Xoa bóp bấm huyệt trị rối loạn tiêu hoá
Nguyên nhân: Rối loạn tiêu hóa do nguyên nhân thần kinh là một chứng bệnh trong đó sự hoạt động của các trung tâm thần kinh cao cấp bị xáo trộn, dẫn đến sự rối loạn các hoạt động bài tiết và vận động ở dạ dày và ruột, trong khi không có tổn thương thực thể nào ở ống tiêu hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do sự căng thẳng thần kinh lâu ngày, lo lắng, ăn uống không phù hợp, đôi khi có thể là di chứng sau khi bị viêm ruột già và kiết lỵ.
Triệu chứng chính: Thường có tính chất dai dẳng, điều trị khó khỏi, gây khó chịu cho người bệnh. Bao gồm các triêu chứng biếng ăn, đau như phỏng ở dưới xương ức, trào ngược dịch vị, ợ, nôn mửa, tiêu chảy, căng bụng, kèm theo các triệu chứng thông thường của loạn thần kinh như mất ngủ, nhức đầu, hồi hộp, hay quên. Bệnh nhân thường có thể trạng gầy ốm, suy nhược.
Lợi ích của xoa bóp bấm huyệt : Giúp người bệnh ổn định tinh thần, cải thiện chức năng đường ruột, loại bỏ các triệu chứng khó chịu toàn thân, nâng cao thể trạng, ngủ ngon, cơ thể sảng khoái. Ngoài ra, tập luyện các phương pháp như thiền, khí công, Yoga...luôn luôn đem lại hiệu quả tốt cho người bệnh
4 bước xoa bóp bấm huyệt trị liệu rối loạn tiêu hoá
- Xoa mặt: Người bệnh nằm ngửa, người làm massage xoa bóp đặt 2 đầu ngón tay cái lên giữa trán, nhẹ nhàng xoa trán bệnh nhân nhiều lần từ trong ra ngoài trong 2 phút, sau đó dùng cườm tay xoa huyệt Thái dương (EX-HN 5) trong chỗ lõm cách khóe mắt ngoài 1 thốn về phía ngoài và phía trên, các vùng xung quanh 2 má.
- Bắt gió ở bụng: Bệnh nhân nằm ngửa, người làm massage xoa bóp đặt ngón tay cái và 4 ngón tay còn lại lên đường giữa bụng bệnh nhân như một cái kẹp, nắm và kéo da cơ bụng bệnh nhân lên rồi thả ra. Các động tác nên thực hiện từng loạt với lực thích hợp để tạo ra cảm giác căng và đau nhẹ trong lúc nắm và cảm giác dễ chịu lúc thả ra. Thủ thuật được lập lại từ 5 đến 7 lần.
- Điểm huyệt: Người bệnh nằm ngửa, người làm massage xoa bóp dùng đầu ngón cái hay ngón giữa điểm các huyệt sau: Trung uyển (CV 12), ở trên rốn 4 thốn. Khí hải (CV 6) ở dưới rốn 1,5 thốn. Túc tam lý (TS 36) ở dưới đầu gối 3 thốn ở mặt ngoài, và cách mào xương quyển 1,5 thốn: mỗi huyệt được tác dụng 30 giây với lực tăng dần (hình dưới). Cần tạo ra cảm giác đau nhẹ, căng, nặng và tê.
- Véo dọc cột sống: Bệnh nhân cởi trần nằm sấp, ở trạng thái thư giãn, người làm massage xoa bóp chia 2 ngón tay cái ra, tựa các ngón trỏ và ngón giữa lên vùng chậu của bệnh nhân, luân phiên dùng 2 bàn tay vừa đẩy vừa véo dọc theo mạch Đốc (dọc xương sống), lên đến cổ, lập lại cho đủ 3 lần. Sau khi vừa đẩy vừa véo 3 lần thì kéo da bệnh nhân lên xuống 1 lần.
3 bước tự xoa bóp khi bị rối loạn tiêu hoá
- Xoa bụng: Bệnh nhân nằm ngửa, đặt 2 bàn tay chồng lên nhau ở trên vùng hạ vị (dưới rốn) và bắt đầu xoa theo chiều kim đồng hồ trong 5 phút, sau đó xoa cả bụng trong 2 phút.
- Xát vùng lưng-chậu: Bệnh nhân ngồi, thân hình hơi nghiêng về phía trước, khép các ngón tay lại, đặt 2 bàn tay lên 2 bên hông, làm động tác chà xát xuống đền vùng chậu. Lập lại nhiều lần trong 2 phút làm sao cho da tại chỗ đó nhẹ và có cảm giác ấm.
- Điểm huyệt Thái xung (Lv 3): Bệnh nhân ngồi, đặt bàn chân phải lên đùi trái. Dùng tay phải giữ chặt cẳng chân phải, dùng ngón tay cái bên trái điểm huyệt Thái xung trên lưng bàn chân, cách khớp xương bàn chân thứ nhất và thứ nhì 2 thốn về phía trước, điểm trong 30 giây để tạo ra cảm giác đau và căng, sau đó làm tương tự với huyệt Thái xung bên trái .
Ghi chú:
- Nên làm thủ thuật mỗi ngày 1 hay 2 lần cho đủ 24 lần, sau đó 2 ngày một lần cho đến khi khỏi bệnh.
- Những thao tác trên bụng cần được làm nhẹ nhàng, không nên làm trong vòng 1 giờ sau khi ăn.
- Nên ăn uống thích hợp, có phong thái vui vẻ, nếp sống điều độ, cữ thuốc lá và rượu
- Giữ tinh thần thoải mái, thường xuyên vận động và tập luyện phù hợp với trạng thái cơ thể
- Cần tập trung trong khi ăn, tránh vừa ăn vừa nói, nhai kĩ và nhuyễn trước khi nuốt
- Tránh các đồ ăn cay và tanh, nên nấu ăn mùa nào thức đó, tránh thực phẩm đóng hộp hay chế biến sẵn.