Đau tăng lên sau khi được trị liệu: nguyên nhân và cách khắc phục
Vấn đề rất hay gặp
Có rất nhiều các phương pháp trị liệu tự nhiên làm cho bạn có thể bị đau nhức sau khi trị liệu, có thể kể ra các phương pháp đó là châm cứu, massage, bấm huyệt, xoa bóp, giác hơi, nắn chỉnh cột sống, nắn chỉnh xương khớp, yoga trị liệu, khí công trị liệu, thiền trị liệu... tất cả các phương pháp nếu không được sử dụng đúng đều sẽ gây ra đau nhức. Chúng ta cần phải có cái nhìn khoa học và logic về vấn đề này để có thể phòng tránh những đau nhức không đáng có gây hại cho cơ thể. Để hiểu rõ vấn đề này thì điều quan trọng là phải hiểu tại sao lại có hiện tượng đau nhức này, phân biệt đau là đau nhức tốt và đâu là không tốt, đau thế nào thì có thể tiếp tục làm trị liệu và đau như thế nào thì phải dừng ngay việc trị liệu lại để không bị đi quá xa.
Đau nhức sau khi trị liệu là gì?
Y học cổ truyền nêu nguyên nhân rất đúng về đau nhức đó là "tắc thì sẽ đau, thông thì sẽ không đau", vậy đau nhức sau trị liệu chính là bị tắc. Vâng, điều này quả là nghịch lý và có vẻ là vô lý bởi vì chúng ta đi trị liệu là để hết đau mà cuối cùng lại bị đau hơn, có vẻ như là "tiền mất tật mang" đúng không ạ? tuy nhiên sự thật không hẳn là như vậy. Để hiểu vấn đề này tốt nhất là thông qua một ví dụ cụ thể, Lê Hải xin lấy ví dụ giả định về một người bệnh bị đau vái gáy để mọi người có thể hiểu rõ vấn đề này.
Trường hợp 1: Người bệnh bị đau hai vùng vai sau những giờ làm việc miệt mài tại văn phòng có máy lạnh, mong muốn được làm massage trị liệu vùng vai gáy. Sau khi trị liệu xong người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, trong lúc trị liệu kĩ thuật vị day bấm vào vùng vai và thấy nhiều điểm cơ bị co cứng, cảm giác như hạch, như nhiều hạt cát nằm bên dưới da. Tối đến, bệnh nhân cảm thấy vùng vai được trị liệu hơi nhức hơn bình thường một chút, hai vai cỏ vẻ ê ẩm, điểm đau lúc đầu dường như lan ra xung quanh. Tới sáng hôm sau, người bệnh vẫn còn nhức và hai vai nặng nặng, tuy nhiên những biểu hiện lúc tối đã giảm đi đáng kể và không còn ảnh hưởng nhiều nữa. Đến tầm 10h sáng thì đã thấy sự đau nhức, ê ẩm vai buổi tối hôm trước đã giảm hẳn, vùng cổ vai gáy cảm thấy nhẹ nhõm hơn và người bệnh mong muốn tiếp tục theo đuổi liệu trị trị liệu đã đăng kí ---> Đây là diễn biến tốt, những đau nhức này thuộc loại đau nhức tốt, tính chất tích cực, có lợi cho việc trị liệu
Trường hợp 2: chúng ta có bệnh nhân tương tự, tuy nhiên diễn biến lúc buổi tối sẽ có sự thay đổi tiêu cực hơn đó là người bệnh cảm thấy đau ê ẩm nhiều hơn, vùng vai bị co cứng hơn, đau hơn nhiều so với lúc chưa làm trị liệu, trong người cảm thấy bứt rứt, khó chịu, thậm chí ảnh hưởng tới giấc ngủ. Sáng hôm sau, thấy cổ mình còn khó di chuyển hơn, toàn bộ vùng vai nặng nề, ê ẩm như kiểu vừa bị ai "đánh một trận". Người bệnh đợi cả ngày hôm sau khi làm trị liệu mà đau nhức vẫn không hết, thậm chí còn nặng hơn, cảm giác cơ vai còn cứng hơn cả trước khi trị liệu, người bệnh sợ không dám đến nơi trị liệu nữa, thậm chí còn muốn bỏ liệu trình chữa bệnh của mình ---> Đây là diễn biến xấu, đau nhức như vậy mang tính chất tiêu cực, hoàn toàn bất lợi đối với việc trị liệu
Tính chất, đặc điểm, nguyên nhân của đau tăng lên tích cực
Thông thường, sau trị liệu sẽ không bị đau tăng lên mà triệu chứng sẽ càng ngày càng giảm đi như vậy là đúng con đường trị liệu, tuy nhiên đôi khi cũng có trường hợp đau tăng lên với tính chất tích cực, giống như trong uống thuốc bị "công thuốc" vì thế đây là điều tốt trong quá trình trị liệu, hoàn toàn không đáng ngại. Nguyên nhân tình trạng này là do: trong người còn nhiều chỗ ứ trệ, tắc nghẽn xung quanh nơi bị đau. Ví dụ: nếu bị đau hai vai thì thông thường sẽ đau vùng cột sống cổ, xung quanh khớp vai cũng đau, hoặc vùng khuỷu hoặc cổ tay cùng bên bị đau
Tính chất đặc điểm đau có biểu hiện:
- Đau lên không nhiều
- Thường đau có tính chất ê ẩm
- Đau không làm vùng bị đau trở nên co cứng
- Đau lan ra vùng xung quanh
- Đau có thể "chạy" sang bên đối diện
- Đau thường rất hiếm khi kéo dài quá 24h
- Người bệnh vẫn muốn tiếp tục được trị liệu
Tính chất, đặc điểm, nguyên nhân của đau tăng lên tiêu cực
Đau lên nhiều sau khị trị liệu chính là lỗi của người trị liệu, có thể do chẩn đoán sai bệnh, không tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh thực sự, mà chỉ tìm thấy một số dấu hiệu "giả" bề ngoài, chủ quan không để ý mà đã có phương pháp trị liệu không phù hợp. Ngoài ra, có thể chẩn đoán đúng nhưng do kĩ thuật, kĩ năng trị liệu yếu kém, thô kệch, thiếu tinh tế, thiếu thông minh nên đã không biết cách xử lý khéo léo tình huống, làm cho việc trị liệu trở nên phản tác dụng.
Tính chất đặc điểm đau có biểu hiện:
- Đau lên nhiều gây khó chịu, thậm chí là bực mình đối với người bệnh
- Đau có tính chất bó lại, như kiểu bị ai "đánh:
- Đau có thể làm toàn thân mệt mỏi, ê ẩm
- Người bệnh "sợ" phải tiếp tục trị liệu
- Đau có thể kéo dài vài ngày rồi giảm dần
Cách khắc phục tình trạng đau tăng
Việc làm giảm tối đa việc đau tăng là điều cần phải làm, kể cả đau tích cực chứ không phải chỉ là đau tiêu cực, bởi vì nếu thực sự biết điều tiết, phán đoán, tiên lượng được quá trình diễn biến của bệnh thì chúng ta có thể kiểm soát được tình trạng đau tăng này. Tất nhiên, nói thì dễ còn trong thực tế trị liệu không dễ dàng một chút nào, bởi vì có rất nhiều trường hợp người bệnh mang trong mình nhiều bệnh lý nền khác nhau như tiểu đường, mỡ máu, tim mạch, cơ địa bẩm sinh sức khoẻ kém... do đó cách duy nhất để khắc phục tình trạng này đó là cần phải thực hành liên tục và liên tục, rồi đúc rút kinh nghiệm, đồng thời cũng cần phải đọc sách, học tập không ngừng nghỉ để có thể thấy rõ còn đường hình thành và phát triển của bệnh, nhằm đưa ra được giải pháp tốt nhất.