Đánh giá giá tác dụng của phương pháp ấn huyệt Nhật bản Shiatsu trong điều trị đau thần kinh hông to do thoát vị đĩa đệm

Kéo dãn lưng

Tóm tắt nghiên cứu

I. ĐẶT VẤN ĐỀ 


Đau thần kinh hông to (TKHT) là bệnh rất phổ biến ở nước ta cũng như trên thế giới, gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động và sinh hoạt. Phương pháp day ấn huyệt kiểu Nhật Bản (Shiatsu) là phương pháp xoa bóp độc đáo, được áp dụng trong điều trị nhiều loại bệnh và chứng bệnh, đạt hiệu quả tốt trong điều trị các chứng đau cơ và dây thần kinh, trong đó có  đau dây thần kinh hông to. Nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu cụ thể là: Đánh giá hiệu quả điều trị của phương pháp xoa bóp Shiatsu trong điều trị đau thần kinh hông to do thoát vị đĩa đệm độ 1 và độ 2.


II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  • 2.1. Đối tượng nghiên cứu: 45 BN không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, được chẩn đoán xác định là đau TKHT do thoát vị đĩa đệm, được điều trị tại khoa Người có tuổi - Bệnh viện YHCT trung ương từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 10 năm 2012.
    • Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân: đau dây thần kinh hông to do thoát vị đĩa đệm loại nhẹ (độ 1 và 2) với các triệu chứng:
      • Đau vùng cột sống thắt lưng lan theo đường đi của dây thần kinh hông to.
      • Các dấu hiệu tổn thương cột sống: thay đổi hình dạng cột sống (vẹo cột sống, mất độ cong sinh lý), hạn chế vận động cột sống (dấu hiệu Schober (+) ≤13/10 cm), co cứng cơ cạnh cột sống.
      • Các dấu hiệu tổn thương rễ thần kinh thắt lưng-cùng: Dấu hiệu bấm chuông (+), các nghiệm pháp làm căng dây thần kinh gây đau (Lasègue (+), Bonet (+), Neri (+), rối loạn cảm giác theo dây, rễ thần kinh chi phối. Giảm hoặc mất phản xạ gân gót, rối loạn dinh dưỡng teo cơ cẳng chân.
      • Chụp MRI cột sống thắt lưng cùng: thoát vị đĩa đệm độ 1 và 2 (tương ứng mức độ phồng, lồi đĩa đệm).
    • Tiêu chuẩn loại trừ:
      • Các trường hợp đau do lao khớp háng, viêm khớp cùng chậu, ung thư, khối u chèn ép, các bệnh cơ, đau thần kinh hông to thể nặng teo cơ nhiều, hội chứng đuôi ngựa ...).
      • Các BN có kèm theo các bệnh nặng khác như xơ gan, suy tim, lao, hen, loãng xương nặng...
      • Các BN không hợp tác điều trị, BN không tuân thủ quy trình điều trị, bỏ điều trị ≥ 2 ngày.
  • 2.2. Phương pháp nghiên cứu: Thử nghiệm lâm sàng mở, so sánh trước sau điều trị.
  • 2.3. Tiến trình kỹ thuật Shiatsu: Có 2 kỹ thuật chủ yếu: ấn và kéo. Tư thế shiatsu đúng: Quỳ cạnh bệnh nhân, hai đầu gối cách xa nhau tạo điểm tựa vững chắc, tay thẳng để có thể ấn mạnh, hai tay phối hợp: một tay thực hiện thủ thuật (tay con), tay kia làm điểm tựa (tay mẹ).
    • Bước1: Shiatsu lưng:  dồn lực theo tư thế shiatsu kéo căng lưng theo đường chéo, kéo dãn cột sống vùng thắt lưng bằng cách bắt chéo hai tay và dồn lực theo tư thế Shiatsu, shiatsu các cơ và huyệt vùng lưng và thắt lưng.
    • Bước 2: Shiatsu hông và vùng cùng cụt.
    • Bước 3: Shiatsu mặt sau chân.
    • Bước 4: Shiatsu ngoài chân.
    • Bước 5: Shiatsu gan bàn chân.
    • Bước 6: Shiatsu vùng đan điền.
  • 2.4. Các chỉ tiêu theo dõi và đánh giá: Đánh giá cải thiện triệu chứng cơ năng dựa trên thang điểm Macnab:
    • Loại A (Rất tốt): Không đau, không hạn chế vận động và công việc.
    • Loại B (Tốt): Không bị đau lưng hoặc đau chân thường xuyên, còn ảnh hưởng đến khả năng làm việc bình thường hoặc các hoạt động giải trí.
    • Loại C (Trung bình): Cải thiện một phần chức năng nhưng còn đau từng cơn khiến BN phải giảm bớt công việc cũng như các hoạt động giải trí khác.
    • Loại D (Xấu): Không hoặc ít cải thiện tình trạng đau, có thể mức độ đau còn tăng lên, thậm chí đòi hỏi sự can thiệp của các phương pháp điều trị khác.


III. BÀN LUẬN:

 

  • Đau Thần kinh hông to được mô tả trong phạm vi “chứng Tý”, chứng “Tọa cốt phong” của Y học cổ truyền. Theo Y học cổ truyền đau là do khí huyết không được lưu thông bị ứ trệ mà gây ra “thống tắc bất thông, thông tắc bất thống”. Phương pháp Shiatsu sử dụng các động tác chậm, từ từ gia tăng áp lực để truyền năng lượng cho phần khí hư, bồi bổ kinh mạch hư, khí huyết sẽ không bị ứ trệ.
  • Hệ kinh mạch và huyệt là nơi tiếp nhận những kích thích từ bên ngoài cơ thể. Vì vậy khi tác động lên huyệt một lượng kích thích thích hợp có thể điều hòa được khí huyết, sơ thông được kinh lạc, phù chính khu tà, lập lại cân bằng âm dương, đem lại sự hoạt động bình thường của cơ thể, để đạt được mục đích phòng và chữa bệnh. 
  • Xoa bóp bấm huyệt nói chung có tác dụng giảm đau do làm thông kinh hoạt lạc, thư cân giải cơ, chống co cứng và chèn ép. Phương pháp Shiatsu có đặc điểm là kỹ thuật viên quỳ, dùng đầu gối dang rộng làm điểm tựa, lực ấn xuống là trọng lực của cơ thể, do vậy lực tác dụng đủ mạnh để gây kéo giãn cột sống trong động tác kỹ thuật kéo giãn cột sống. Ấn xuống trong thì thở ra của cả thầy thuốc và BN làm lực mạnh hơn, BN không gồng chống lại, nên lực ấn sẽ tác dụng tốt hơn. Khi cột sống được kéo giãn, các đĩa đệm đỡ bị chèn ép nên ta thấy có cải thiện rõ rệt hội chứng rễ và hội chứng cột sống. Nhờ tác dụng giảm đau, tác dụng kéo giãn cột sống, cải thiện các dấu hiệu của hội chứng cột sống và hội chứng rễ nên chức năng vận động và khả năng lao động, sinh hoạt của bệnh nhân được cải thiện. Kết quả giảm đau trong nghiên cứu của chúng tôi qua thang điểm VAS và Macnab cũng phù hợp với nghiên cứu của Brady LH, Henry K, Luth JF, Casper-Bruett KK (2001) (Mỹ), họ đã dùng Shiatsu điều trị cho 66 bệnh nhân bị đau vùng thắt lưng, có hiệu quả giảm đau rõ rệt với p < 0,001.
  • Xoa bóp bấm huyệt nói chung và xoa bóp bấm huyệt kiểu Shiatsu nói riêng đều có tác dụng giảm đau do tác dụng thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết hóa ứ, thư cân giải cơ, chỉ thống. Khi thầy thuốc tác động lên huyệt và kinh mạch, thầy thuốc không chỉ kích thích các mô mềm và thần kinh tại chỗ, mà còn tác động lên cả dòng khí đi qua kinh mạch đó và từ đó đi qua các kinh mạch khác.
  • Kinh mạch chính ở lưng là kinh Bàng quang, một kinh dài nhất của cơ thể. Nó không chỉ kiểm soát chức năng hệ tiết niệu, mà do nó là mặt dương của hành thủy trong cơ thể, nên nó bao phủ tất cả các bộ phận có liên quan đến hệ sinh sản, khả năng chịu đựng, răng, xương, tóc…
  • Lợi ích quan trọng nhất của Shiatsu vùng lưng là kích thích các dây thần kinh cột sống chi phối các chức năng các cơ quan bên trong cơ thể. Có tính chất rất tương đồng là theo y học cổ truyền, hầu hết các huyệt trên kinh Bàng quang ở lưng đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp năng lượng khí cho các tạng phủ tương ứng thông qua các huyệt du. Ví dụ ở trên có Tâm du, Phế du, ở giữa có Tỳ du, Vị du, Can du, Đởm du, ở dưới có Thận du, Đại trường du…Khi tác động vào các huyệt này không chỉ có tác dụng tại chỗ mà còn có thể có tác dụng điều hòa chức năng các tạng phủ tương ứng.
  • Kinh Bàng quang ở lưng có 2 nhánh chạy song song với nhau, theo lý thuyết của học thuyết Âm dương trong y học cổ truyền, nhánh phía trong là âm, nhánh phía ngoài là dương, do vậy khi tác động vào nhánh phía trong sẽ tác động nhiều đến khía cạnh vật chất của cơ thể, trong khi nhánh phía ngoài lại ảnh hưởng nhiều đến lý trí và tình cảm. Điều này cũng phù hợp với nhận xét của một số tác giả khác trên thế giới. Bác sỹ Stevensen C bệnh viện Hoàng gia London sau nhiều năm nghiên cứu Shiatsu cho rằng BN sẽ có cảm giác thư giãn sâu khi được trị liệu bằng Shiatsu, thông qua việc cân bằng năng lượng của cơ thể, chức năng sinh lý và tâm lý tốt hơn có thể xảy ra [8]. Tác giả Long AF (2008) đã tiến hành một nghiên cứu quan sát 948 BN của các nhà trị liệu Shiatsu tại 3 quốc gia khác nhau, ông nhận thấy có sự cải thiện đáng kể triệu chứng, đặc biệt là đối với vấn đề căng thẳng, stress và áp lực với hệ số ảnh hưởng (effect size) = 0,66 - 0,77 [6]. Pirie ZM, Fox NJ, Mathers NJ (2011) thuộc trường University of Sheffield, Samuel Fox House và bệnh viện Northern General Hospital đã nghiên cứu ích lợi của Shiatsu, họ nhận thấy Shiatsu có nhiều lợi ích trong chăm sóc BN, đặc biệt là đối với bệnh phức tạp và BN có nhiều bệnh lý mạn tính.

IV. KẾT LUẬN:    

 

  1. Phương pháp xoa bóp Shiatsu có hiệu quả tốt trong điều trị đau thần kinh hông to do thoát vị đĩa đệm độ 1 và độ 2.
  2. Cải thiện triệu chứng đau thông qua thang điểm đánh giá mức độ đau VAS (Visual Analogue Scale) thời điểm sau điều trị là: 3,3 ±1,8 so với trước là 6,8 ± 1,2 với p < 0.01.
  3. Cải thiện hội chứng cột sống qua chỉ số Schober, dấu hiệu co cứng cơ cạnh sống, dấu hiệu nghẽn Desèze với p < 0.05.
  4. Cải thiện hội chứng rễ:  qua chỉ số Lasègue, Bonet, Neri, Valleix, dấu hiệu bấm chuông với p < 0.05.
  5. Cải thiện kết quả chung với thang điểm Macnab, thang điểm Dư Duy Hào trước và sau điều trị với p < 0.05.

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO


 

  1. Bộ môn y học dân tộc trường Đại học Y Hà Nội (1987), “Đau thần kinh toạ”, Bài giảng Y học dân tộc (tập 2), Nhà Xuất bản Y học, tr 120-122.
  2. Đỗ Thị Dung (2009), “Shiatsu (Bấm huyệt)”, Hướng dẫn kỹ thuật xoa bóp phương đông phương tây, Nhà xuất bản y học, tr 96-134.
  3. Hồ Hữu Lương (2001). “Đau dây thần kinh hông”, Bệnh học thần kinh (Lâm sàng thần kinh tập II), Nhà xuất bản Y học trang 75-82.
  4. Brady LH, Henry K, Luth JF, Casper-Bruett KK (2001), ‘The effects of shiatsu on lower back pain”, J Holist Nurs. 2001;19:57–70
  5. Ian Macnab (1955), low back pain. The hyperextensionsyndrome, Canadian medical Assocoation journal, september 15; 73 (6), p 448-454
  6. Long AF (2008), “The effectiveness of shiatsu: findings from a cross-European, prospective observational study”, Journal of Alternative & Complementary Medicine, 2008;14:921–930. doi: 10. 1089/acm. 2008.0085.
  7. Pirie ZM, Fox NJ, Mathers NJ (2012), “Delivering shiatsu in a primary care setting: Benefits and challenges”, Complementary therapies in clinical practice, 2012 Feb;18(1); 37-42.
  8. Stevensen C. (1997), “The role of shiatsu in palliative care”, complementary therapies in nursing and midwifery. Dec;3(6):168-70

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam