Đánh giá sự biến đổi tức thì của các chỉ số sinh học của huyệt nguyên sau điện châm huyệt Túc tam lý

Huyệt Túc tam lý

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ 


 
Trong những năm gần đây, có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của điện châm lên cơ thể cũng như sự biến đổi điện sinh học tại huyệt.  Các tác giả khẳng định điện châm kích thích vào huyệt sẽ hoạt hoá các cấu trúc tại huyệt, làm xuất hiện một điện thế hoạt động tại huyệt và tạo ra các xung động. Chính sự hoạt hoá các thành phần cấu trúc tại huyệt đã làm cho huyệt càng trở thành những điểm sinh học có hoạt tính cao.Theo Y học cổ truyền, châm cứu có tác dụng “điều khí” nhằm điều hoà hoạt động của hệ kinh lạc, tạng phủ. Huyệt Nguyên là nơi nguyên khí dừng lại trên bản kinh, hay nói cách khác là nó đại diện cho cơ năng hoạt động của kinh lạc. Vì vậy, vấn đề đặt ra là có thể thông qua sự biến đổi một số đặc điểm sinh học của các huyệt Nguyên sau điện châm để đánh giá hoạt động của 12 đường kinh chính và xa hơn nữa là tạng phủ. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành đề tài này với mục tiêu:

  • Đánh giá sự biến đổi tức thì về nhiệt độ, điện trở và cường độ dòng điện tại 12 cặp huyệt nguyên sau điện châm huyệt túc tam lý.                                               

 
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 

  • 2.1. Đối tượng nghiên cứu:

    • Gồm 60 người tuổi từ 21- 25 khoẻ mạnh, bình thường, không mắc các bệnh cấp tính và mạn tính, được chia hai nhóm: 30 nam và 30 nữ. 
  • 2.2. Phương pháp nghiên cứu:

    • Cỡ mẫu : 60 người
    • Chỉ tiêu nghiên cứu
      • Nhiệt độ, điện trở, cường độ dòng điện tại 12 cặp huyệt Nguyên: Hợp cốc, Dương trì, Uyển cốt, Thái uyên, Đại lăng, Thần môn, Xung dương, Khâu khư, Kinh cốt,Thái bạch,Thái xung, Thái khê.
      • Đo trước và ngay sau 30 phút điện châm
    • Phương tiện nghiên cứu
      • Máy đo nhiệt độ Thermometer, máy đo điện trở Neurometer và máy đo cường độ dòng điện Neurometer.
      • Phòng đo: Có nhiệt độ khoảng 27 - 280C và độ ẩm là 60 - 80%.Thời gian đo nhiệt độ từ 8 giờ đến 10 giờ 30'
    • Tiến hành nghiên cứu
      • Các đối tượng nằm nghỉ tại phòng trước khi đo. 
      • Xác định huyệt: Huyệt được xác định theo phương pháp Y học cổ truyền sau đó dùng máy dò huyệt để xác định lại vị trí huyệt (theo nguyên lý: Huyệt là nơi có cường độ dòng điện cao hơn hẳn so với vùng da xung quanh).
      • Đo cường độ dòng điện, điện trở, nhiệt độ qua da tại 12 cặp huyệt Nguyên bằng máy Neurometter. Cách đo: Đặt đầu đo vào vị trí huyệt cần đo, đầu dò chỉ chạm nhẹ vào da vùng huyệt, đọc kết quả khi kim đồng hồ ngừng dao động.
      • Kỹ thuật châm và điện châm: Đối tượng nghiên cứu nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng. Châm huyệt túc tam lý, vừa tiến, vừa vê kim sâu khoảng 2-3 cm ở cả hai chân, đến khi đạt được cảm giác “đắc khí” thì nối các dây của máy điện châm vào đốc kim. Kích thích điện với tần số 3 Hz, điện thế 4 volt, cường độ kích thích 15 μA. Thời gian lưu kim là 30 phút.
    • Phương pháp đánh giá kết quả

      • So sánh nhiệt độ, điện trở da, cường độ dòng điện qua da tại 12 cặp huyệt nguyên trước và sau điện châm

III. BÀN LUẬN

 

  • Trong các Y văn cổ có ghi: “điều quan trọng của châm là khí phải đến, khí đến mới có tác dụng, châm mà khí chưa đến thì phải tiếp tục kích thích”. Một trong những biểu hiện bên ngoài của khí đến là “Đắc khí” và “Dẫn khí”, nếu chưa đạt được Đắc khí thì phải làm một số thủ pháp để “Đợi khí” và “Thúc khí”, khí đến phải “Giữ khí”. Như vậy, cơ chế tác dụng của châm là điều khí có nghĩa là châm cứu có tác dụng đưa khí đến những nơi bất túc và đẩy khí ra khỏi nơi hữu dư làm khí huyết được điều hoà thông suốt trong kinh mạch không nơi nào không đến. Khí thuộc dương thuộc nhiệt cho nên dương khí đi đến đâu sẽ làm ôn ấm kinh mạch đến đó, điều đó nói lên tại sao ngay sau châm 30 phút nhiệt độ tại các huyệt Nguyên đều tăng lên so với trước châm. Mặt khác khí có đặc tính động, hay phát tán ra ngoài, do vậy sau châm, khí thông suốt và sung mãn trong các đường kinh và được biểu hiện ra ở các huyệt dặc biệt là huyệt Nguyên là huyệt đại diện cho khí của đường kinh tương ứng. Kết quả là cơ năng hoạt động của các huyệt Nguyên tăng lên, điện trở da giảm xuống, ngược lại cường độ dòng điện qua da tăng lên tại 12 cặp huyệt Nguyên. 
  •  Theo Y học hiện đại, khi tác động vào huyệt bằng điện châm, tại huyệt bị kích thích sẽ hoạt hoá các cấu trúc mạng lưới quanh mạch, các tế bào mast giải phóng ra các chất hoá học có đặc tính sinh học cao như Serotonin, heparin v.v. tạo ra điện thế hoạt động, điện thế hoạt động này sẽ tạo ra luồng xung động lan truyền về hệ thần kinh trung ương, hoạt hoá những trung tâm đáp ứng. Các xung động mới phát sinh từ đấy theo luồng ly tâm đến các cơ quan trong cơ thể nằm dưới sự chi phối của hệ thần kinh- thể dịch, trong đó có hệ thần kinh thực vật mà chủ yếu là hệ thần kinh giao cảm [2], làm tăng lưu lượng máu tới các nơi trong đó có huyệt bị kích thích cũng như  các huyệt khác, làm tăng quá trình trao đổi chất tại huyệt dẫn đến nhiệt độ tăng lên, điện trở giảm xuống và cường độ dòng điện qua huyệt tăng lên. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của một số tác giả khác .

IV. KẾT LUẬN

 

  1. Điện châm làm tăng nhiệt độ và tăng cường độ dòng điện qua da tại 12 cặp Huyệt Nguyên, cụ thể là: Ngay sau 30 phút điện châm huyệt túc tam lý, nhiệt độ và cường độ dòng điện qua da tại 12 cặp huyệt Nguyên cao hơn, còn điện trở da thấp hơn so với trước điện châm (p < 0,001)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ  Y tế, chương trình quốc gia Y học cổ truyền (1996), Tài liệu nghiên cứu biên dịch về linh khu, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 7-10, 38-48, 51-59, 93-96.
  2. Trịnh Hùng Cường (2001), "Sinh lý hệ thần kinh", Sinh lý học tập II, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 261-279.
  3. Bùi Mỹ Hạnh, Phạm Thị Minh Đức (2003), Nghiên cứu đặc điểm huyệt Nội quan và ảnh hưởng của điện châm huyệt này lên một số chỉ số sinh học, Luận án tiến sĩ Y học, Trường đại học Y Hà Nội. 
  4. Hoàng Khánh Hằng, Phạm Thị Minh Đức (2001), Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học huyệt Hợp cốc và một số chỉ số sinh học khi điện châm huyệt này, Luận án tiến sĩ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội. 
  5. Trường đại học Y Hà Nội, bộ môn YHCT (1999), Y học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr 784- 987.
  6. Wen S. (1998), An approach to invesgate the relationship  between peripheral nerve networrk and essence of jingluo, The fifth World conference on acupuncture - program abstracts, p. 233 - 234

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam