Chích nặn máu huyệt Phế du điều trị chắp lẹo

Huyệt phế du

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Lẹo là bệnh nhiễm trùng cấp tuyến lông mi, nguyên nhân thường do tụ cầu xâm nhập vào các tuyến Zeiss hoặc Meibomius. Lẹo mọc ở ngoài (áp xe tuyến Zeiss) gây đau nhức nhiều, mi phù đỏ, có một điểm đau cố định ở bờ tự do của mi. Lẹo mọc ở trong thường do viêm các tuyến Meibomius, mọc sâu ở trong sụn, hình thành một bọc mủ có bao xơ bao quanh [0]. 
Chắp là một viêm bán cấp tuyến sụn mi, có thể xuất hiện sau một lẹo không vỡ, thường do tắc tuyến Meibomius. Chắp có nhiều hình thái khác nhau về kích thước, vị trí. Tổn thương chắp là một khối u cứng, đội lồi da hay kết mạc lên, có bờ rõ rệt, di động được đối với các tổ chức xung quanh và có những chắp chỉ sờ được mà không nhìn thấy, da vùng mi mắt bị chắp có thể bình thường hoặc hơi đỏ. Về giải phẫu bệnh, chắp là một tổ chức hạt bao gồm các tế bào đơn nhân, các tế bào khổng lồ có nguyên sinh chất axit và các hạt mỡ hoạt động như những dị vật trong tổ chức mi mắt [0].
Chắp lẹo dễ lây lan và hay tái phát, nhưng lẹo thường dễ khỏi hơn chắp [0]. Điều trị chắp lẹo theo Y học hiện đại (YHHĐ) bằng các phương pháp chườm ấm, massage tại chỗ, chạy điện sóng ngắn, dùng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân, thuốc chống viêm nhóm steroid, chích rạch tại chỗ khi mụn chín vỡ. Chắp lẹo nếu không điều trị triệt để, các viêm nhiễm có thể lây lan sang các tuyến khác hoặc thành mạn tính, tái phát nhiều lần [0], [0].
Theo Y học cổ truyền (YHCT), chắp lẹo thuộc phạm vi các chứng châm nhãn, nhãn đơn. Nguyên nhân do phong nhiệt, thấp nhiệt gây ra. Chắp lẹo thường xuất hiện ở cả mi trên và mi dưới, biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau. Nếu không điều trị sẽ có mủ hoặc thành một khối cứng như hạt đậu, hạt ngô ở mi mắt. Trong YHCT, nhiều phương pháp đã được ứng dụng để điều trị chắp lẹo như: thuốc thang sắc uống, chích nặn máu huyệt Phế du, thể châm huyệt Nhĩ tiêm, nhĩ châm, gài kim nhĩ hoàn trên huyệt mắt 1, bấm huyệt, điện châm [0].
Để điều trị chắp lẹo, khoa Y học dân tộc - Bệnh viện Saint Paul sử dụng phương pháp chích nặn máu có sử dụng giác hơi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít nghiên cứu một cách hệ thống về hiệu quả của phương pháp này trong điều trị chắp lẹo. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu: “Đánh giá hiệu quả của phương pháp chích nặn máu có sử dụng giác hơi tại hai huyệt Phế du trong điều trị chắp lẹo” với hai mục tiêu nghiên cứu sau:

  1. Đánh giá hiệu quả của phương pháp chích nặn máu có sử dụng giác hơi tại hai huyệt Phế du trong điều trị chắp lẹo.
  2. Theo dõi tác dụng không mong muốn của phương pháp chích nặn máu có sử dụng giác hơi tại hai huyệt Phế du trong điều trị chắp lẹo.


II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP 

  • 2.1. Đối tượng nghiên cứu
    • Gồm 30 bệnh nhân (BN) được chẩn đoán xác định chắp hoặc lẹo và điều trị theo phương pháp chích nặn máu có sử dụng giác hơi tại hai huyệt Phế du tại khoa Y học dân tộc - Bệnh viện Saint Paul.
    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHHĐ
      • BN được chẩn đoán xác định: chắp hoặc lẹo giai đoạn chưa hóa mủ. 
    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHCT
      • BN thuộc phạm vi chứng châm nhãn thể phong nhiệt hoặc thấp nhiệt.
    • Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân
      • BN được chẩn đoán chắp hoặc lẹo đã hóa mủ.
      • BN mắc các bệnh lý chuyên khoa mắt khác.
      • BN không đồng ý tham gia nghiên cứu hoặc không tuân thủ chế độ điều trị.
      • BN đang mắc một số bệnh cấp và mạn tính kèm theo như: Bệnh tim mạch, tăng hoặc tụt huyết áp chưa ổn định, đái tháo đường chưa kiểm soát, suy gan, suy thận, HIV, lao, ung thư, mắc một số bệnh rối loạn đông cầm máu, thiếu máu nặng, rối loạn tâm thần nặng...
      • Phụ nữ có thai.
  • Huyệt nghiên cứu: * Huyệt Phế du (VII.13) - (Huyệt du của Phế). Đường kinh: Huyệt Phế du thuộc kinh túc thái dương Bàng quang (VII). Vị trí: Từ giữa khe D3 - D4 đo ngang ra hai bên 1,5 thốn. Tác dụng: Chữa chắp lẹo mắt, viêm tuyến vú, ho, hen, tức ngực, ra mồ hôi trộm.
  • 2.2. Phương pháp nghiên cứu
    • 2.2.1. Thiết kế nghiên cứu: Thử nghiệm lâm sàng, so sánh trước-sau điều trị.
    • 2.2.2. Phương pháp tiến hành: Ngày 01 lần × 03 lần/ liệu trình. Nếu không đỡ thực hiện liệu trình 2. 
    • 2.2.3. Chỉ tiêu theo dõi 
      • Các chỉ tiêu lâm sàng được theo dõi trước điều trị N0 và sau điều trị N3, hoặc N6:
      • Đánh giá mức độ đau nhức mắt theo thang điểm VAS (4 mức độ).
      • Đánh giá mức độ sưng nề mi mắt.
      • Đánh giá mức độ các triệu chứng gây khó chịu: cộm mi mắt, ngứa mi mắt...
      • Tác dụng không mong muốn: vựng châm, tổn thương màng phổi- phổi, bỏng, nhiễm trùng, đau tại vị trí chích lâu ngày.
    • 2.3.4. Đánh giá các chỉ tiêu theo dõi
      • Loại A: Khỏi nhanh, các triệu chứng kèm theo mất nhanh chóng (Điểm VAS < 2 điểm; Giảm ≥ 70% sưng nề; Các triệu chứng cộm mắt, ngứa mắt không còn).
      • Loại B: Triệu chứng giảm từ từ phải sau 2 lần mới khỏi.
      • Loại C: Triệu chứng không đỡ hoặc đỡ nhưng vẫn thành mủ phải chích rạch và kháng sinh tại chỗ.
  • 2.3.5. Thời gian nghiên cứu: 2014 – 2015. Địa điểm nghiên cứu: Khoa Y học dân tộc, bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

III. BÀN LUẬN

  • Đánh giá trên 30 bệnh nhân chắp lẹo được điều trị phương pháp chích nặn máu có sử dụng giác hơi tại hai huyệt Phế du, chúng tôi thấy đây là phương pháp điều trị có hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, kết quả thu được trên 30 bệnh nhân cũng chỉ mới cho phép đưa ra những đánh giá sơ bộ bước đầu. Chúng tôi hi vọng nghiên cứu này sẽ được tiếp tục để mở rộng phạm vi, tăng cả số lượng bệnh nhân nghiên cứu cũng như kéo dài thời gian nghiên cứu. Từ đó làm rõ hơn minh chứng về hiệu quả điều trị của phương pháp và hiệu quả lâu dài tránh tái phát.
  • Câu hỏi đặt ra là vì sao phương pháp chích nặn máu kết hợp giác hơi tại hai huyệt Phế du lại có hiệu quả trong điều trị chắp lẹo như vậy. Chúng tôi xin đưa ra một số gợi ý có liên quan đến cơ chế tác dụng của phương pháp dưới đây.
  • Phương pháp chích nặn máu có sử dụng giác hơi (huyết giác) đã được ứng dụng trong y học từ thời cổ đại trong điều trị sốt và các rối loạn viêm cấp tính và mạn tính tại chỗ [0]. Trong nghiên cứu của Tagil (2014) thấy huyết giác có khả năng loại bỏ các chất oxy hóa và giảm mức độ oxy hóa [0]. Đây có thể là một gợi ý liên quan đến cơ chế chống viêm của phương pháp huyết giác và mở ra những hướng nghiên cứu mới để làm rõ cơ chế tác dụng của phương pháp này hơn.
  • Mặt khác theo Cheng (2014), hệ thống kinh lạc chằng chịt khắp cơ thể, thông suốt mọi chỗ, làm cho cơ thể tạo thành một khối thống nhất. Bình thường, khí huyết trong hệ thống kinh lạc vận hành thông suốt, cơ thể khỏe mạnh. Khi có yếu tố gây bệnh nhất định tác động, làm khí huyết trong kinh lạc vận hành không thông suốt sẽ gây ra bệnh tật. Vì vậy, các phương pháp điều trị bằng bấm huyệt, châm cứu, giác hơi, chích nặn máu nói chung và huyết giác nói riêng sẽ tác động thông qua các huyệt vị làm lưu thông khí huyết, giúp sự vận hành kinh khí được thông suốt thì bệnh sẽ khỏi. Các bệnh gây sưng, đỏ, đau mi mắt đa phần do phong nhiệt tác động làm tắc trở khí huyết ở mi mắt. Phương pháp chích nặn máu tại huyệt Phế du thường được ứng dụng để điều trị sưng, đỏ, đau mi mắt nhờ giúp thải trừ bớt phần nhiệt đó ra ngoài, giảm sưng, giảm đau vì phế chủ bị mạo[0]. 
  • Việc lựa chọn huyệt Phế du trong phương pháp này lại có hiệu quả điều trị chắp lẹo có thể do các lí do như sau:
    • Theo nguyên tắc “Kinh lạc sở qua chủ trị sở cập” (Kinh lạc vận hành qua vùng nào, trị bệnh ở đó). Huyệt Phế du nằm trên kinh Bàng quang, đường đi kinh này bắt đầu từ mắt (huyệt Tình minh nằm ngay trong góc mắt). 
    • Mặt khác huyệt Phế du là điểm rót kinh khí vào tạng Phế (Du: rót vào, đổ vào). Theo thuyết tạng phủ, Phế chủ bì mao, lẹo là nhọt vùng da mi, vì thế châm huyệt Phế du có tác dụng điều trị. 
    • Theo nguyên tắc “Con hư thì bổ mẹ, mẹ thực thì tả con”, chọn huyệt ngũ du theo quan hệ mẹ - con trên cùng một đường kinh. Lẹo mắt là Tỳ thực (Tỳ thuộc thổ), Thổ sinh Kim nên tả Kim (Phế thuộc Kim).
    • Phế du là A thị huyệt hoặc thiên ứng huyệt: Người bị lẹo mắt, ấn vào huyệt Phế du có cảm giác đau nhất, nên chọn huyệt Phế du như một A thị huyệt  [0].


IV. KẾT LUẬN

  1. Phương pháp chích nặn máu có sử dụng giác hơi tại hai huyệt Phế du có hiệu quả trong điều trị chắp lẹo quả thành công là 96,7% trong đó 66,7% đạt loại A và 30% loại B.
  2. Tác dụng không mong muốn: Trong quá trình điều trị, chưa gặp tác dụng không mong muốn nào như vựng châm, xuất huyết khó cầm, tổn thương màng phổi, phổi, bỏng, nhiễm trùng vùng chích, đau tại vị trí chích lâu ngày.

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam