Đánh giá điều trị liệt VII ngoại vi do lạnh bằng châm cứu và thuốc đông y

Liệt VII ngoại biên

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Liệt VII ngoại biên hay liệt mặt là một bệnh hay gặp nhất trong các bệnh  của dây thần kinh sọ não, bệnh xuất hiện đột ngột làm nửa mặt bên bệnh liệt và mắt bên bệnh không nhắm được,  gặp ở mọi lứa tuổi,  người bệnh dễ bị  mắc phải khi gặp thời tiết gió lạnh [1]. Có nhiều phương pháp điều trị liệt VII như dùng thuốc và châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt….và thuốc YHCT [2]. Trong quá trình điều trị nhiều bệnh nhân liệt VII ngoại biên, chúng tôi nhận thấy sử dụng phương pháp điện châm kết hợp bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang” một bài thuốc cổ phương có tác dụng khu phong tán hàn, ích khí hoạt huyết mang lại hiệu quả rất khả quan trong điều trị liệt VII ngoại biên do lạnh. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả của phương pháp kết hợp này. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá tác dụng điều trị liệt VII ngoại biên do lạnh của điện châm kết hợp bài thuốc Tiểu tục mệnh thang” với mục tiêu: 

  1. Đánh giá tác dụng điều trị liệt VII ngoại biên do lạnh của điện châm kết hợp bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang” 
  2.  Khảo sát tác dụng không mong muốn của phương pháp điều trị kết hợp trên một số chỉ tiêu lâm sàng và cận lâm sàng.


II. CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 


2.1. Chất liệu và phương tiện nghiên cứu:


- Bài thuốc: “Tiểu tục mệnh thang” (Ngoại đài bí yếu [3]).Có thành phần gồm

  1. Đẳng sâm        12g
  2. Phòng phong    09g
  3. Hắc Phụ tử        06g
  4. Ma hoàng        09g
  5. Xuyên khung    09g
  6. Sinh khương    06g
  7. Quế chi            09g
  8. Hoàng cầm        09g
  9. Cam thảo        06g
  10. Bạch thược        09g
  11. Hạnh nhân         09g
  • Dược liệu do khoa Dược bệnh viện YHCT Bộ công an nhập và kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn trong dược điển Việt Nam IV [47] và tiêu chuẩn cơ sở.
  • Dạng thuốc sử dụng là thuốc sắc bằng máy sắc tự động của Hàn Quốc, 01 thang sắc đóng làm 200ml chia 2 túi .Ngày uống 02 lần, mỗi lần 01 túi. trước bữa ăn 30 phút. 
  • Phương  tiện NC: Gồm: Kim châm cứu là kim hào châm dài 5cm; Máy điện châm Model 1592 - ET - TK21 của Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ và xây lắp K & N sản xuất; Bông cồn vô trùng, panh không mấu, khay quả đậu; Hệ thống máy sắc thuốc dây chuyền Hàn Quốc.


2.2. Đối tượng nghiên cứu:

  • 60 bệnh nhân được chẩn đoán là liệt  VII ngoại biên do lạnh 
  • 2.2.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân: 
    • BN không phân biệt giới tính, được chẩn đoán là liệt 7 ngoại biên do lạnh theo tiêu chuẩn sau:
    • Lâm sàng: Dựa vào bảng chẩn đoán lâm sàng liệt VII ngoại biên do lạnh trong “Lâm sàng- thần kinh” của Hồ Hữu Lương[1]: Bệnh nhân phải có rối loạn vận động (Mất nếp nhăn trán, Mất rãnh mũi má, Lệch nhân trung, Dấu hiệu Charles Bell dương tính, Méo miệng, Sức co cơ nhai yếu hoặc không có); Bệnh nhân có thể có rối loạn thần kinh thực vật (Khô mắt, Chảy nước mắt), Rối loạn thị giác, Giảm tiết nước bọt, Rối loạn cảm giác, Cảm giác đau vùng sau tai [1].
    • Theo YHCT được chẩn đoán là khẩu nhãn oa tà thể phong hàn [2]
    • Bệnh nhân tự nguyện tham gia nghiên cứu, tuân thủ nguyên tắc điều trị.
  • 2.2.2. Tiêu chuẩn loại trừ: 
    • Liệt VII ngoại biên do do sang chấn, Zona thần kinh hoặc có kèm tổn thương dây thần kinh sọ khác;
    • Phụ nữ có thai;
    • BN không tự nguyện tham gia NC, không tuân thủ nguyên tắc điều trị 


2.3. Phương pháp nghiên cứu: 

 

  • 2.3.1. Thiết kế nghiên cứu: NC tiến cứu, can thiệp lâm sàng, có đối chứng
    • Bệnh nhân đủ tiêu chuẩn NC được chia vào 2 nhóm đảm bảo tương đồng về tuổi, giới, mức độ bệnh. Nhóm NC gồm 30 bệnh nhân điều trị theo phương pháp điện châm kết hợp uống thuốc sắc của bài Tiểu tục mệnh thang. Nhóm chứng gồm 30 bệnh  nhân điều trị theo phương pháp điện châm 
    • Công thức huyệt điều trị sử dụng cho cả nhóm nghiên cứu và chứng gồm: Toản trúc, Đồng tử liêu, Dương bạch, Quyền liêu, Địa thương, Giáp xa, Ế phong, Nghinh hương, Thừa tương, Nhân trung, Phong trì, Hợp cốc (đối diện).
    • Phương pháp châm tả. tần số: 4-5Hz tương ứng 240-300 lần/phút
    • Liệu trình châm cứu: Điều trị 20 phút/lần x 1 lần/ ngày, châm 5 lần/ tuần( nghỉ thứ bảy và chủ nhật). Thời gian điều trị là 30 ngày.
  • 2.3.2. Các chỉ tiêu theo dõi:
    • Ngày điều trị trung bình
    • Sự phục hồi các triệu chứng chính
    • Sự phục hồi trạng thái lâm sàng
    • Một số tác dụng không mong muốn: Nôn và buồn nôn, nhức đầu, đau chói hoặc dị cảm ở vùng châm cứu.
  • 2.3.3. Phương pháp đánh giá kết quả
    • Phương pháp đánh giá này điều trị trung bình: Tính trung bình số ngày điều trị trong từng nhóm ± độ lệch.
    • Phương pháp đánh giá sự phục hồi các triệu chứng chính và sự phục hồi trạng thái chung trên lâm sàng: Dựa theo cách tính điểm chỉ số dây thần kinh mặt của Bộ Y tế Nhật Bản.
    • Phương pháp đánh giá các triệu chứng không mong muốn: Các triệu chứng không mong muốn được theo dõi từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc nghiên cứu. Nếu có một trong số các triệu chứng không mong muốn nêu trên xuất hiện thì thầy thuốc sẽ dừng điều trị phương pháp đang nghiên cứu cho bệnh nhân và chuyển phương pháp khác.

III. BÀN LUẬN

 
3.1. Bàn luận về một số đặc điểm bệnh nhân nghiên cứu

  • 3.1.1. Thời gian mắc bệnh: 
    • Kết quả nghiên cứu của chúng tôi (biểu đồ 3.1) cho thấy bệnh nhân đến sớm trước 10 ngày đầu chiếm tỷ lệ cao nhất ở cả hai nhóm (73,3% ở nhóm nghiên cứu và 70% ở nhóm chứng). Số bệnh nhân đến viện trong thời gian từ 10 đến 30 ngày ở hai nhóm có tỷ lệ tương đương nhau (20% ở nhóm nghiên cứu và 23,3% ở nhóm chứng).
    • Bệnh nhân đến muộn sau 30 ngày chiếm tỷ lệ thấp nhất và giống nhau ở hai nhóm (6,7%). Nhóm bệnh nhân đến sớm chiếm tỷ lệ cao tương tự như đánh giá trong nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Trung [5] và Nguyễn Kim Ngân [6], Bệnh nhân đến sớm chứng tỏ tính cấp thiết của bệnh và là một yếu tố thuận lợi cho sự phục hồi của bệnh nhân.
  • 3.1.2 Đặc điểm triệu chứng bệnh:
    • Các triệu chứng rối loạn vận động gặp ở tất cả các bệnh nhân nghiên cứu như: mất nếp nhăn trán, dấu hiệu Charles Bell dương tính, méo miệng - lệch nhân trung; Còn các triệu chứng mất rãnh mũi má, không co cơ nhai gặp ở hầu hết các trường hợp. Căn cứ vào bảng chỉ tiêu đánh giá điểm lâm sàng thì đa số các bệnh nhân bị liệt mặt ở mức độ nặng ở cả hai nhóm nghiên cứu.
    • Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn cảm giác chiếm tỷ lệ thấp hơn, trong đó thường gặp nhất là triệu chứng chảy nước mắt (60% ở nhóm nghiên cứu và 66,7% ở nhóm chứng), còn các triệu chứng khác như cảm giác đau sau tai (26,7% ở nhóm nghiên cứu và 23,3% ở nhóm chứng), nghe vang đau (16,7% ở nhóm nghiên cứu và 10% ở nhóm chứng)… ít gặp hơn.
    • Các đặc điểm này cũng phù hợp với các nghiên cứu về liệt VII ngoại biên của Hồ Hữu Lương [1], Nghiêm Hữu Thành [7], Nguyễn Kim Ngân [6]. 


3.2. Kết quả về sự phục hồi các triệu chứng chính sau điều trị:

  • Kết quả bảng 3.2. cho thấy các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn cảm giác ở 2 nhóm đều phục hồi tốt sau điều trị. Tuy nhiên các triệu chứng rối loạn vận động ở nhóm nghiên cứu phục hồi tốt hơn so với nhóm chứng (p<0,05); các triệu chứng rối loạn cảm giác ở hai nhóm phục hồi tốt và sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p<0,05.


3.3. Kết quả về sự phục hồi trạng thái lâm sàng:

 

  • Kết quả bảng 3.3 cho thấy nhóm nghiên cứu có tỷ lệ khỏi hoàn toàn là 83,3%, đỡ là 16,7%; nhóm chứng có tỷ lệ khỏi hoàn toàn là 56,7%, đỡ là  40% và vẫn còn 3,3% không đỡ. Sự khác biệt này giữa hai nhóm có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Theo chúng tôi, sở dĩ có sự chênh lệch về kết quả điều trị giữa hai nhóm đó là do các bệnh nhân nhóm nghiên cứu đã được điều trị bằng phương pháp kết hợp điện châm với  bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang”.
  • Theo YHHĐ cơ chế liệt VII ngoại biên, yếu tố lạnh làm cho mạch nuôi của dây thần kinh bị co thắt gây ra thiếu máu cục bộ, phù và chẹn dây thần kinh ở trong cống Fallope gây ra bệnh.
  • Theo YHCT, phong hàn tà xâm nhập vào lạc mạch của các kinh dương ở mặt, làm cho sự lưu thông kinh khí mất bình thường, khí huyết không được điều hòa, kinh cân thiếu dinh dưỡng, không co lại được mà gây nên bệnh.
  • Thành phần của bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang” bao gồm bài “Ma hoàng thang” kết hợp “Quế chi thang gia giảm” cùng một số vị thuốc khác như Đẳng sâm, Phòng phong, Xuyên khung, Hoàng Cầm, Hắc phụ tử tạo thành.
    • Trong bài thuốc, “Ma hoàng thang” kết hợp với các vị thuốc Xuyên khung, Phòng phong có tác dụng khai biểu tiêu bế, khu phong thông lạc mà đưa phong tà bài xuất ra ngoài, chú trọng về trừ tà.
    • “Quế chi thang” điều hòa dinh vệ, khi dinh vệ được điều hòa tấu lý sẽ bền chặt, tăng cường sự bảo vệ cơ thể, hạn chế sự xâm nhập của phong tà. Hắc phụ tử vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, vào mười hai đường kinh, có tác dụng ôn dương tán hàn;
    • Đẳng sâm vị ngọt tính bình, tác dụng bổ khí; Hai vị thuốc này có tác dụng ôn dương ích khí, phối ngũ với các thuốc khu phong tán hàn, có được công năng phù chính khu tà.
    • Xuyên khung vị cay, tính ôn, đi lên đầu, lên mắt để đuổi phong ở đỉnh đầu, lại có thể hoạt huyết hoá ứ, với ý nghĩa “huyết hành phong tự diệt”.
    • Qua một số nghiên cứu thực nghiệm của nhiều tác giả [8], người ta cũng nhận thấy rằng Quế chi có tác dụng kích thích làm tăng tuần hoàn (huyết được lưu thông), Hạnh nhân chứa acid pangamic(vitamin B-15) có tác dụng kích thích quá trình chuyển hóa oxy trong tế bào làm cho tế bào chóng hồi phục, Xuyên khung làm giãn mạch máu ngoại vi và có tác dụng kháng sinh.
    • Nghiên cứu tác dụng dược lý của Cam thảo và Sinh khương cho thấy chúng có tác dụng chống viêm mạnh.
    • Phong tà khi xâm nhập vào kinh lạc làm cho khí không tuyên thông nên dễ dàng uất lại mà sinh nhiệt nên dùng Hoàng cầm vị đắng tính hàn để thanh nhiệt, đồng thời Hoàng cầm hạn chế bớt cái ôn nhiệt của các vị thuốc, dùng để cân bằng giữa dương dược và âm dược.
    • Các vị thuốc phối ngũ với nhau làm cả bài thuốc có tác dụng trừ phong, tán hàn, ích khí, ôn dương để điều trị hồi phục chứng khẩu nhãn oa tà có hiệu quả.
  • Kết quả nghiên cứu của chúng tôi như đã trình bày ở bảng 3.3 cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Trung [6] điều trị liệt VII ngoại biên do lạnh cho bằng cao lỏng bát trân kết hợp cấy chỉ Catgut vào huyệt và nghiên cứu của Reheman A., Liu HS. và các cộng sự [9] (Trung Quốc) điều trị liệt VII ngoại biên do lạnh đợtcấp bằng điện châm. Có thể nhận thấy hiệu quả điều trị liệt VII ngoại biên do lạnh bằng điện châm kết hợp bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang” nhìn chung cao hơn khi so sánh với kết quả của một số nghiên cứu khác.


3.4. Tác dụng không mong muốn trên lâm sàng: 

 

  • Sau 30 ngày điều trị, không quan sát thấy các triệu chứng không mong muốn trên lâm sàng. Điều này chứng tỏ tính an toàn của phương pháp điện châm khi áp dụng để điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh và cũng chứng tỏ tính an toàn của bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang” khi kết hợp với điện châm để điều trị chứng bệnh này.
  • Kết quả này góp phần khẳng định thêm về hiệu quả điều trị các chứng bệnh khi kết hợp các phương pháp khác của Y học cổ truyền.


IV. KẾT LUẬN


Nghiên cứu điều trị 30 bệnh nhân liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh bằng phương pháp điện châm kết hợp với bài thuôc Tiểu tục mệnh thang có so sánh với 30 bệnh nhân điều trị bằng điện châm đơn thuần cho phép kết luận:

  1. Phương pháp điện châm kết hợp bài thuốc Tiểu tục mệnh thang có tác dụng tốt trong điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh với tỷ lệ khỏi hoàn toàn là 83,3%; đỡ là 16,7% và số ngày điều trị trung bình là 19,87             ± 8,79. Kết quả này cao hơn so với nhóm điện châm đơn thuần (tỷ lệ khỏi hoàn toàn 56,7%, đỡ 40%, không đỡ 3,3%; thời gian điều trị trung bình là 27,37     ± 10,07 ngày). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
  2. Phương pháp điện châm kết hợp bài thuốc Tiểu tục mệnh thang trong điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên  an toàn, không gặp tác dụng không mong muốn trên lâm sàng. 

 Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam