Đánh giá hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp điện châm, xoa bóp kết hợp vật lý trị liệu

Thoát vị đĩa đệm

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ


 
Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống thắt lưng (CSTL) là một bệnh lý rất thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi 20 – 50. Theo thống kê, thoát vị đĩa đệm  chiếm  tỷ lệ  khoảng 63% - 73% tổng số đau cột sống thắt lưng và 72% trường hợp đau thần kinh hông là do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng [2]. 
Về điều trị thoát vị đĩa đệm, có nhiều phương pháp khác nhau như điều trị nội khoa, ngoại khoa, y học cổ truyền, vật lý trị liệu… với những tính chất ưu việt riêng của mỗi phương pháp. Với những đặc thù nghề nghiệp, tỉ lệ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng trong cán bộ chiến sỹ công an nhân dân tương đối cao.
Để góp phần nâng cao chất lượng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cho cán bộ chiến sỹ, đồng thời phát huy tính ưu việt trong việc phối hợp  y học cổ truyền và vật lý trị liệu, nghiên cứu tiến hành nhằm mục tiêu: 

  1. Đánh giá tác dụng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp điện châm, xoa bóp kết hợp vật lý trị liệu.
  2. Tìm hiểu tác dụng không mong muốn của phương pháp điện châm, xoa bóp kết hợp vật lý trị liệu trên lâm sàng.

 
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

  • 2.1. Đối tượng nghiên cứu 

    • Bao gồm 60 bệnh nhân được chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, điều trị nội trú tại khoa Châm cứu - Vật lý trị liệu Bệnh viện YHCT Bộ Công an từ tháng 7/2006 tới tháng 10/2007.
    • 2.1.1 Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHHĐ
      • Tuổi từ 20 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính. 
      • Được chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm cột sống thắt l¬ưng theo tiêu chuẩn lâm sàng của Saporta và Ngô Thanh Hồi (1995): Bệnh nhân có từ  trên 4/6 triệu chứng sau đây có thể chẩn đoán là thoát vị đĩa đệm:
        • Có yếu tố chấn thương, vi chấn thương.
        • Đau rễ thần kinh hông có tính chất cơ học.
        • Có tư thế chống đau.       
        • Có dấu hiệu bấm chuông.
        • Dấu hiệu Lasègue (+).
        • Có dấu hiệu gãy góc cột sống (Dèjèrine).
        • Chụp cắt lớp vi tính hoặc MRI cột sống thắt lưng thấy có hình ảnh thoát vị đĩa đệm.
      • Tự nguyện tham gia nghiên cứu, tuân thủ nguyên tắc điều trị.
    • 2.1.2. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo y học cổ truyền: Chọn bệnh nhân được chẩn đoán bệnh danh là yêu thống - yêu cước thống thể can thận hư và thể huyết ứ.
    • 2.1.3. Tiêu chuẩn loại trừ
      • Tất cả các nguyên nhân gây đau thắt lưng, đau thần kinh hông to không do thoát vị đĩa đệm.
      • Thoát vị đĩa đệm có kèm theo nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.
      • Bệnh nhân trên 60 tuổi có thưa xương, loãng xương.
      • Thoát vị đĩa đệm mức độ nặng.
      • Bệnh nhân không tự nguyện tham gia nghiên cứu, không tuân thủ nguyên tắc điều trị.
  • 2.2. Phương pháp nghiên cứu

    • 2.2.1. Thiết kế nghiên cứu
      • Sử dụng phương pháp nghiên cứu tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, so sánh trước và sau điều trị, so sánh giữa hai nhóm.
      • Cỡ mẫu nghiên cứu : 60 bệnh nhân.
    • 2.2.2. Phương pháp điều trị
      • Nhóm chứng: 30 bệnh nhân điều trị bằng phương pháp điện châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt.
      • Nhóm nghiên cứu: 30 bệnh nhân điều trị bằng phương pháp điện châm, xoa bóp bấm huyệt kết hợp vật lý trị liệu.
      • Điều trị phối hợp điện châm, xoa bóp với vật lý trị liệu bao gồm: từ nhiệt và kéo giãn cột sống theo thứ tự điện châm xoa bóp trước, sau đó đến từ nhiệt và cuối cùng là kéo giãn cột sống.
      • Từ nhiệt: sử dụng máy từ nhiệt 2 kênh của ITO - JAPAN
      • Liệu trình 20 phút/ lần x 1 lần/ ngày x 30 ngày/ đợt điều trị.
      • Kéo giãn cột sống thắt lưng bằng máy kéo giãn cột sống TM - 300 của ITO - JAPAN
      • Liệu trình 15 phút/ lần x 1 lần/ ngày x 30 ngày/ đợt điều trị.
    • 2.2.3. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả điều trị
      • Bao gồm:
        • Tình trạng đau của thắt lưng và thần kinh hông to.
        • Đo độ giãn của cột sống thắt lưng (theo NP Schober).
        • Đánh giá mức độ giảm chèn ép rễ thần kinh hông (NP Lasègue). 
        • Tầm vận động của cột sống thắt lưng (gấp, duỗi, nghiêng bên lành, nghiêng bên bệnh, xoay bên lành, xoay bên bệnh).
        •  Các hoạt động chức năng sinh hoạt hàng ngày.
      • Thang điểm đánh giá kết quả:
        • Rất tốt = 4 điểm 
        • Tốt = 3 điểm
        • Trung bình = 2 điểm
        • Không kết quả = 1 điểm

III. BÀN LUẬN

 

  • Đặc điểm chung của nhóm bệnh nhân nghiên cứu

    • Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tương đồng về độ tuổi giữa hai nhóm chứng và nhóm nghiên cứu. Độ tuổi trung bình của nhóm chứng là 48.87 và của nhóm nghiên cứu là 46.80 (Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0.05). Ở nhóm chứng, nam giới chiếm tỷ lệ 76.7 % cao hơn so với nữ giới là 23.3 %. Tỷ lệ nam giới của nhóm nghiên cứu (70%) cũng cao hơn so với nữ giới. Sự khác biệt giữa nhóm chứng và nhóm nghiên cứu là không có ý nghĩa thống kê với p > 0.05. Kết quả  này là hoàn toàn phù hợp bởi vì nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện tại bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an, nơi mà tỷ lệ thu dung bệnh nhân nam luôn nhiều hơn nữ. Nhận thấy có sự tương đồng về mức độ thoát vị đĩa đệm giữa hai nhóm (p > 0.05). 
  • Đánh giá kết quả điều trị

    • Sau 30 ngày điều trị chúng tôi thấy cả hai nhóm nghiên cứu và đối chứng đều có sự cải thiện rõ rệt về kết quả điều trị chung. Nhóm chứng đạt kết quả: 16.7% rất tốt, 43.3% tốt, 40% trung bình và 0% không kết quả. Nhóm nghiên cứu đạt kết quả: 46.7% rất tốt, 46.7% tốt, 6.6% trung bình và 0% không kết quả. Kết quả của nhóm nghiên cứu (phối hợp điện châm, xoa bóp, từ nhiệt và kéo giãn cột sống) là cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng (điều trị điện châm xoa bóp đơn thuần), đặc biệt kết quả mức rất tốt của nhóm nghiên cứu chiếm tỷ lệ rất cao 46.7%. Sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê với p < 0.05.
    • Năm 2001, Lê Thị Kiều Hoa đã báo cáo luận văn thạc sỹ “Nghiên cứu hiệu quả phục hồi vận động ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng cùng bằng máy Eltrac 471” và đạt kết quả: 36.4% rất tốt, 42.4% tốt, 18.2% trung bình và 3% không kết quả [1]. So sánh với kết quả này, chúng tôi nhận thấy kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi là cao hơn. Điều này cho thấy tính hiệu quả của đa trị lỉệu, kết hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
  • Tác dụng không mong muốn

    • Kết quả cho thấy không có trường hợp nào biểu hiện tác dụng không mong muốn, điều này chứng minh cho tính an toàn của phương pháp điều trị.

IV. KẾT LUẬN

  1. Hiệu quả điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng của phương pháp điện châm, xoa bóp kết hợp vật lý trị liệu đạt: 46.7% rất tốt, 46.7% tốt, 6.6% trung bình và khi so sánh với nhóm chứng, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê  với p < 0.05.
  2. Trong quá trình điều trị, phương pháp này không gây tác dụng không mong muốn. 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Lê Thị Kiều Hoa (2001), Nghiên cứu hiệu quả phục hồi vận động ở bệnh nhân thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng - cùng bằng máy Eltrac 471, Luận văn thạc sỹ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
  2. Ngô Thanh Hồi (1995), Nghiên cứu giá trị các triệu chứng và tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, Luận án phó tiến sĩ khoa học y dược, Học viện Quân y.
  3. Hồ Hữu Lương (2001), Đau thắt lưng và Thoát vị đĩa đệm, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  4. Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Hà Nội (2002), Bài giảng YHCT tập II, Nhà xuất bản Y học, tr 155 - 157, 166 - 168, 491 - 493.
  5. B.Amor, M.Rvel, M.Dougados (1985), Traitment des conflits discogradiculaires par injection intradiscale daprotinine, Medecine et armees, pp 751 - 754.

 Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam