Đánh giá điều trị liệt mặt ngoại biên bằng xoa bóp bấm huyệt và y học hiện đại

Liệt mặt được trị liệu tốt bằng 2 nền y học

Đặt vấn đề:

Liệt dây VII ngoại vi (liệt mặt ngoại vi) đã được biết đến rất sớm từ thời Hypocrat ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên . Trải qua nhiều thế kỷ, đã có rất nhiều nghiên cứu về bệnh này như của Clodius, Charles Bell, Vera, Ramsay Hunt... vì thế liệt dây VII còn gọi là liệt Bell , điều trị liệt Bell còn nhiều tranh cãi 60% hồi phục hoàn toàn không cần điều trị, có khoảng 10% để lại di chứng, điều trị nội khoa dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, vitamin nhóm B , một số tác giả dùng corticoid, Acyclovir trong điều trị liệt dây VII ngoại biên của Sipe, còn nhiều tranh luận về hiệu quả của nó.

Liệt dây VII ngoại vi theo Y học cổ truyền thuộc phạm trù “Trúng phong kinh lạc”.Được mô tả sớm nhất trong sách Nội kinh, sau này được mô tả chi tiết trong Thương hàn luận, Kim quỹ yếu lược (Trương Trọng Cảnh).

Ở Việt Nam, từ xưa đến nay y học cổ truyền cũng đã có rất nhiều nghiên cứu về bệnh lý và các phương pháp điều trị liệt dây VII: phương pháp dùng thuốc uống, bôi, đắp... bằng các chế phẩm dược liệu, phương pháp không dùng thuốc như châm, điện châm, thủy châm, cứu, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu ...

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

  1. Đối tượng nghiên cứu: 75 hồ sơ bệnh án được chẩn đoán xác định liệt dây VII ngoại biên
  2. Tiêu chuẩn chọn lựa bệnh nhân: Các bệnh nhân lựa chọn đạt tiêu chẩn đoán lâm sàng liệt dây VII ngoại vi do lạnh
  3. Phương pháp điều trị: Phương pháp điều trị liệt VII ngoại biên kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền

Bộ huyệt điều trị:

  1. Xoa bóp bấm huyệt Toản trúc
  2. Xoa bóp bấm huyệt Tình minh
  3. Xoa bóp bấm huyệt dương bạch
  4. Xoa bóp bấm huyệt Ngư yêu
  5. Xoa bóp bấm huyệt Giáp xa
  6. Xoa bóp bấm huyệt Địa thương
  7. Xoa bóp bấm huyệt Thừa tương
  8. Xoa bóp bấm huyệt Ế phong
  9. Xoa bóp bấm huyệt Hợp cốc

Kết quả nghiên cứu:

  1. Đặc điểm chung: Tổng số bệnh nhân liệt dây VII ngoại vi điều trị bằng kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền là 75 với đặc điểm như sau: tuổi từ 19-75 trong đó tuổi từ 19-50 chiếm 60%, nam 50 - 66,67%, nữ 25-33,33%
  2. Phân bố bệnh theo nguyên nhân: Liệt dây VII không rõ nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao 72%, còn lại do viêm tai xương chũm, Zona và chấn thương. Do phong hàn chiếm tỷ lệ 73,33%, còn lại là phong nhiệt, đàm ứ.
  3. Tỷ lệ điều trị khỏi đạt 88%, đỡ 6,66% như vậy hiệu quả chung đạt 94,66%. Không đỡ có 4 bệnh nhân chiếm 5,34%(2 do zona, 1do chấn thương, 1 do viêm tai xương chũm) bệnh nhân đã điều trị ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế khác và đến khoa sau 30 ngày.

Bàn luận

  • Tuổi mắc bệnh:Trong 75 bệnh nhân chúng tôi thấy bệnh liệt dây VII ngoại biên gặp ở mọi lưá tuổi, từ 19 đến 75 tuổi, nhưng tuổi hay gặp nhất là từ 19 đến 50 tuổi 60%. Kết quả này cũng phù hợp với nhân xét của Ja. I. Pshuk, Adams RD và Victor M theo các tác giả này liệt dây VII ngoại biên gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó tuổi trẻ và trung niên gặp nhiều. Qua bảng phân tích (...) chúng tôi nhận thấy bệnh nhân trẻ, đến viện sớm tỷ lệ điều trị khỏi cao hơn, ngày điều trị khỏi cũng thấp hơn đến muộn và cao tuổi. Điều này cho thấy tuổi càng thấp sự phục hồi càng tốt. Kết quả này cũng phù hợp với nhận xét của Nguyên Kim Ngân và của Saito H. và cộng sự , Jenkins H. A. và cộng sự, Heinzlef.
  • Giới tính: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ mắc bệnh liệt dây VII ngoại biên ở nam cao hơn ở nữ (nam 66,67%, nữ 33,33%). Kết quả này cũng khác với nhận xét của Brandenburg N.A. và Annegers J.F. (1983) là 23,5/100.000 nam và 32,7/100.000 nữ.

Nghiên cứu khác:

  • Kết quả điều trị khỏi liệt dây VII ngoại vi tại khoa y học cổ truyền Bệnh viện Quân y là 88,%, đỡ 6,66%, không đỡ là 5,34%.
  • Một số tác giả châm điều trị liệt dây VII ngoại vi Nguyễn Kim Ngân[3] (khỏi là 49,7%), Đinh Văn Đính (khỏi là 32%), Liu J. và cộng sự (khỏi là 49,2%), Lingling L. (khỏi là l5,7%), Phạm Thị Hương Nga (2002). Châm huyệt (bấm huyệt) Nhĩ môn xuyên Thính cung và huyệt Phong trì, Dương bạch xuyên Ngư yêu , Thái dương xuyên Đồng tử liêu, Địa thương xuyên Giáp xa, Quyền liêu xuyên Hạ quan điều trị liệt dây VII ngoại vi do lạnh thì tỷ lệ khỏi hoàn toàn là 71,9 %, đỡ 28,1% trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn rõ rệt. Tuy nhiên nếu so sánh với Zang J. Trung Quốc (điều trị bằng xoa bóp bấm huyệt) tỷ lệ khỏi hoàn toàn là 88,75% thì kết quả của chúng tôi tương đương vớ tỷ lệ 88%.
  • Ngày điều trị khỏi trung bình bệnh nhân liệt dây VII ngoại vi tại khoa y học cổ truyền bệnh viện Quân y là 14,31+ 3,25 ngày, nếu bệnh nhân đến sớm trước 10 ngày thì thời gian điều trị khỏi rút ngắn hơn.
  • Nguyễn Kim Ngân (2002), sử dụng huyệt Quyền liêu và Ế phong trong mãng châm điều trị liệt dây VII ngoại vi do lạnh thời gian điều trị khỏi là 25,31 ±5,9 ngày.
  • Phạm Thị Hương Nga (2002) sử dụng điện châm huyệt nhĩ môn xuyên thính cung phối hợp huyệt phong trì trong điều trị liệt dây VII ngoại vi do lạnh thời gian điều trị khỏi là 21,22±5,6 ngày.
  • Zang J. (1999), cũng áp dụng điều trị liệt dây điều trị liệt dây VII ngoại vi bằng châm cứu trên 80 bệnh nhân gian điều trị khỏi là 18,42±5,6 ngày.
  • So sánh với Nguyễn Kim Ngân, Phạm Thị Hương Nga, Zang J[3,5]. thì thời gian điều trị của chúng tôi ngắn hơn

Kết luận:

Qua nghiên cứu hồi cứu 75 bệnh nhân liệt mặt ngoại vi

Phương pháp điều trị liệt dây VII ngoại vi tại khoa y học cổ truyền bệnh viện Quân y là kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại. Kết quả điều trị khỏi là 88,%, đỡ 6,66%, không đỡ là 5,34%. Ngày điều trị khỏi trung bình là 14,31+ 3,25 ngày, nếu bệnh nhân đến sớm trước 10 ngày thì thời gian điều trị khỏi rút ngắn hơn.

Kiến nghị:

Điều trị liệt VII ngoại biên nên kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền (xoa bóp bấm huyệt, châm cứu)

Bài thuốc điều trị liệt dây VII ngoại vi: Đảng sâm 15g, Hoàng kỳ 20g, cam thảo 6g, đương quy 15g, hà thủ ô 20g, đan sâm 20g, xuyên khung 8g,trần bì12g, phòng phong 12g, táo nhân15g, viễn chí 12g.

  • Nếu nguyên nhân do phong hàn gia thêm quế chi, khương hoạt
  • Nếu do phong nhiệt gia thêm sài hồ, kim ngân hoa
  • Nếu do đàm ứ gia thêm bán hạ chế hoặc đởm nam tinh,
  • Nếu huyết ứ gia thêm các thuốc hoạt huyết như hồng hoa,đào nhân.

- Kết hợp điện châm, thủy châm, cứu điếu ngải.

- Điều trị y học hiện đại dùng thuốc Vitamin nhóm B, thuốc tăng dẫn truyền thần kinh để thủy châm, thuốc kháng sinh chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn.

 

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam