Điều trị đau thắt lưng bằng ngâm chân & xoa bóp bấm huyệt bàn chân

Ngâm chân tốt cho ngượi bị đau lưng

Tóm tắt nghiên cứu

I. Đặt Vấn đề

Đau thắt lưng là một bệnh lý rất thường gặp trong đời sống hàng ngày và trên lâm sàng. Bệnh gặp ở cả nam và nữ, ở các lứa tuổi, nhất là lứa tuổi lao động. Ở Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh đau thắt lưng hàng năm là 15-20%. Ở Việt Nam, đau xương khớp chiếm 20% các bệnh nhân đến bệnh viện khám, trong đó đau thắt lưng 31%. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó thoái hóa cột sống là một nguyên nhân quan trọng, tỷ lệ bệnh tăng theo tuổi, diễn biến kéo dài với những đợt cấp tính có khi rất nặng, gây ảnh hưởng tới lao động và sinh hoạt. Do đó, vấn đề điều trị đau thắt lưng do thoái hóa làm sao cho có hiệu quả tốt nhất đã và đang trở thành vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị được áp dụng từ y học cổ truyền tới y học hiện đại nhưng kết quả còn có những hạn chế, nhiều phương pháp áp dụng trên lâm sàng chưa đúc kết được.

Với mong muốn nghiên cứu tìm ra một phương pháp mới trong điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống một cách có hiệu quả, chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm mục tiêu: Đánh giá hiệu quả điều trị đau thắt lưng do thoái hóa cột sống của phương pháp xoa bóp bấm huyệt bàn chân kết hợp ngâm chân thuốc y học cổ truyền.

II. CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  • 2.1 Chất liệu nghiên cứu

    •    Bài thuốc ngâm chân: Xuyên khung 30g, Nhục quế 20g, Lá lốt 50g, Thiên niên kiện 30g. Tất cả tán thành bột mịn, đóng thành túi.Các vị thuốc đạt tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam 4.
  • 2.2. Đối tượng nghiên cứu

    • 2.2.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân

      • Theo YHHĐ: Bệnh nhân được chẩn đoán đau thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng tuổi từ 25-70. Đau và hạn chế vận động cột sống thắt lưng. Các chỉ số cận lâm sàng, công thức máu, tốc độ máu lắng bình thường.
      • Theo YHCT: Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh danh là “Yêu thống” thể thận hư.
  • 2.2.2. Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân

    • Theo Y học hiện đại: Bệnh nhân đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm, nhiễm khuẩn, K cột sống.   Bệnh nhân có bệnh lý da liễu ở bàn chân, chấn thương ngoại khoa, mắc các bệnh tim mạch, bệnh phổi cấp tính, HIV-AIDS. Bỏ điều trị trên 3 ngày. Điều trị bằng các phương pháp khác cùng thời điểm thực hiện nghiên cứu.
    • Theo Y học cổ truyền: “Yêu thống” không thuộc thể thận hư.
  • 2.3. Phương pháp nghiên cứu

    • Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp, thực nghiệm lâm sàng mở, so sánh kết quả trước và sau điều trị
    • Cỡ mẫu: 30 bệnh nhân.
  • 2.4. Các bước tiến hành

    • Bước 1: Ngâm chân thuốc YHCT trong 30 phút
    • Bước2: Xoa bóp bấm huyệt bàn chân cho bệnh nhân: Xoa, xát mu bàn chân, day huyệt, day vùng thận, bàng quang, can, đởm, xương cùng, khớp hông, cột sống thắt lưng tương ứng trên bàn chân,day bấm các vùng tuyến giáp trạng, tuyến giáp trạng bên, tuyến thượng thận tương ứng trên bàn chân.
    • Liệu trình: 1 lần/ngày x 15 ngày/đợt điều trị

III. KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ

  1. Sự thay đổi của tình trạng đau trước và sau điều trị: Mức độ đau được cải thiện rõ rệt: 33.3% bệnh nhân không còn đau sau điều trị. Điểm trung bình VAS giảm từ: 1,87 ± 0,626. Sự khác biệt trước và sau điều trị có ý nghĩa với p<0,05.
  2. Sự thay đổi của độ giãn CSTL: 70% bệnh nhân có độ giãn CSTL trở về giới hạn bình thường sự khác biệt với p < 0.05.
  3. Sự thay đổi tầm vận động CSTL trước và sau điều trị: 63.3% bệnh nhân đạt mức độ tốt, 36,7% bệnh nhân đạt loại khá. Sự khác biệt trước và sau điều trị có ý nghĩa với p<0,05
  4. Sự thay đổi về khả năng thực hiện các chức năng sinh hoạt trước và sau điều trị:56.7% bệnh nhân không còn hạn chế, không còn bệnh nhân hạn chế nặng sự khác biệt trước và sau điều trị với p<0,05
  5. Hiệu quả giảm đau và cải thiện vận động cột sống thắt lung 60% bệnh nhân trở về mức bình thường, 83,3% bệnh nhân phục hồi tốt và khá, chỉ còn 16.7% bệnh nhân phục hồi mức trung bình, không còn bệnh nhân nào ở tình trạng nặng. Sự khác biệt trước và sau điều trị có ý nghĩa với p<0,05
  6. Một số tác dụng khác của phương pháp: Giảm cảm giác tê, lạnh bàn chân, giảm số lần đi tiểu đêm xuống dưới 2 lần, cải thiện chất lượng giấc ngủ, không có biểu hiện kích ứng da.

IV. BÀN LUẬN

  1. Đau là triệu chứng thường gặp nhất trong các triệu chứng của đau thắt lưng gây ảnh hưởng tới người bệnh.Theo YHHĐ, có ba cơ chế gây đau thắt lưng là cơ chế hóa học, cơ chế cơ học và cơ chế thần kinh.
  2. Theo cơ chế hóa học, chất hóa học được giải phóng ra từ các tế bào viêm hoặc những tế bào của các tổ chức bị tổn thương, kích thích trực tiếp vào các mút thần kinh nhạy cảm như dây chằng sau, màng tủy, rễ thần kinh gây triệu chứng đau.
  3. Theo cơ chế cơ học, khi các bó sợi của dây chằng, bao khớp bị kéo căng sẽ làm hẹp, biến dạng các khoảng trống giữa các bó collagen làm các sợi thần kinh bị chèn ép gây đau. Theo cơ chế thần kinh, có sự liên quan giữa thần kinh cảm giác nội tạng với thần kinh tủy sống, khi một tạng trong ổ bụng bị tổn thương xuất hiện đau ở tạng đồng thời làm xuất hiện đau ở đoạn cột sống có vùng khoanh tủy chi phối. Theo y học cổ truyền, đau là có sự tắc nghẽn, không thông, có thể ở kinh lạc hoặc tạng phủ.
  4. Phương pháp xoa bóp bấm huyệt bàn chân kết hợp ngâm chân bằng thuốc y học cổ truyền thông qua tác động của bàn tay, ngón tay lên các huyệt vị, khu phản xạ ở bàn chân, kết hợp với tác dụng của nhiệt và dược liệu có tác dụng cải thiện tuần hoàn toàn thân, lưu thông huyết dịch, điều tiết công năng tạng phủ, thư cân hoạt lạc, trừ phong hàn thấp, từ đó có tác dụng giảm đau.
  5. Các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày như đi, ngồi, đứng, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động xã hội... là nhu cầu cơ bản của mỗi con người, kết quả trong nghiên cứu cải thiện khả năng hoạt động trong sinh hoạt cho các đối tượng chính là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Kết quả phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày là hệ quả của việc cải thiện tình trạng đau cũng như chức năng vận động của CSTL. Bệnh nhân có cải thiện tình trạng đau và chức năng vận động tốt thì khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mới cải thiện tốt lên được.
  6. Bàn chân là nơi nhạy cảm của cơ thể, là hình tượng thu nhỏ của cơ thể với các khu phản xạ thần kinh tương ứng các cơ quan bộ phận trong cơ thể. Ngoài ra còn có các huyệt vị theo đường kinh liên quan với các tạng phủ. Bài thuốc ngâm chân sử dụng 4 vị nhưng nó có tác dụng trên cả kinh lạc (Ôn thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết) và cả tạng phủ (Bổ thận). Như vậy khi kết hợp hai phương pháp điều trị này thì không chỉ có tác dụng tại chỗ mà còn có tác dụng toàn thân, tới các cơ quan bộ phận khác không chỉ có thận. Kết hợp xoa bóp bấm huyệt với ngâm chân trong nghiên cứu chứng tỏ thêm được một phương pháp điều trị giảm đau, giảm hạn chế vận động cột sống thắt lưng. Kết quả (bảng 3.1) cho thấy tỷ lệ bệnh nhân hết đau là 33,3% và 70% số bệnh nhân không còn hạn chế vận động cột sống thắt lưng (bảng 3.2; 3.3), và biểu đồ 1 với 83,3% bệnh nhân đạt loại khá tốt. Sự khác biệt có ý nghĩa với p<0,05.
  7. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy một số tác dụng khác của phương pháp có lợi cho bệnh nhân ngoài tác dụng chữa đau thắt lưng như cảm giác thoải mái, thư giãn, một số bệnh nhân cải thiện về chất lượng giấc ngủ, giảm tê lạnh bàn chân, giảm số lần đi tiểu đêm.
  8. Trong suốt thời gian nghiên cứu chúng tôi cũng không thấy có tác dụng không mong muốn nào của phương pháp nghiên cứu

V. KẾT LUẬN

  1. Qua nghiên cứu trên 60 bệnh nhân đau thắt lưng do thoái hóa cột sống bằng phương pháp xoa bóp bấm huyệt kết hợp ngâm thuốc chúng tôi rút ra kết luận sau:
  2. Phối hợp xoa bóp bấm huyệt bàn chân kết hợp ngâm chân thuốc YHCT có tác dụng cải thiện rõ rệt các triệu chứng lâm sàng của bệnh đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).
  3. Chưa phát hiện các tác dụng không mong muốn của phương pháp điều trị.

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam