Đánh giá kết hợp điện châm phục hồi chức năng bệnh nhân liệt nửa người

liệt nửa người

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Tai biến mạch máu não (TBMMN) là vấn đề luôn được quan tâm của y học các nước từ xưa đến nay. TBMMN thường xảy ra với những người trên 50 tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới tỷ lệ tử vong của TBMMN đứng hàng thứ 3 sau tim mạch và ung thư [1], là nguyên nhân gây nhiều di chứng, tàn phế cho người bệnh.
Nhờ những thành tựu của khoa học, sự kết hợp chặt chẽ giữa hai chuyên ngành tim mạch và hồi sức đã cứu sống được rất nhiều bệnh nhân nặng, nhưng khi họ qua cơn hiểm nghèo thì phải đối mặt với nhiều di chứng, tàn phế, gần 2/3 số bệnh nhân sống sót sau Tai biến mạch máu não bị thiếu hụt về chức năng thần kinh một cách trầm trọng [2], Tổ chức Y tế Thế giới thống kê có từ 1/4 đến 2/3 người bệnh sau Tai biến mạch máu não trở thành tàn tật vĩnh viễn [4]. Theo Trần Văn Chương và Nguyễn Xuân Nghiên kết quả khi phục hồi chức năng liệt do nhồi máu não nhận thấy 85% bệnh nhân hồi phục tốt trước 1 tháng, 81% trước 6 tháng và 61 % sau 6 tháng [3].
Ngày nay việc kết hợp phục hồi chức năng và y học cổ truyền (YHCT) ngày một chặt chẽ hơn trong nhiều mặt bệnh và phương pháp điện châm điều trị di chứng Tai biến mạch máu não đã được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi bởi Nguyễn Tài Thu, Trần Thúy [5]. Mục tiêu:

  1. Đánh giá hiệu quả kết hợp điện châm và phục hồi chức năng chi trên ở bệnh nhân nhồi máu não sau giai đoạn cấp.
  2. Nhận xét những tác dụng không mong muốn của phương pháp


II. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

  • Nghiên cứu 70 bệnh nhân được chẩn đoán là tai biến mạch máu não sau giai đoạn cấp, có hình ảnh nhồi máu não trên phim MRI, sau khi được khám, đánh giá có giảm chức năng chi trên bên liệt đang được điều trị tại bệnh viện Lão khoa trung ương và Trung tâm phục hồi chức năng bệnh viện Bạch Mai từ 10/2015 đến 9/2016.

III. BÀN LUẬN


3.1. Kết quả nghiên cứu hiệu quả phục hồi vận động tay

  • Khi vào viện trung bình điểm MAS hai nhóm chỉ là 0,6. Tỷ lệ mức 0 là nhiều nhất 40 BN (57,1%) không có mức 4, sau 30 ngày tỷ lệ mức 2 tăng từ 7 lên đến 34 BN (48,6%) và không còn mức 0. Theo dõi sau 90 ngày thấy chức năng hoạt vận động tay lên được mức 5 có 3 BN (4,3%), mức 6 có 4 BN (5,7%), nhiều nhất là mức 3 với 30 BN (37,1%). So sánh trung bình hai nhóm thấy khởi đầu đều là 0,6 sau  nhóm nghiên cứu tăng lên 2,2 ở thời điểm 1 tháng và 3,4 sau 3 tháng, ở nhóm nghiên cứu tương ứng là 1,8 và 2,8 điều này cho thấy có sự tiến bộ về vận động tay ở hai nhóm, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ liệt nặng chi trên của bệnh nhân nghiên cứu là rất cao, mức 0 lên đến 57,1%.
  • Tác giả Nguyễn Thị Kim Liên khi nghiên cứu trên 116 bệnh nhân cả nhồi máu và xuất huyết não cũng có tỷ lệ mức 0 là 56,0% [6], tỷ lệ liệt nặng chi trên có thể lên đến 86,2% theo một nghiên cứu của Jorgenson. Kết quả của sự tiến bộ về vận động tay ở cả hai nhóm là do chỉ nghiên cứu trên nhóm nhồi máu não đã sàng lọc qua thang điểm Fugl – Meyer Arm Test, bệnh nhân được châm cứu và tập PHCN từ ngay những ngày đầu sau giai đoạn cấp.
  • Bệnh nhân trong nghiên cứu chỉ sử dụng phương pháp điện châm mà không dùng thuốc y học cổ truyền, Chọn phương huyệt thường dùng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não có tác dụng cân bằng âm dương, hành khí hoạt huyết theo lí luận y học cổ truyền, ngoài ra điện châm có kích thích điện với cường độ và tần số hợp lý với người bệnh để tăng cường hiệu quả sau khi đã châm kim đắc khí, điện châm vì vậy tăng cường dinh dưỡng cơ, cải thiện tuần hoàn cục bộ vì vậy hệ thần kinh, vận động và mạch ngoại vi vùng vai, tay đều được hồi phục tốt hơn sau tai biến và sau quá trình giảm hoạt động vai, tay.  

3.2. Kết quả nghiên cứu hiệu quả phục hồi vận động bàn tay

  • Sau 1 tháng và 3 tháng tỷ lệ mức 2 và mức 3 cũng cải thiện giống như vận động tay với mức 2 khi 1 tháng là 48,6%, mức 3 khi 3 tháng là 37,1%, mức 5 xuất hiện với 4,3% và mức 6 là 5,7%, tỷ lệ hai nhóm 5; 6 là thấp hơn so với những nghiên cứu phục hồi chức năng với gương của tác giả Yavuzer (2008) hay Vũ Thị Tâm (2015), nghiên cứu của Trần Việt Hà (2013) với chương trình GRASP cũng cho kết quả phục hồi cử động bàn tay tốt hơn [7]. So sánh trung bình hai nhóm thấy sau 1 tháng nhóm nghiên cứu là 2,1 so với nhóm chứng 1,7 sự khác nhau có ý nghĩa thống kê. Tại thời điểm tháng thứ 3 hai nhóm không thấy có sự khác nhau về mức độ cải thiện cử động bàn tay với p>0,05, do tháng thứ 1 đến tháng thứ 3 bệnh nhân vẫn được hướng dẫn tập PHCN nhưng không điện châm và cũng là giai đoạn phát sinh những rối loạn về cảm giác đau, co cứng các khớp. 


3.3. Kết quả nghiên cứu hiệu quả phục hồi khéo léo bàn tay 

  • Có sự cải thiện mức độ khéo léo bàn tay bên liệt ở cả hai nhóm, nhóm nghiên cứu là 0,2 khi vào viện, 0,5 sau 1 tháng và 0,8 sau 3 tháng, tương ứng nhóm chứng là 0,1; 0,4; 0,8 (p>0,05). Sự khác biệt giữa hai nhóm không có ý nghĩa thống kê.
  • Điện châm tại vùng bàn tay và cả chi trên bên liệt không tác dụng lên những vùng phối hợp vận động trên vỏ não, đồng thời việc tăng dinh dưỡng bàn tay khi điện châm chưa chứng tỏ tác dụng phục hồi khả năng khéo léo bàn tay. Sự khéo léo bàn tay là rất khó hồi phục, như nghiên cứu trên 116 bênh nhân của Nguyễn Thị Kim Liên (2011) cũng chỉ ra rằng mặc dù sau 6 tháng mức 0 vẫn hơn 50% và mức phục hồi cao nhất là mức 3, nghiên cứu với gương của Vũ Thị Tâm lại cho kết quả tốt hơn khi số bệnh nhân có mức khéo léo bàn tay 4 và 5 là 26,7%, đặc biệt khi dùng chương trình GRASP tỷ lệ mức 4,5 là 73,3% và 23,3% ở mức 6, ngoài ra theo những nghiên cứu lớn trên thế giới của Carr.J.H (1985) và Butefisch (1995) sau thời gian 1 năm theo dõi, chức năng khéo léo bàn tay mức 6 có thể lên tới 52%. Những so sánh nêu trên cho thấy kết quả phục hồi chức năng khéo léo bàn tay cần những phương thức tác động lên cơ chế điều khiển phức tạp của vỏ não, có thể đưa ra những hình ảnh hay lặp đi lặp lại những động tác, bài tập cụ thể hoặc mong chờ những phương pháp tăng cường thực tế ảo đang ngày càng được áp dụng nhiều trong lĩnh vực phục hồi chức năng vận động [8].

IV. KẾT LUẬN

  1. Hiệu quả phục hồi chức năng chi trên bên liệt nhóm kết hợp điện châm có cải thiện rõ rệt so với nhóm chứng.
  2. Chức năng vận động tay liệt tăng rõ rệt sau 1, 3 tháng với độ tin cậy trên 95% (p<0,05).
  3. Chức năng bàn tay được cải thiện rõ sau 1 tháng với sự khác biệt P<0,05, sau 3 tháng chưa thấy sự khác biệt so với nhóm chứng với p>0,05.
  4. Hoạt động khéo léo bàn tay có sự khác biệt so với nhóm chứng không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.
  5. Chưa thấy tác dụng không mong muốn khi kết hợp điện châm và phục hồi chức năng trong quá trình điều trị  

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam