Đánh giá giảm đau và cải thiện chức năng vận động cột sống thắt lưng của điện châm kết hợp thuốc YHCT trên bênh nhân đau thắt lưng cấp
Tóm tắt nghiên cứu
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đau vùng thắt lưng (Low bach pain-Lombalgie), là thuật ngữ để chỉ các triệu chứng đau khu trú tại vùng giữa khoảng xương liên sườn 12 và nếp lằn mông, một hoặc hai bên [1]. Theo Tổ chức y tế thế giới, đau vùng thắt lưng rất thường gặp, 80% dân số có ít nhất một lần đau thắt lưng. Có nhiều nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng: nguyên nhân cơ học hoặc là triệu chứng của một bệnh toàn thể như: nhiễm khuẩn, các bệnh do thấp, nội tiết, u lành và u ác, một số nguyên nhân khác ...Trong đó, đau vùng thắt lưng do nguyên nhân cơ học chiếm 90 - 95% số nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng, diễn biến thường lành tính. Theo Y học hiện đại, điều trị đau vùng thắt lưng cơ học có nhiều phương pháp. Điều trị nội khoa: thuốc giảm đau, giãn cơ. Vật lý trị liệu: nhiệt trị liệu, thủy trị liệu, điện trị liệu, kéo nắn trị liệu, ánh sáng trị liệu, xoa bóp trị liệu, vận động trị liệu. Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật giải phóng chèn ép [2],[3]. Theo Y hoc cổ truyền, đau vùng thắt lưng được mô tả với bệnh danh là “Yêu thống”. Có nhiều nguyên nhân gây ra như: phong, hàn, thấp, nhiệt, khí trệ uyết ứ, can thận hư.
Mục tiêu: Đánh giá tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng vận động cột sống thắt lưng của điện châm kết hợp với Cát căn thang trên bệnh nhân đau thắt lưng cấp thể phong hàn thấp.
II. CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Chất liệu nghiên cứu
- Bài thuốc Cát căn thang có nguồn gốc từ sách “Cảnh Nhạc toàn thư” [4] gồm: Cát căn 20g; Quế chi 08g; Bạch thược 10g; Chỉ xác 08g; Ma hoàng 06g; Phòng phong 08g; Đẳng sâm 12g; Xuyên khung 08g; Sinh khương 06g; Tế tân 06g; Cam thảo 06g. Các vị thuốc được bào chế tại khoa Dược, Bệnh viện YHCT TW theo quy định của Bộ Y tế. Thuốc được sắc theo hệ thống sắc tự động, mỗi thang sắc thành 2 gói, mỗi gói 150 ml. Liều dùng: Mỗi ngày uống 1 thang trong 2 tuần, uống ấm, chia 2 lần.
- Công thức huyệt điều trị: A thị, Giáp tích L1 – L5 châm tả. Đại trường du, Thận du Dương lăng tuyền, Ủy trung châm bình bổ bình tả.
2.2. Đối tượng nghiên cứu
- 2.2.1. Đối tượng nghiên cứu:
- Gồm 60 bệnh nhân được chẩn đoán là đau thắt lưng cấp nguyên nhân cơ học, điều trị tại bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương trong 14 ngày.
- 2.2.2. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo y học hiện đại
- Tuổi từ >18 tuổi.
- Bệnh nhân được chẩn đoán đau thắt lưng cấp nguyên nhân cơ học.
- Bệnh nhân tình nguyện tham gia nghiên cứu và tuân thủ đúng liệu trình điều trị; không áp dụng các phương pháp điều trị khác trong thời gian nghiên cứu.
- 2.2.3. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo y học cổ truyền
- Bệnh nhân được chẩn đoán là đau thắt lưng cấp thể phong hàn thấp:
- Vọng chẩn: Cơ cạnh cột sống co cứng, rêu lưỡi trắng.
- Văn chẩn: Tiếng nói to rõ, hơi thở bình thường.
- Vấn chẩn: Vùng thắt lưng đau nhức, cứng khó vận động, đau tăng khi lạnh, mưa, cảm giác nặng nề, tê bì, sợ lạnh, ẩm thấp, chườm nóng dễ chịu, đại tiện nát, tiểu tiện trong.
- Thiết chẩn: Mạch trầm hoạt.
- Bệnh nhân được chẩn đoán là đau thắt lưng cấp thể phong hàn thấp:
- 2.2.4. Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân:
- Đau thắt lưng mạn tính: Thời gian đau thắt lưng trên 3 tháng.
- Đau vùng thắt lưng triệu chứng.
- Có kèm các bệnh mạn tính: bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, xơ gan, suy thận.
- Bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu và bệnh nhân không tuân thủ điều trị.
- Đau lưng cấp thể phong thấp nhiệt và thể huyết ứ.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
- 2.3.1. Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng nhãn mở, có đối chứng.
- 2.3.2. Cỡ mẫu nghiên cứu:
- Chọn cỡ mẫu thuận tiện gồm 60 bệnh nhân chia thành hai nhóm theo phương pháp chọn mẫu có chủ đích, theo phương pháp ghép cặp, mỗi nhóm 30 bệnh nhân.
- Nhóm nghiên cứu: Dùng phương pháp điện châm kết hợp với “Cát căn thang”
- Nhóm chứng: Điều trị điện châm đơn thuần.
- 2.3.3. Chỉ tiêu nghiên cứu:
- Mức độ đau cột sống thắt lưng (CSTL) theo thang điểm VAS.
- Độ giãn cột sống thắt lưng (Nghiệm pháp Schober).
- Tầm vận động của cột sống thắt lưng
- 2.3.4. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả:
- Đánh giá hiệu quả giảm đau theo thang điểm VAS sau điều trị của hai nhóm.
III. BÀN LUẬN
3.1. Hiệu quả giảm đau theo thang điểm VAS giữa hai nhóm nghiên cứu
- Sau điều trị mức độ đau của nhóm chứng và nhóm nghiên cứu chủ yếu là mức độ đau nhẹ và không đau.
- Cụ thể mức độ đau theo thang điểm VAS trước điều trị của nhóm nghiên cứu 6,87 ± 1,46 sau 14 ngày điều trị giảm còn 1,67 ± 0,79, nhóm chứng trước điều trị là 6,97 ± 1,40 sau 14 ngày điều trị giảm còn 2,50 ± 0,87.
- Điểm VAS của nhóm nghiên cứu sau điều trị thấp hơn nhóm chứng cho thấy bệnh nhân ở nhóm nghiên cứu giảm đau tốt hơn so với bệnh nhân ở nhóm chứng, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
- Bệnh nhân đau thắt lưng thể Phong hàn thấp tý xuất hiện triệu chứng đau là do ngoại tà xâm nhập vào kinh lạc làm kinh khí không thông sướng, vận hành bị trở ngại. Trong nghiên cứu sử dụng Bài thuốc “Cát căn thang” có các vị thuốc
- Phòng phong, Tế tân, Quế chi, Ma hoàng, Sinh khương có tác dụng trừ phong hàn tà ở cơ biểu.
- Tế tân, Quế chi làm ôn ấm, thông kinh hoạt lạc nên đặc biệt có tác dụng đối với thể Phong hàn thấp tý, đuổi phong hàn tà ra khỏi kinh lạc, cơ biểu.
- Bên cạnh các vị thuốc giải biểu, bài thuốc còn có Xuyên khung và Chỉ xác, tác dụng hành khí hoạt huyết phục hồi sự lưu thông khí huyết đi trong kinh lạc. [4],[5],[6].
- Trên cơ sở “Thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, nhóm nghiên cứu sử dụng cả bài thuốc “Cát căn thang” và điện châm vì vậy mà có tác dụng giảm đau rõ rệt, cao hơn so với điện châm đơn thuần.
3.2. Cải thiện độ giãn cột sống thắt lưng và tầm vận động sau điều trị của hai nhóm
- Chức năng vận động cột sống thắt lưng được thể hiện qua độ giãn cột sống thắt lưng và tầm vận động cột sống thắt lưng. Trong đau thắt lưng cấp, sự hạn chế chức năng vận động cột sống thắt lưng là hậu quả của triệu chứng đau, cũng như do hiện tượng co cứng các cơ cạnh sống, co kéo các tổ chức liên kết bao gồm gân cơ, dây chằng, bao khớp…Trong bài thuốc, Cát căn là chủ dược có tác dụng giải cơ trong trường hợp cơ bị co cứng do cảm phải ngoại tà phong hàn thấp. Hỗ trợ tác dụng này cho Cát căn có Bạch thược, làm tăng tác dụng thư cân chỉ thống.
- Nhờ tác dụng giảm đau và thư cân của Cát căn thang mà các triệu chứng lâm sàng như độ giãn cột sống thắt lưng, tầm vận động cột sống thắt lưng của hai nhóm đều tăng sau điều trị, nhóm nghiên cứu tăng cao hơn nhóm chứng (p < 0,05) [5],[6].
IV. KẾT LUẬN
- Điện châm kết hợp với Cát căn thang có tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng vận động cột sống thắt lưng trên bệnh nhân đau thắt lưng cấp.
- Giảm điểm VAS 6,87 ± 1,46 trước điều trị còn 1,67 ± 0,79 sau điều trị so với nhóm chứng (p<0,05).
- Cải thiện chỉ số độ giãn thắt lưng: Sau điều trị, độ giãn thắt lưng của nhóm nghiên cứu tăng từ 2,65 ± 0,67 lên 3,96 ± 0,33 (cm) (p < 0,05) so với nhóm chứng độ giãn CSTL tốt hơn. (P<0,05).
- Cải thiện tầm vận động cột sống thắt lưng: Sau điều trị, các động tác cúi, ngửa, nghiêng của nhóm nghiên cứu tăng rõ rệt (p < 0,05).
Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam