Hiệu quả điện châm kết hợp từ rung nhiệt trong điều trị đau thắt lưng do thoái hoá cột sống

Đau thắt lưng

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Đau thắt lưng do thoái hóa cột sống (THCS) là nguyên nhân hay gặp nhất gây ốm đau và mất sức lao động ở những người dưới 45 tuổi. Tỉ lệ đau thắt lưng hằng năm ước tính 5% dân số, 50% số người đau thắt lưng ở độ tuổi lao động [0]. Theo Nguyễn Xuân Nghiên, số bệnh nhân đau thắt lưng do THCS vào điều trị tại các khoa khớp, khoa vật lý trị liệu chiếm khoảng 50% so với các bệnh khác [1]. Y học hiện đại (YHHĐ) chủ yếu sử dụng các nhóm thuốc chống viêm giảm đau, thuốc giãn cơ kết hợp với chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn, siêu âm, kéo giãn cột sống thắt lưng để điều trị [0].Theo y học cổ truyền (YHCT), đau thắt lưng thuộc phạm vi ‘’chứng tý’’ với bệnh danh là ‘’Yêu thống’’ được điều trị bằng nhiều phương pháp cổ điển như: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tác động cột sống, thuốc đông dược hoặc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại như: điện châm, thủy châm, cấy chỉ catgut vào huyệt [3]. Từ rung nhiệt là sự kết hợp giữa từ trường và nhiệt trị liệu được áp dụng trong điều trị một số bệnh lý: thoái hóa khớp, cột sống thắt lưng, đĩa đệm cột sống cổ, di chứng sau mổ tái tạo dây chằng khớp gối và một số bệnh lý mạn tính khác [4], [5]. Hiện nay, phương pháp này đang được sử dụng nhiều nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào đánh giá tác dụng điều trị của phương pháp một cách hệ thống trong điều trị đau thắt lưng do THCS trên lâm sàng. Vì vậy, đề tài được nghiên cứu với hai mục tiêu:

  1. Đánh giá hiệu quả của phương pháp điện châm kết hợp từ rung nhiệt trong điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống.
  2. Theo dõi tác dụng không mong muốn của phương pháp điện châm kết hợp từ rung nhiệt


II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1. Đối tượng nghiên cứu

    • Gồm 60 bệnh nhân (BN) được chẩn đoán là đau thắt lưng do THCS theo YHHĐ, điều trị nội trú tại khoa Châm cứu – PHCN, bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an.
    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHHĐ
      • Không phân biệt tuổi, giới tính, đang đau thắt lưng ở giai đoạn cấp hoặc bán cấp, không đau lan xuống mông và chân. X quang thường quy có hình ảnh thoái hóa cột sống thắt lưng
    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHCT
      • BN đau thắt lưng thể thận hư.
    • - Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân
      • BN đau thắt lưng trên 3 tháng, có hình ảnh phồng đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, kèm theo các bệnh mạn tính như lao, ung thư..
      • BN có các thiết bị cấy ghép điện tử, dị vật kim loại trong cơ thể.
  • 2.2. Các thiết bị sử dụng trong nghiên cứu

    • Kim châm cứu: hào châm dài 5cm
    • Máy điện châm: model 1592 – ET – TK21 của Công ty đầu tư phát triển công nghệ và xây lắp – Việt Nam.
    • Thước dây đo độ giãn cột sống thắt lưng, thước đo mức độ đau VAS của hãng Astra - Zeneca.
    • Bông vô trùng, cồn sát khuẩn 70 độ, panh không mấu, khay quả đậu
    • Máy từ rung nhiệt: HM-101/HM-2SC-A của hãng ITO – Nhật Bản.
  • 2.3. Phương pháp nghiên cứu: 

    • 2.3.1. Thiết kế nghiên cứu: tiến cứu, so sánh trước-sau điều trị, có đối chứng. 60 bệnh nhân chia đều làm 2 nhóm theo phương pháp ghép cặp tương đồng về tuổi, mức độ đau theo VAS
    • 2.3.2. Liệu trình điều trị: 
      • Nhóm chứng : 30 BN điện châm 25 phút/lần/ngày trong 20 ngày
      • Nhóm nghiên cứu (NC): 30 BN điều trị bằng điện châm 25 phút/lần/ngày  kết hợp từ rung nhiệt 15 phút/lần/ngày x 20 ngày 
    • 2.3.3. Phương pháp điều trị: 
      • Châm bổ các huyệt: Thận du, Đại trường du, Chí thất, Mệnh môn, Bát liêu, Yêu dương quan,  tả các huyệt: A thị, Giáp tích L1-L5, Ủy trung. 
      • Phương pháp từ rung nhiệt: Đặt tấm Magner lên vị trí thắt lưng của bệnh nhân, bên ngoài lớp quần áo. Điều chỉnh nhiệt độ điều trị ở mức 500C, bộ điều chỉnh tự động sẽ duy trì nhiệt độ đã chọn trong suốt thời gian điều trị.
    • 2.3.4. Các chỉ tiêu theo dõi
      • Đặc điểm chung của bệnh nhân: Tuổi, giới, thời gian mắc bệnh
      • Mức độ đau theo thang điểm VAS 
      • Độ giãn cột sống thắt lưng 
      • Chức năng hoạt động của cột sống thắt lưng bằng bộ câu hỏi Owestry 
      • Tác dụng không mong muốn: dị ứng, mẩn ngứa, chảy máu…
      • Các chỉ tiêu lâm sàng được theo dõi ở thời điểm trước điều trị (N0) và sau điều trị (N20).
      • 2.3.5. Phương pháp đánh giá các chỉ tiêu theo dõi:
      • Mỗi chỉ số: Mức độ đau theo thang VAS, mức độ cải thiện độ giãn cột sống thắt lưng, mức độ cải thiện chức năng hoạt động cột sống thắt lưng cho điểm từ 1 đến 4 tương ứng với các mức độ từ kém đến tốt. Kết quả chung được đánh giá dựa vào tổng số điểm của 3 chỉ số theo các mức độ:
      • Tốt: 10 - 12 điểm
      • Khá: 7 - 9 điểm
      • Trung bình: 4 -6 điểm
      • Kém: < 4 điểm
  • 2.3.6. Phương pháp xử lý số liệu: Các số liệu thu được xứ lý bằng phần mềm SPSS 18.0

III. BÀN LUẬN

  • Theo kết quả nghiên cứu, bệnh nhân đau thắt lưng do thoái hóa cột sống chủ yếu ở độ tuổi > 30. Trong đó, bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 50 – 59 trên cả 2 nhóm với tỷ lệ 38,33%. Quá trình thoái hóa đĩa đệm xảy ra từ rất sớm, tuổi trên 30 thì phần lớn có biểu hiện thoái hóa đĩa đệm, nhất là đĩa đệm cột sống thắt lưng. Mức độ thoái hóa đĩa đệm tăng dần theo tuổi, quá trình thoái hóa sinh lý theo tuổi của đĩa đệm biến đĩa đệm thành một tổ chức chứa đựng những yếu tố nguy cơ sẵn sàng bị bệnh [6].Tỷ lệ BN nữ và BN nam xấp xỉ nhau ở cả 2 nhóm (58,33% so với 41,67%). 
  • Sau điều trị, mức độ giảm đau thông qua thang điểm VAS ở 2 nhóm đều thay đổi có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Điểm VAS trung bình sau điều trị của nhóm nghiên cứu tăng cao hơn  nhóm chứng có ý nghĩa với p < 0,05. Điều này chứng tỏ cả điện châm đơn thuần hay kết hợp với từ rung nhiệt đều có hiệu quả giảm đau tốt, tuy nhiên sự phối hợp điện châm và  từ rung nhiệt có tác dụng giảm đau tốt hơn. Sự cải thiện về độ giãn cột sống thắt lưng và chức năng hoạt động của CSTL của 2 nhóm sau điều trị cũng tốt hơn so với trước điều trị nhưng ở nhóm điều trị bằng điện châm và từ rung nhiệt thì cải thiện được nhiều hơn với p < 0.05, giảm được sự hạn chế do đau thắt lưng gây ra.
  • Dưới tác dụng của điện châm, nhiều chất trong hệ thần kinh trung ương được sinh ra cao gấp nhiều lần so với bình thường, trong đó đáng chú ý là các chất Endorphin, encephalin, serotonin và endomorphin - 1. Các chất này tham gia vào quá trình ngăn chặn cảm giác đau [7], [8]. Theo lý luận của Y học cổ truyền, đau là do kinh lạc bị bế tắc. Điện châm thông qua tác động vào huyệt và kinh lạc có thể làm thông kinh lạc, hành khí, hoạt huyết do đó làm giảm đau. Theo Y học hiện đại, đau thắt lưng do thoái hoá cột sống chủ yếu do các bó sợi của dây chằng, bao khớp bị kéo căng sẽ làm hẹp, biến dạng các khoảng trống giữa các bó collagen làm các sợi thần kinh bị chèn ép gây đau [9]. Châm cứu có tác dụng ức chế dẫn truyền cảm giác đau trong cung phản xạ đau do đó làm giảm đau. Phương pháp từ rung nhiệt có tác dụng giãn cơ, tăng cường dinh dưỡng tại chỗ và lưu thông tuần hoàn nên cũng có tác dụng giảm đau. Vì vậy khi phối hợp thêm với điện châm thì giúp bệnh nhân giảm đau tốt hơn. Trong đau thắt lưng, hạn chế độ giãn cột sống thắt lưng là hậu quả của triệu chứng đau. Khi đau giảm thì độ giãn cột sống thắt lưng cũng được cải thiện. Điện châm kết hợp từ rung nhiệt có tác dụng giảm đau, làm giãn các tổ chức đang bị co rút do đó mà khôi phục lại được độ giãn cột sống thắt lưng Chức năng hoạt động của cột sống thắt lưng bị ảnh hưởng bởi mức độ đau và tầm vận động cột sống thắt lưng. Khi hai yếu tố này tốt lên thì  chức năng hoạt động của cột sống thắt lưng cũng sẽ được cải thiện.
  • Một số kết quả nghiên cứu của các tác giả khác như Nguyễn Tài Thu dùng phương pháp tân châm để điều trị đau thắt lưng thì tỷ lệ khỏi và đỡ là 67,6%; Hồ Thị Tâm cho thấy phương pháp cấy chỉ catgut điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống đạt kết quả tốt là 60%, khá là 20% [10].
  • Như vậy, sử dụng điện châm kết hợp từ rung nhiệt trong điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống mang lại kết quả tốt, giảm mức độ đau và cải thiện tầm vận động của cột sống thắt lưng từ đó làm cho chức năng hoạt động cột sống thắt lưng được khôi phục. Kết các phương pháp thích hợp để điều trị cho bệnh nhân đau thắt lưng do thoái hóa cột sống dường như mang lại hiệu quả tốt hơn khi chỉ dùng một phương pháp đơn thuần.
  • Theo dõi trong quá trình điều trị chúng tôi không thấy xuất hiện các tác dụng không mong muốn như vựng châm, dị ứng, bỏng, nhiễm trùng. Điều này cho thấy việc sử dụng phương pháp kết hợp này giúp người bệnh nhanh chóng trở lại với công việc, sinh hoạt hàng ngày và có thể áp dụng rộng rãi ở tuyến y tế cơ sở.

IV. KẾT LUẬN

  1. Phương pháp điện châm kết hợp từ rung nhiệt có tác dụng giảm đau, tăng độ giãn cột sống thắt lưng.
    • So sánh trước và sau điều trị có sự khác biệt về giảm đau với p<0,05.
    • So sánh giữa 2 nhóm, nhóm nghiên cứu giảm đau và giãn cột sống thắt lưng tốt hơn nhóm chứng, sự khác biệt với p<0,05.
  2. Chưa phát hiện được tác dụng không mong muốn trên lâm sàng trong quá trình điều trị của phương pháp điện châm kết hợp từ rung nhiệt
     

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam