng vai trò quan trọng. Điều này lý giải tại sao sự thay đổi giữa các giai đoạn của CKKN được thể hiện ở tất cả các tạng phủ và kinh lạc. Vậy sự biến đổi một số đặc điểm sinh học ở nửa trước và nửa sau CKKN được thể hiện như thế nào trên 12 cặp huyệt Nguyên. Chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm mục tiêu:
- Đánh giá sự biến đổi nhiệt độ, cường độ dòng điện, điện trở tại 12 cặp huyệt Nguyên ở nửa trước và sau chu kỳ kinh nguyệt của nhóm nữ trẻ tuổi khỏe mạnh.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
-
2.1. Đối tượng nghiên cứu
- Tiêu chuẩn chọn đối tượng nghiên cứu: 30 phụ nữ khoẻ mạnh, bình thường, tuổi từ 21 đến 25.
- Tiêu chuẩn loại trừ đối tượng nghiên cứu
- Đang mắc các bệnh cấp tính và mạn tính, nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút cấp.
- Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều
-
2.2. Phương pháp nghiên cứu
- Thông số nghiên cứu: Nhiệt độ, cường độ dòng điện và điện trở tại 12 cặp huyệt Nguyên ở nửa trước và sau CKKN.
- Phương tiện nghiên cứu:
- Máy đo nhiệt độ Thermometer, máy đo cường độ dòng điện Neurometer và máy đo điện trở Electrodermometer.
- Phòng đo: Có nhiệt độ khoảng 27 - 280C và độ ẩm là 60 - 80%
- Phương pháp nghiên cứu
- Các đối tượng này được theo dõi các chỉ số nghiên cứu vào hai đợt:
- Đợt 1 vào ngày thứ 2–5 của chu kì kinh nguyệt (nửa trước chu kì kinh nguyệt)
- Đợt 2 vào ngày thứ 20–22 của chu kì kinh nguyệt (nửa sau chu kì kinh nguyệt).
- Các đối tượng này được theo dõi các chỉ số nghiên cứu vào hai đợt:
III. BÀN LUẬN
- Sự tăng nhiệt độ tại 12 cặp huyệt Nguyên ở nửa sau chu kì kinh nguyệt so với nửa trước chu kì kinh nguyệt chứng tỏ ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt hoạt động chuyển hoá tại tổ chức huyệt Nguyên diễn ra mạnh mẽ hơn so với nửa trước chu kì kinh nguyệt. Hay nói cách khác là hoạt động năng lượng trong 12 cặp đường kinh ở nửa sau chu kì kinh nguyệt cao hơn hẳn so với nửa trước chu kì kinh nguyệt. Bên cạnh đó, sự giảm điện trở da và sự tăng cường độ dòng điện qua da tại 12 cặp huyệt Nguyên ở nửa sau chu kì kinh nguyệt so với nửa trước chu kì kinh nguyệt chứng tỏ ở nửa sau chu kì kinh nguyệt tổ chức tại 12 cặp huyệt Nguyên được nuôi dưỡng tốt hơn hay quá trình trao đổi chất tại 12 cặp huyệt Nguyên ở giai đoạn này cao hơn.
- Theo Y học cổ truyền, nửa trước và sau chu kì kinh nguyệt có khác nhau. Ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, thận khí thịnh, thiên quý đến, khí huyết sung mãn trong các mạch Nhâm và mạch Xung chuẩn bị cho kỳ kinh sau.
- Theo Y học hiện đại, ở nửa trước chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể chịu ảnh hưởng chủ yếu của hormon estrogen, chỉ có một lượng nhỏ progesteron. Trái lại, ở nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ progesteron tăng gấp 3-5 lần so với nửa trước chu kỳ kinh nguyệt. Progesteron có tác dụng làm tăng nhiệt độ của cơ thể, do vậy thân nhiệt của người phụ nữ ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt tăng hơn so với nửa trước chu kỳ kinh nguyệt khoảng 0,3- 0,5 0C. Trên thực tế người ta đã ứng dụng hiểu biết này để xác định ngày phóng noãn dựa trên việc đo thân nhiệt. Bên cạnh đó, ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt dưới tác dụng chủ yếu của progesteron, quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ trong cơ thể trong đó có các huyệt Nguyên là nơi có nhiều thần kinh và mạch máu tập trung. Do vậy, nhiệt độ da tăng lên, điện trở da giảm xuống và cường độ qua da vùng huyệt Nguyên tăng hơn so với nửa trước chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên sự biến đổi này không đồng đều ở tất cả các huyệt Nguyên.
- Kết quả ở các bảng bảng phân tích số liệu cho thấy, trong 12 cặp huyệt Nguyên thì ở huyệt Thái khê là thấy có sự chênh lệch lớn nhất về nhiệt độ , điện trở, cường độ dòng điện qua da vùng huyệt giữa nửa trước và sau chu kỳ kinh nguyệt, tiếp theo là huyệt Hợp cốc. Cụ thể, nhiệt độ tại huyệt Thái khê ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt tăng lên 0,60 C so với chỉ số này ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, điện trở da tại huyệt Thái khê ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt giảm xuống 23%, còn cường độ dòng điện qua da tại huyệt Thái khê tăng lên 34% so với nửa trước chu kỳ kinh nguyệt. Cũng tương tự như vậy, tại huyệt Hợp cốc ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt điện trở da giảm xuồng 31%, cường độ dòng điện qua da tăng lên 28% so với nửa trước chu kỳ kinh nguyệt. Điều đó chứng tỏ ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, quá trình chuyển hoá và trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ nhất ở huyệt Thái khê và Hợp cốc. Hay hoạt động chuyển hoá năng lượng và dinh dưỡng diễn ra mạnh mẽ trong các đường kinh Thái âm và Dương minh. Kết quả này đã chứng minh nhận thức của người xưa là ở giai đoạn sau chu kỳ kinh nguyệt thận khí thịnh, thiên quý đến và kinh dương minh là kinh đa khí đa huyết là có cơ sở khoa học.
IV. KẾT LUẬN
- Qua nghiên cứu đặc điểm sinh học tại 12 cặp huyệt Nguyên theo chu kỳ kinh nguyệt ở 30 đối tượng nữ, chúng tôi bước đầu có nhận xét sau:
- Ở nữ nhóm tuổi 21 - 25, nhiệt độ da và cường độ dòng điện qua các huyệt Nguyên ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt cao hơn hẳn so với ở nửa trước chu kỳ kinh nguyệt (p < 0,01-0,001), còn điện trở da ở nửa sau chu kỳ kinh nguyệt thấp hơn hẳn so với ở nửa trước chu kỳ kinh nguyệt (p < 0,01- 0,001). Trong đó, tại huyệt Thái khê độ chênh lệch nhiệt độ, điện trở và cường độ dòng điện giữa trước và sau chu kì kinh nguyệt là nhiều nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Thị Minh Đức (2001), "Sinh lý nội tiết", Sinh lý học tập II, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 32-116.
- Phạm Thị Minh Đức (2001), "Sinh lý sinh sản", Sinh lý học tập II, nxb Y học, Hà Nội, tr 119-164.
- Nguyễn Trung Hoà (1987), Giáo trình phụ khoa Y học cổ truyền, Hội Y học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh và hội Y học dân tộc tỉnh Đồng Nai kết hợp xuất bản, tr 1-3.
- Trường đại học Y Hà Nội, bộ môn YHCT (1999), Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 784- 987.
- Trường đại học Y Hà Nội, khoa YHCT (2002), Châm cứu, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 10-74,145, 180-190.
Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam