Nghiên cứu cơ sở khoa học của điện châm trong điều trị một số chứng đau
Tóm tắt nghiên cứu
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Châm cứu có lịch sử ra đời và phát triển từ lâu đời và đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Việc đi sâu nghiên cứu, chứng minh các cơ sở khoa học của phương pháp châm cứu Việt Nam là nhu cầu cấp thiết của ngành Y tế nhằm đưa châm cứu Việt Nam lên tầm cao mới theo hướng khoa học, thúc đẩy tiến trình hội nhập với thế giới của ngành Y tế Việt Nam. [4, 5, 6]
Đau là dấu hiệu cảnh báo về những vấn đề bất ổn đối với sức khỏe con người và là dấu hiệu của nhiều loại bệnh.[1] Đã có nhiều công trình nghiên cứu điều trị các chứng đau nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu nào có tính chất tổng hợp báo cáo kết quả nghiên cứu điều trị các chứng đau nói chung và đưa ra cơ sở khoa học của phương pháp điện châm điều trị các chứng đau. Chúng tôi tiến hành đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học của điện châm trong điều trị một số chứng đau” với mục tiêu:
- Xác định sự thay đổi một số chỉ số sinh hóa và sinh lý liên quan đến tác dụng giảm đau của điện châm.
- Xây dựng quy trình điện châm, điện châm kết hợp thuốc hỗ trợ điều trị một số chứng đau.
- Đánh giá hiệu quả giảm đau của điện châm trong điều trị một số chứng đau.
II. PHƯƠNG TIỆN NGHIÊN CỨU
-
Phác đồ huyệt điều trị đau do thoái hóa cột sống thắt lưng:
- Châm tả các huyệt: Đại trường du, Giáp tích L1-L5, Uỷ trung, Thứ liêu
- Châm bổ huyệt: Thận du
-
Phác đồ huyệt điều trị đau do loét dạ dày tá tràng:
- Châm tả các huyệt: Trung quản, Cự khuyết, Chương môn, Nội quan, Vị du
- Châm bổ các huyệt: Tỳ du, Túc tam lý
-
Phác đồ huyệt điều trị đau do ung thư vòm họng
- Châm tả các huyệt: Hợp cốc, Nội quan, Phù đột, Thiên đột, Ế phong, Quyền liêu
-
Phác đồ huyệt điều trị đau sau mổ bướu cổ:
- Châm tả các huyệt : Hợp cốc, Phù đột, Thiên đột, Khí xá, Nhân nghinh
-
Phác đồ thuốc điều trị thủy châm
- Vitamin B12 1000 µg x 1 ống, Becozyme 2 ml x 1 ống, Novocain 3% x 1 ống
III. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu trên 1200 BN đau do thoái hóa cột sống thắt lưng, đau do loét dạ dày tá tràng, đau do ung thư vòm họng và đau sau mổ bướu cổ được chia làm 3 nhóm điều trị bằng điện châm các huyệt với tần số 10 Hz, điện châm các huyệt với tần số 4 Hz và điện châm các huyệt với tần số 10 Hz kết hợp thủy châm, chúng tôi rút ra những kết luận sau:
-
Sự thay đổi của một số chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa bước đầu đã chứng minh được cơ sở khoa học của điện châm trong điều trị một số chứng đau:
- Trên thỏ đau do bị gây viêm, ngưỡng đau sau 7 ngày điện châm (319.3 g/s) tăng có ý nghĩa thống kê (p<0.001) so với trước điện châm (251.3 g/s). Xét nghiệm opiat nội sinh cho thấy hàm lượng β-endorphin sau điện châm 7 ngày (58.9 pg/ml) tăng có ý nghĩa thống kê (p<0.001) so với trước điện châm (45.8 pg/ml). Hàm lượng hóa chất trung gian tham gia vào quá trình chống đau cortisol, adrenalin và noradrenalin sau điện châm cũng tăng có ý nghĩa thống kê so với trước điện châm (p <0.01). Điện châm không làm thay đổi cấu trúc vi thể của các cơ quan gan, lách, thận trên động vật thí nghiệm.
- - Trên lâm sàng, ngưỡng đau sau điện châm 7 ngày ở các nhóm bệnh nhân đau do thoái hóa cột sống thắt lưng là 425.27 g/s, đau do loét dạ dày tá tràng là 475.14 g/s, đau do ung thư vòm họng là 439.0 g/s và đau sau mổ bướu cổ là 403.7 g/s, tăng cao hơn so với ngưỡng đau sau điện châm lần 1 30 phút (356.0 g/s đến 412.51 g/s) và ngưỡng đau trước điện châm (233.03 g/s đến 341.16 g/s).
- Sau 7 ngày điều trị, hàm lượng β-endorphin ở BN đau do thoái hóa CSTL là 55.41 pg/ml, của BN đau do loét dạ dày tá tràng là 57.8 pg/ml, của BN đau do ung thư vòm họng là 55.26 pg/ml, của BN đau sau mổ bướu cổ là 55.94 pg/ml, tăng cao hơn so với sau điện châm lần 1 30 phút và hàm lượng β-endorphin trước điện châm (từ 38.77 pg/ml đến 45.85 pg/ml). Hàm lượng cortisol, adrenalin và noradrenalin ở các nhóm BN nghiên cứu sau 7 ngày điện châm cũng tăng có ý nghĩa thống kê so với sau điện châm lần 1 và trước điện châm với p<0.001.
- Điện châm làm các chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp thay đổi không có ý nghĩa thống kê so với trước điện châm.
-
Đã xây dựng được các quy trình điện châm:
- điện châm kết hợp thuốc hỗ trợ điều trị giảm đau có hiệu quả để điều trị đau do thoái hóa cột sống thắt lưng, đau do loét dạ dày tá tràng, đau do ung thư vòm họng và đau sau mổ bướu cổ. Các quy trình này đã chứng minh được tác dụng tốt hơn các phác đồ điều trị đau bằng điện châm trước đây.
-
Điện châm có hiệu quả giảm đau rõ rệt trên các nhóm bệnh nghiên cứu:
- Trong đó điện châm các huyệt với tần số cao (10Hz) và điện châm các huyệt với tần số cao (10Hz) kết hợp với thủy châm cho hiệu quả giảm đau cao hơn điện châm đơn thuần với tần số thấp (4Hz).
- Tỷ lệ bệnh nhân ở nhóm điện châm 10Hz và điện châm 10 Hz kết hợp thủy châm đạt kết quả khỏi đỡ tốt nhất ở nhóm đau sau mổ bướu cổ, kết quả điều trị đạt loại tốt và khá chiếm tỷ lệ 98%, tiếp đến là nhóm đau do thoái hóa cột sống thắt lưng kết quả điều trị đạt loại tốt và khá chiếm tỷ lệ 90%, nhóm đau do loét dạ dày, tá tràng kết quả điều trị đạt loại tốt và khá chiếm tỷ lệ 87%, thấp nhất ở nhóm đau do ung thư vòm họng kết quả điều trị đạt loại tốt và khá chiếm tỷ lệ 86%.
- Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở của các nhóm bệnh nhân nghiên cứu trước và sau điện châm, điện châm kết hợp thủy châm dao động trong phạm vi cho phép.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ môn sinh lý Trường Đại học Y Hà Nội (2008), Chuyên đề sinh lý học, NXB Y học.
- Bộ Y tế, Chương trình quốc gia Y học cổ truyền (1997), Linh khu
- Đỗ Công Huỳnh (1994), Đặc điểm và tác dụng sinh lý của các huyệt vị châm cứu, -Tạp chí sinh lý học.
- Nghiêm Hữu Thành (1999), Góp phần nghiên cứu cơ chế chống đau của điện châm, Tạp chí Châm cứu Việt Nam số 3.
- Nguyễn Tài Thu (2005), Châm chữa đau và châm tê trong phẫu thuật tại Việt Nam, Tạp chí Châm cứu Việt Nam số 1.
- Cheng R.S., Pomeran B. (1979). Electroacupuncture analgesia coud be medicited by at bast two pain relieving mechanism, endorphin and non-endorphin system. Life sci., vol 25.
- Harbach H, Moll B, Boedeker RH, Vigelius - Rauch U, Otto H, Muehling J, Hempelmann G, Markart P. (2006). Minimal immunoreactive plasma beta-endorphin and decrease of cortison at standard analgesia or different acupuncture techniques. Eur J Anaesthesiol . 2007 Apr; 24 (4): 370-6. Eplub. Dec 8.
- Bossy J. (1973), Bases morphologiques et fonctionnelles de l’analgesie acupuncturale. Giorn dellaccad; Med Di Torino, Vol.86, pp.1-2.
Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam