Đánh giá hiệu quả điều trị viêm quanh khớp vai đơn thuần bằng thuốc đông y, châm vứu và vận động

viêm quanh khớp vai

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


Viêm quanh khớp vai (VQKV) là một bệnh khớp gặp khá phổ biến ở nước ta. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên nhưng biểu hiện trên lâm sàng thường là đau và hạn chế vận động khớp vai, các triệu chứng này gây ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt của người bệnh. [1] [2] 
Để điều trị viêm quan khớp vai, tới nay y học hiện đại còn gặp nhiều khó khăn nhất là khi nguyên nhân chưa rõ. Mặt khác, các thuốc chống viêm giảm đau của y học hiện đại như (indomethacine, corticoid, và các dẫn xuất…) thường có tác dụng phụ như viêm loét và xuất huyết dạ dày- tá tràng, giảm sức đề kháng của cơ thể, cũng như còn nhiều chống chỉ định khác… mà một số lượng lớn bệnh nhân không dùng được nó hoặc không thể dùng dài ngày được [2].
Theo y học cổ truyền, bệnh viêm quanh khớp vai thuộc phạm vi chứng kiên tý. Để điều trị bệnh này, ông cha ta đã có nhiều phương pháp khác nhau như: châm cứu, giác lửa, xoa bóp bấm huyệt, dùng thuốc sắc uống....[4]. Trên thực tế điều trị lâm sàng, chúng tôi nhận thấy bài thuốc “ Quyên tý thang” đã được sử dụng nhiều trên lâm sàng và có hiệu quả tốt trong điều trị viêm quanh khớp vai. Tuy nhiên, chưa có tác giả nào nghiên cứu phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai bằng bài thuốc “Quyên tý thang” kết hợp điện châm và tập vận động trị liệu. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu nhằm hai mục tiêu:

  1. Đánh giá hiệu quả điều trị viêm quanh khớp vai thể đơn thuần của bài thuốc “Quyên tý thang” kết hợp điện châm và vận động trị liệu.
  2. Đánh giá tác dụng không mong muốn của phương pháp trên lâm sàng và một số chỉ số cận lâm sàng.

II. CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1. Chất liệu nghiên cứu 

    • Thành phần bài thuốc nghiên cứu:
      • Khương hoạt 8g
      • Khương hoàng 12g
      • Gừng 4 lát
      • Phòng phong 8g
      • Xích thược 12g
      • Đại táo 3 quả    
      • Hoàng kỳ 12g
      • Đương quy 12g
      • Trích Cam thảo 4g
    • Tác dụng của bài thuốc: hành khí hoạt huyết, khứ ứ thông lạc, thông tý chỉ thống.
    • Dạng thuốc sử dụng trên lâm sàng: thuốc sắc. Thuốc được sắc cô bằng máy sắc tự động của Hàn Quốc, 1 thang sắc đóng làm 02 túi (thể tích  mỗi túi là 150ml), ngày uống 2 lần, mỗi lần một túi, uống sau bữa ăn.
    • Thời gian dùng thuốc: 20 ngày. 
    • Nơi sản xuất: Khoa Dược Bệnh viện YHCT Bộ Công an.
    • Công thức huyệt điều trị:
      • Hợp cốc
      • Khúc trì
      • Kiên ngung
      • Kiên liêu
      • Kiên trinh
      • Kiên tỉnh
      • Thiên tông
      • Dương lăng tuyền
      • Tam âm giao.
  • 2.2. Đối tượng nghiên cứu

    • 2.2.1. Đối tượng
      • Đối tượng nghiên cứu gồm 60 bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng viêm quanh khớp vai thể đau vai đơn thuần, điều trị nội trú và ngoại trú tại Khoa Châm cứu - Vật lý trị liệu bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an.
    • 2.2.2. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHHĐ 
      •  Bệnh nhân được chẩn đoán theo tiêu chuẩn chẩn đoán viêm quanh khớp vai thể đơn thuần theo Trần Ngọc Ân [1] và theo tiêu chuẩn của Boisser (1992) [3].
      • Đau vai ở các mức độ khác nhau.    
      • Hạn chế vận động khớp vai với nhiều mức độ từ ít đến nhiều.
      • Bệnh nhân trên 18 tuổi.
      • Đồng ý tham gia nghiên cứu
      • Cận lâm sàng: X-Quang khớp vai  quy ước không phát hiện tổn thương hoặc có thể có can xi hoá dây chằng bao khớp, loãng xương, gai xương.
    • 2.2.3. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHCT
      • Chọn bệnh nhân được chẩn đoán bệnh danh “kiên tý” thể “kiên thống”.
    • 2.2.4 . Tiêu chuẩn loại bệnh nhân khỏi diện nghiên cứu
      • Viêm quanh khớp vai thể giả liệt, hội chứng Sudeck, thể viêm gân do lắng đọng Canxi.
      • Bệnh nhân bị Viêm quanh khớp vai do U phổi, thiểu năng vành, sau nhồi máu cơ tim, u vú; viêm quanh khớp vai trong viêm đa khớp dạng thấp
      • Phụ nữ có thai.
      • Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.
  • 2.3. Phương pháp nghiên cứu

    • 2.3.1. Thiết kế nghiên cứu      
      •  Sử dụng phư¬ơng pháp nghiên cứu tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, so sánh trước và sau điều trị, so sánh giữa hai nhóm.
      • Cỡ mẫu nghiên cứu: 60 bệnh nhân. Bệnh nhân được chia thành 2 nhóm (nhóm nghiên cứu và nhóm chứng) theo phương pháp ghép cặp. Nhóm nghiên cứu (NC): điều trị bằng ”Quyên tý thang” kết hợp điện châm và vận động trị liệu. Nhóm chứng (C): điều trị bằng điện châm kết hợp vận động trị liệu. Liệu trình điều trị: 20 ngày liên tục.
    • 2.3.2. Tiến hành:
      • Nhóm nghiên cứu: Bài thuốc Quyên tý thang: sắc đóng túi cao lỏng 150 ml, uống ngày 2 túi chia sáng chiều. Điện châm: kích thích điện với tần số: 3 – 4Hz/s (nhịp kích thích 180 – 240 lần/phút). Thời gian: 20 phút. Liệu trình: 20 phút/lần x 1 lần/ngày x 20 ngày. Tập vận động trị liệu: Gấp và duỗi, dạng và khép, xoay khớp vai vào trong và ra ngoài: ngày 01 lần, mỗi lần 15 phút.
      • Nhóm đối chứng: Điều trị điện châm kết hợp vận động trị liệu. Điện châm và vận động trị liệu: giống nhóm nghiên cứu.
    • 2.3.3. Chỉ tiêu theo dõi:
      • Tình trạng đau khớp vai.
      • Chức năng khớp vai.

III. BÀN LUẬN

 

  • Đánh giá kết quả điều trị dựa trên triệu chứng đau. 

    • Kết quả ở bảng 3.1 cho thấy: mức độ giảm đau ở nhóm nghiên cứu có dùng thuốc “Quyên tý thang” cao hơn hẳn so với nhóm chứng, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Ở nhóm nghiên cứu và nhóm đối chứng đều dùng phương pháp điều trị nền là điện châm kết hợp tập vận động. Vì vậy, sự chênh lệch về tác dụng giảm đau giữa hai nhóm là do kết quả điều trị của bài thuốc Quyên tý thang. Theo chúng tôi, dở dĩ có kết quả như trên là do bài thuốc “Quyên tý thang” có tác dụng là hành khí hoạt huyết, khứ ứ thông lạc, thông tý và chỉ thống. Thành phần của bài thuốc này bao gồm khương hoạt, khương hoàng, sinh khương, phòng phong, đương quy, đại táo, xích thược, trích cam thảo, hoàng kỳ là những vị đã được thấy là có tác dụng giảm đau chống viêm mạnh trên thực nghiệm [7], [8] 
  • Các hoạt động hàng ngày

    • Sau 20 ngày điều trị, điểm số hoạt động hàng ngày của nhóm nghiên cứu (dùng thuốc Quyên tý thang) tăng từ 6,67±2,43 lên 18,53±2,03 ; điểm của nhóm chứng tăng từ 8,47±1,25 lên 17,07± 1,26. Như vậy, điểm hoạt động hàng ngày của nhóm nghiên cứu cao hơn hẳn so với nhóm chứng, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
  • Lực của khớp vai

    • Kết quả cho thấy sau 20 ngày điều trị điểm trung bình của nhóm nghiên cứu cao hơn hẳn so với nhóm chứng, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Theo chúng tôi, sự kết hợp của tác dụng bài thuốc Quyên tý thang với điện châm và vận động trị liệu đã làm cho tình trạng đau của khớp vai được giảm bớt, tầm vận động của khớp vai được gia tăng, các cơ và tổ chức phần mềm quanh khớp được tác động nhiều, từ đó lực của khớp vai được tăng lên.                  
  • Kết quả điều trị chung

    • Hiệu quả điều trị ở nhóm điều trị bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu – phục hồi chức năng cao hơn nhóm điều trị bằng điện châm kết hợp vật lý trị liệu. KQ cho thấy: Sau 20 ngày điều trị, hiệu quả điều trị ở nhóm nghiên cứu: mức độ rất tốt đạt 36,7%; tốt 33,3%; khá 23,3% (rất tốt + tốt + khá = 93,3%). Ở nhóm chứng: mức độ rất tốt đạt 3,3%; tốt 30% (rất tốt + tốt + khá = 66,6%). Nhận thấy kết quả điều trị của nhóm NC là cao hơn rõ rệt so với nhóm chứng. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
  • Tác dụng không mong muốn:

    • Trên lâm sàng: chưa thấy có tác dụng không mong muốn. Sau điều trị số bệnh nhân bị buồn nôn là 1 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 3,33%; đi ngoài phân lỏng 1 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 3,33%; ngoài ra không có triệu chứng ngoài ý muốn nào khác xuất hiện trong thời gian nghiên cứu. 
    • Trên cận lâm sàng: sau 20 ngày uống thuốc liên tục, liều 1 thang/ngày (sắc cô đóng túi), Quyên Tý Thang không ảnh hưởng đến các cơ quan tạo máu cũng như chức năng gan, thận của các bệnh nhân viêm quanh khớp vai.

IV. KẾT LUẬN

 

  1. Bài thuốc Quyên tý thang kết hợp điện châm và vận động trị liệu có tác dụng tốt trong điều trị viêm quanh khớp vai thể đơn thuần.
  2. Trên lâm sàng và cận lâm sàng: Không tìm thấy tác dụng không mong muốn của bài thuốc “Quyên tý thang”.

 
Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam