Đánh giá tác dụng điều trị đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ của phương pháp cấy chỉ catgut vào huyệt

thoái hoá cột sống cổ

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Thoái hóa khớp (còn gọi là hư khớp) là bệnh đặc trưng bởi các rối loạn về cấu trúc và chức năng của một hoặc nhiều khớp trong đó có các khớp thuộc cột sống cổ [0]. thoái hoá cột sống cổ chiếm 14% trong các bệnh thoái hóa khớp [0]. Đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ (THCSC) là triệu chứng thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân khó chịu phải đi khám [1,5]. Y học hiện đại (YHHĐ) chủ yếu sử dụng các nhóm thuốc chống viêm giảm đau, thuốc giãn cơ kết hợp với chiếu tia hồng ngoại.. để điều trị [0].
Thoái hoá khớp được xếp vào chứng tý theo y học cổ truyền (YHCT), đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ thuộc chứng kiên tý. Điều trị chứng tý theo y học cổ truyền bao gồm khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc, tư bổ can thận khôi phục lại hoạt động sinh lý bình thường của vùng cổ gáy [0]. Các biện pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt… thường được sử dụng đơn thuần hay phối hợp với thuốc thang để mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn.
Cấy chỉ còn gọi là chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ là một phương pháp châm cứu đặc biệt được ứng dụng ở nước ta từ nhiều năm trước [0]. Hiện nay, phương pháp này đang được sử dụng nhiều nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào đánh giá tác dụng điều trị của phương pháp cấy chỉ một cách hệ thống trong điều trị đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ trên lâm sàng. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm mục tiêu:

  1. Đánh giá tác dụng điều trị đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ (thể phong hàn thấp tý) của phương pháp cấy chỉ catgut vào huyệt.
  2. Theo dõi tác dụng không mong muốn của phương pháp cấy chỉ catgut vào huyệt.


II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1. Đối tượng nghiên cứu

    • Gồm 30 bệnh nhân (BN) được chẩn đoán thoái hoá cột sống cổ đang điều trị ngoại trú tại phòng khám Đông Y – bệnh viện Đống Đa - Hà Nội.
    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHHĐ
      • BN từ 40 tuổi trở lên. Chẩn đoán xác định: đau vai gáy do THCSC 
      • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHCT
      • BN thuộc thể phong hàn thấp tý.
    • Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân
      • Bệnh nhân đau vai gáy có hội chứng tủy. Bệnh nhân được chụp phim CT-Scanner hoặc MRI để loại trừ có hình ảnh phồng đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. BN có các bệnh mạn tính như lao, ung thư..
      • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng và dị ứng với chỉ catgut.
  • 2.2. Chất liệu nghiên cứu: Công thức huyệt theo phác đồ điều trị châm cứu đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ của Bộ y tế (2008):
    • A thị huyệt
    • Phong trì
    • Đại chùy
    • Đại trữ
    • Kiên tỉnh
    • Kiên ngung
    • Giáp tích vùng cột sống D1 đến D6
    • Hợp cốc.
  • 2.3. Phương pháp nghiên cứu

    • 2.3.1. Phương pháp nghiên cứu: tiến cứu, so sánh trước-sau điều trị.
    • 2.3.2. Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 6/2012 đến tháng 9/2013.
    • 2.3.3. Liệu trình điều trị: Cấy chỉ catgut vào 2 thời điểm: lần 1 vào thời điểm ngày thứ nhất của liệu trình điều trị và lần 2 vào ngày thứ 15.
    • 2.3.4. Chỉ tiêu theo dõi 
      • Đặc điểm chung của bệnh nhân: Tuổi, giới, thời gian mắc bệnh
      • Đánh giá mức độ đau theo thang điểm VAS 
      • Đánh giá tầm vận động (TVĐ) cột sống cổ.
      • Đánh giá ảnh hưởng đau với chức năng sinh hoạt bằng câu hỏi NPQ 
      • Tác dụng không mong muốn: dị ứng, mẩn ngứa, chảy máu, lộ đầu chỉ…
    • 2.3.5. Phương pháp theo dõi các chỉ tiêu lâm sàng. Các chỉ tiêu lâm sàng được theo dõi ở 2 thời điểm N0 và N¬30
    • 2.3.6. Phương pháp đánh giá kết quả: Chỉ tiêu đánh giá kết quả
      • Mức độ đau chủ quan của bệnh nhân được lượng giá bằng thang VAS chia làm 5 mức độ: Hoàn toàn không đau: VAS = 0; Đau ít: 1 ≤VAS <3; Đau vừa: 3 ≤ VAS < 6; Rất đau: 6 ≤ VAS < 9; Đau không chịu nổi: 9 ≤ VAS < 10.
      • Đánh giá TVĐ cột sống cổ: Không hạn chế: 0 điểm; Hạn chế ít: 1 - 6 điểm; Hạn chế vừa: 7 – 12 điểm; Hạn chế nhiều: 13 - 18 điểm; Hạn chế rất nhiều: 19 – 24 điểm.
      • Điểm NPQ đánh giá ảnh hưởng đau với chức năng sinh hoạt chia các mức độ như sau:  Không ảnh hưởng: 0 – 2 điểm; Ảnh hưởng nhẹ: 3 – 8 điểm;  Ảnh hưởng trung bình: 9 – 16 điểm; Ảnh hưởng nhiều: 17 – 24 điểm; Ảnh hưởng rất nhiều: 25 - 32 điểm. 

III. BÀN LUẬN

 

  • Cấy chỉ còn gọi là chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ là một phương pháp châm cứu đặc biệt, là một bước tiến của kỹ thuật châm cứu. Bằng việc đưa chỉ tự tiêu vào huyệt của hệ kinh lạc nhằm duy trì sự kích thích lâu dài qua đó tạo nên tác dụng trị liệu [3,0]. Cấy chỉ thông qua cơ chế thần kinh và thể dịch tương tự như châm cứu mang lại hiệu quả giảm đau cho bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, các encaphalin được bài tiết trong hệ thống thần kinh trung ương và tăng lên trong huyết tương gắn với các receptor ngoài tác dụng giảm đau còn có tác dụng tạo sự dễ chịu, cân bằng vận động [0]. Thông qua quan sát đối chiếu, sau khi cấy chỉ lưới mao mạch tăng, huyết quản tăng sinh, lượng máu lưu thông tăng nhiều, tuần hoàn máu được cải thiện ở vùng chi khiến vùng này có dinh dưỡng tốt hơn, sợi cơ tăng nhiều tạo thành bó giúp vận động dễ dàng hơn [0]. Do vậy, sau điều trị bệnh nhân thấy giảm đau, cải thiện tầm vận động và các hoạt động sinh hoạt.
  • Theo Y học cổ truyền, “thống tắc bất thông” có nghĩa là đau do hiện tượng khí huyết, kinh lạc bị ứ trệ không thông. Cấy chỉ vào huyệt làm khai thông khí huyết, kinh lạc, giải cơ, khí huyết được thông suốt nên làm giảm đau. Trong công thức huyệt theo nguyên tắc cục bộ thủ huyệt, lân cận thủ huyệt, viễn bộ phối huyệt và tùy sự phân bố theo thần kinh.
    • Chọn huyệt A thị (thiên ứng huyệt, thống điểm) là điểm đau do người bệnh chỉ ra hoặc do bác sĩ khám thấy có tác dụng chống đau tại chỗ như đau cơ, đau xương khớp, đau thần kinh.
    • Lân cận thủ huyệt là chọn các huyệt theo vùng để điều trị trong nghiên cứu là: Phong trì, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Đại chữ, Đại chùy, Hoa đà giáp tích có tác dụng trừ phong khu tà, thư cân mạch, điều cốt tiết chữa đau vai gáy, đau đầu.
    • Lấy huyệt theo nguyên tắc viễn bộ thủ huyệt có huyệt Hợp cốc. Huyệt Hợp cốc là huyệt nguyên của kinh thủ dương minh đại trường nằm ở kẽ xương đốt bàn tay 1 và 2 trên cơ liên đốt mu tay 1, phía dưới trong xương đốt bàn tay 2 có tác dụng điều trị đau vùng đầu mặt, đau vai gáy, hoa mắt chóng mặt, ù tai, đau đầu [4,5]
  • Tiến hành theo dõi những tác dụng không mong muốn của cấy chỉ 2 thời điểm N0, N30 và nhận thấy không có bệnh nhân nào bị tai biến (vựng châm), chảy máu, sẩn ngứa, lộ đầu chỉ, nhiễm trùng. Điều này cho thấy việc sử dụng phương pháp cấy chỉ trong điều trị đau vai gáy do THCSC an toàn và có thể áp dụng được rộng rãi ở tuyến y tế cơ sở.


IV. KẾT LUẬN

  1. Cấy chỉ Catgut vào huyệt có tác dụng điều trị chứng đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ so sánh điểm trung bình VAS và tầm vận động cột sống cổ trước và sau điều trị có ý nghĩa với p<0,05.
  2. Chưa thấy tác dụng không mong muốn trên lâm sàng của phương pháp cấy chỉ Catgut vào huyệt trong điều trị đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ

 Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam