Đánh giá hiệu quả điều trị thoái hoá khớp gối bằng phương pháp cấy chỉ catgut kết hợp với bài thuốc độc hoạt tang kí sinh

Đau do thoái hoá

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ 


 
Thoái hóa khớp gối (THKG) là một bệnh lý mạn tính bao gồm tổn thương sụn khớp là chủ yếu, kèm theo tổn thương xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch. Thoái hoá khớp gối tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh, nhưng có ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống cũng như khả năng vận động của bệnh nhân. Phương pháp Châm cứu như điện châm, thủy châm thường được các thày thuốc y học cổ truyền dùng trong điều trị các bệnh lý xương khớp với mục đích giảm đau và phục hổi vận động khớp. Cấy chỉ  là một phương pháp châm đặc biệt, sử dụng chỉ tự tiêu (catgut) lưu vào huyệt, để duy trì kích thích lâu dài, mục đích gây tác dụng giảm đau kéo dài hơn và liên tục hơn. Trong giai đoạn gần đây, cấy chỉ đã được các thầy thuốc YHCT quan tâm ứng dụng trong điều trị trên lâm sàng, đặc biệt là giảm đau trong các bệnh lý cơ xương khớp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào tiến hành đánh giá hiệu quả điều trị thoá hoá khớp gối bằng phương pháp cấy chỉ Catgut. Do vậy, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị thoái hóa khớp gối bằng phương pháp cấy chỉ Catgut kết hợp với bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh” với các mục tiêu sau:

  1. Đánh giá hiệu quả điều trị của phương pháp cấy chỉ Catgut kết hợp với bài thuốc độc hoạt tang ký sinh.
  2. Đánh giá tác dụng không mong muốn của phương pháp cấy chỉ.

II. CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  • 2.1 Chất liệu nghiên cứu

    • Chỉ catgut 4.0 của Đức, kim chọc dò tủy sống số 23mm, kim tiêm G23mm, bông cồn sát khuẩn, cồn Betadine và Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh
  • 2.2 Đối tượng nghiên cứu

    • 30 bệnh nhân được chẩn đoán THKG điều trị tại Khoa khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương; Khoa Đông y - Bệnh viện Đống Đa Hà Nội, thời gian từ 2/2012 - 09/2012
    • 2.2.1 Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân nghiên cứu
      • Nhận mọi bệnh nhân không phân biệt giới tính, thời gian mắc bệnh, nghề nghiệp...tự nguyện tham gia và thỏa mãn các điều kiện sau:
      • Được chẩn đoán THKG theo tiêu chuẩn của Hội Khớp học Mỹ (American College of Rheumatology – ACR) (1991).
      • Bệnh nhân thoái hoá khớp gối thể phong hàn thấp tý theo y học cổ truyền.
      • Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hoá khớp gối theo ACR - 1991: 1. Đau khớp gối; 2. Mọc gai xương ở rìa khớp trên Xquang; 3. Dịch khớp là dịch thoái hóa; 4. Tuổi ≥38; 5. Cứng khớp buổi sáng dưới 30 phút khi cử động; 6. Lạo xạo ở khớp khi cử động. Chẩn đoán xác định khi có yếu tố 1, 2 hoặc 1, 3, 5, 6 hoặc 1, 4, 5, 6.
    • 2.2.2 Tiêu chuẩn loại bệnh nhân khỏi nghiên cứu
      • Loại trừ mọi bệnh nhân: Tự dùng thuốc chống viêm, giảm đau khác trong thời gian nghiên cứu
      • Bệnh nhân đã điều trị thuốc chống viêm không steroid trong vòng 10 ngày hoặc đã tiêm corticoid tại chỗ trong vòng 3 tháng gần đây
      • Bỏ điều trị giữa chừng ≥ 3 ngày (bỏ uống thuốc); Bệnh nhân có tiền sử dị ứng; Bệnh nhân đang bị xuất huyết tiêu hóa
      • Nhiễm khuẩn tại khớp và/hoặc nhiễm khuẩn toàn thân
      • Thoái hoá khớp gối thứ phát
      • Thoái hoá khớp gối có tràn dịch khớp gối
      • Có kèm theo tổn thương nội tạng hoặc các bệnh mạn tính khác: suy tim, suy thận, viêm gan, xơ gan, Tăng huyết áp chưa ổn định, bệnh lý ác tính, rối loạn tâm thần
      • Phụ nữ có thai; Bệnh nhân không tình nguyện tham gia nghiên cứu.
  • 2.3. Phương pháp nghiên cứu

    • Can thiệp lâm sàng, có so sánh trước và sau điều trị.
  • 2.4. Phương pháp tiến hành

    • Công thức huyệt cấy chỉ gồm: Dương lăng tuyền, túc tam lý, âm lăng tuyền, huyết hải, lương khâu [4].
    • Tất cả bệnh nhân đều được dùng thuốc uống Độc hoạt tang ký sinh, uống 2 gói/ngày (Thuốc được sắc bằng máy sắc và đóng gói tự động).
    • Thời điểm cấy chỉ: các bệnh nhân được cấy chỉ vào hai thời điểm: thời điểm D0 và D15.
  • 2.5. Thời điểm theo dõi đánh giá điều trị

    • Các bệnh nhân nghiên cứu được theo dõi và đánh giá trong vòng một tháng, qua 5 thời điểm: D0 (Trước khi điều trị), D7 (sau 7 ngày điều trị), D15 (sau 15 ngày điều trị), D21 (sau 21 ngày điều trị) và D30 (sau 30 ngày điều trị).
  • 2.6. Các chỉ tiêu theo dõi và đánh giá

    • Đánh giá mức độ đau khớp gối theo thang điểm VAS
    • Đánh giá tổn thương chức năng khớp gối theo thang điểm Lequesne [6]
    • Đánh giá tầm vận động khớp gối
    • Tác dụng phụ của phương pháp cấy chỉ Catgut.


III. BÀN LUẬN

 

  • Đặc điểm bệnh nhân nghiên cứu

    • Trong 30 bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân nữ chiếm đa số 90%, kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả trong nước và ngoài nước. Đa số bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi từ 50 tuổi trở lên, tuổi cao là một yếu tố nguy cơ cao nhất của thoái hóa khớp nói chung và THKG nói riêng.
    • Các kết quả này, hoàn toàn phù hợp với những nhận định về bệnh THKG của các tác giả khác, đó là: nữ nhiều hơn nam và độ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh cũng như tình trạng bệnh càng nặng [3].
  • Hiệu quả điều trị theo thang điểm VAS

    • THKG là một bệnh mạn tính, bệnh tiến triển nặng dần lên, lúc đầu bệnh nhân chỉ đau khớp gối khi vận động, đi lai hay mang vác nặng... dần dần đau có thể xảy ra cả khi nghỉ ngơi, đau liên tục và khiến bệnh nhân phải đến viện điều trị. Thời điểm trước điều trị các bệnh nhân trong nghiên cứu chủ yếu đau ở mức độ nặng, điểm VAS trung bình là 6,47 ± 1,22. Sau điều trị 30 ngày mức độ đau khớp gối của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, điểm VAS trung bình sau điều trị 30 ngày là 1,13 ± 1,22. Sự khác biệt trước và sau điều trị có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
    • Theo nhận định của chúng tôi: kết quả này có được là do sự kết hợp cùng lúc của châm cứu (điều khí, thông kinh) phối hợp với tác dụng giảm đau của bài thuốc (phát tán phong thấp, thông kinh lạc), đây là thế mạnh của YHCT trong điều trị các bệnh lý cơ xương khớp và nhờ đó bệnh nhân đã đỡ đau nhanh và nhiều sau khi được điều trị. 
  • Hiệu quả điều trị theo thang điểm Lequesne

    • Thang điểm Lequesne đánh giá chức năng vận động khớp gối, đây là thang điểm dùng phổ biến trong các nghiên cứu. Có 5 mức tổn thương trong thang điểm Lequesne từ mức độ trầm trọng, rất nặng, nặng, trung bình đến nhẹ. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tại thời điểm trước nghiên cứu các bệnh nhân chủ yếu tổn thương chức năng khớp gối ở mức độ trầm trọng (điểm Lequesne > 14 điểm). Sau điều trị 30 ngày mức độ cải thiện rõ rệt theo thang điểm Lequesne thể hiện qua từng thời điểm đánh giá. Ở thời điểm D30 điểm Lequesne trung bình là 2,52 ± 1,61 giảm mạnh so với thời điểm trước điều trị D0 là 14,45 ± 2,85. 
  • Hiệu quả điều trị theo tầm vận động khớp gối

    • Thời điểm trước điều trị các bệnh nhân có tầm vận động hạn chế nhiều, tầm vận động khớp trung bình là 113,33º ± 14,16º. Điều này cũng phản ánh tình trạng bệnh diễn biến lâu ngày, bệnh tiến triển dần, tổn thương xương sụn nhiều làm hẹp khe khớp, biến dạng khớp và hậu quả là làm hạn chế vận động khớp gối. Sau điều trị 30 ngày, tầm vận động khớp gối cải thiện rõ rệt, tầm vận động khớp trung bình sau điều trị là 137,00º ± 9,06º.
    • Theo nhận định của chúng tôi: nhờ có khả năng giảm đau mạnh và kéo dài nên bệnh nhân sau điều trị đa phần đã đỡ đau, gân cơ mềm mại hơn do đó việc vận động của khớp gối cũng dễ dàng hơn, dẫn đến có những cải thiện đáng kể trong tầm vận động.
  • Bàn luận về tác dụng phụ của phương pháp cấy chỉ

    • Cấy chỉ là một phương pháp điều trị đã được áp dụng tại Việt Nam từ những thập niên 70, và cho đên nay cấy chỉ đã đang được áp dụng điều trị hiệu quả rất nhiều mặt bệnh trên lâm sàng. Ngoài chi phí cho quá trình điều trị rẻ phù hợp với điều kiện bệnh nhân Việt Nam, thì còn tiết kiệm được thời gian đến viện cho bệnh nhân, tiết kiệm được chi phí xã hội. Cho đến nay phương pháp cấy chỉ đã được cải tiến rất nhiều về kỹ thuật cấy và công thức huyệt đã đem lại hiệu quả cao trên lâm sàng đồng thời ít gặp tác dụng phụ trên lâm sàng.
    • Trong nghiên cứu của chúng tôi, sau 2 lần cấy chỉ thì chưa gặp một trường hợp bệnh nhân nào bị tác dụng phụ của cấy chỉ như là đau, nhiễm trùng, dị ứng với chỉ catgut…
  • Bàn luận chung

    • Sử dụng bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh kết hợp phương pháp Cấy chỉ Catgut là một phương pháp điều trị phối hợp dựa trên ưu thế điều trị giảm đau của phương Cấy chỉ cùng việc điều trị nguyên nhân (theo YHCT) của bài thuốc. Đây là phương pháp điều trị có hiệu quả, tiết kiệm được thời gian nằm viện và chi phí cho người bệnh, đồng thời là một phương pháp điều trị đơn giản và an toàn nên có thể áp dụng rộng rãi ở nhưng tuyến cơ sở nơi mà điều kiện y tế cón thiếu thốn [2].

IV. KẾT LUẬN

 

  1. Phương pháp kết hợp Cấy chỉ catgut với uống Độc hoạt tang ký sinh là phương pháp đem lại hiệu quả khả quan trong điều trị thoái hóa khớp gối:
    • VAS: từ 6,47 ± 1,22 trước điều trị giảm xuống còn 1,13 ± 1,22 sau điều trị;
    • Chỉ số Lequesne: từ 14,45 ± 2,85 trước điều trị giảm xuống còn 2,52 ± 1,61 sau điều trị;
    • Tầm vận động khớp: từ 113,33º ± 14,16º trước điều trị tăng lên 137º ± 9,06º sau điều trị.
    • Sự khác biệt này, có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
  2. Trong thời gian theo dõi 30 ngày, chưa nhận thấy các dấu hiệu bất thường nào của phương pháp.
     

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Trần Ngọc Ân (2004), “Hư khớp”, Bệnh học nội khoa tập II, NXB Y học, 
  2. Nguyến Thị Bích Đào (2001)  Nghiên cứu tác dụng của phương pháp cấy chỉ catgut vào huyệt lên một số sinh học và lâm sàng của bệnh nhân sau phẫu thuật trĩ , Luận văn thạc sỹ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội, tr 21- 25, 29.
  3. Đặng Hồng Hoa (2001),  Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh hư khớp gối, Luận văn thạc sỹ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội, tr 1 - 5 - 17 - 28.
  4. Học Viện Y Học Cổ Truyền Trung Quốc (2000), “Những quy tắc chon huyệt trong châm cứu”, Châm cứu học Trung Quốc, NXB Y học, tr  206 - 213.
  5. Lê Thúy Oanh (2010),  Cấy chỉ, NXB Y học, tr  43 - 45, 190 - 191.
  6. Lequesne M (1985), Athrose de la hanche et du Genou, Criteres de diagnostic, indices de mesure de la doubecr de la function et du re’sultats therapeutique osteoarthritis, p 39 - 43. 

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam