Bấm huyệt trị liệu là gì

Bấm huyệt

Bấm huyệt là gì?


Bấm huyệt là nghệ thuật trị liệu có lịch sử rất lâu đời trong nền y học cổ truyền Phương Đông, bấm huyệt có thể coi là phương pháp trj liệu đầu tiên loài người. Bấm huyệt là cách sử dụng các ngón tay (hoặc bộ phận khác của tay) tác động một lực vừa phải vào các huyệt xác định, có tác dụng trị liệu nằm trên bề mặt dọc theo cơ thể từ đầu cho tới ngón chân và ngón tay. Những huyệt đạo này, một khi đã được kích thích đúng có tác dụng sẽ kích hoạt năng lực tự chữa lành của cơ thể thông qua hệ kinh lạc theo nguyên lý Âm - Dương.

Theo các nghiên cứu khảo cổ học và các ghi chép còn được lưu giữ lại thì bấm huyệt có lịch sử khoảng 5000 năm. Người làm nghề bấm huyệt được gọi là Thầy bấm huyệt, khi bấm huyệt thì các Thầy bấm huyệt sẽ sử dụng đôi bàn tay của mình và cảm giác tinh tế của nó trong quá trình thực hiện thao tác, để quyết định lực bấm thế nào cho vừa phải và đạt hiệu quả cao nhất. Tác dụng của phương pháp bấm huyệt là giúp giải phóng những đau nhức và căng thẳng của cơ thể và tâm trí. Ngoài ra bấm huyệt còn giúp điều hoà chức năng của các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể thông qua các mạng lưới đường truyền năng lượng phân bố khắp nơi trong cơ thể. Bấm huyệt còn có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường thể lực, tăng cường dinh dưỡng và phòng ngừa bệnh tật. Ngoài ra, bấm huyệt còn là phương pháp đơn giản, an toàn và dễ thực hiện, chính vì thế mà mỗi người đều có thể học và thực hành bấm huyệt trong thời gian không lâu.


Ngoài những lợi ích về cơ thể, thì bấm huyêt còn có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ tinh thần. Có rất nhiều huyệt đạo nằm trên cơ thể có khả năng điều chỉnh và lập lại cân bằng của hoạt động thần kinh. Những chứng bệnh liên quan đến thần kinh ngoại biên và thần kinh trung ương, đều có thể tìm giải pháp hỗ trợ hoặc chữa trị tận gốc bằng phương pháp bấm huyệt. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Y học hiện đại, thì việc nghiên cứu tác dụng của các huyệt đạo đang trở nên thuận lợi và chính xác hơn bao giờ hết. Thực tế, tại rất nhiều nước trên thế giới, các nhà khoa học đã liên tục tiến hành những nghiên cứu trên lâm sàng về tác dụng của các huyệt đạo cũng như các bộ huyệt được ghi chép lại trong tài liệu cổ xưa. Kết quả của những nghiên cứu này, đã đưa ra được những thông số khoa học về sự thay đổi trên cơ thể và tâm trí của người được bấm huyệt. Từ đó, một lần nữa tái khẳng định hiệu quả của phương pháp bấm huyệt trong phòng ngừa, trị liệu và bảo vệ sức khoẻ con người.


Bấm huyệt như thế nào?


Sử dụng lực của ngón tay đặt trực tiếp lên vị trí của huyệt đạo, có thể dùng ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa hoặc phối hợp giữa các ngón với nhau. Duy trì lực ấn khoảng 1 - 3 phút là vừa phải. Mỗi huyệt khi được tác động sẽ đem lại một cảm giác khác nhau, một số huyệt thì có cảm giác căng tức, trong khi một số huyệt khác lại cho cảm giác đau nhức, cảm giác đau này khá đặc biệt còn gọi là đau kiểu "tức nặng".

Phải bấm với bao nhiêu lực thì đủ để kích hoạt được huyệt đạo? đây là một câu hỏi phổ biến với bất kì ai đang sử dụng liệu pháp huyệt đạo. Câu trả lời phù hợp nhất, đó chính là phải hỏi trực tiếp người bệnh, nếu người bệnh cảm thấy thoải mái, dễ chịu, hoặc nếu có đau khi bấm nhưng khi ngừng bấm thì lại thấy dễ chịu, thì những cảm giác như vậy cho ta biết là huyệt đã được bấm với lực đúng. Ngoài ra, nếu gây nhiều đau đớn, gây sự khó chịu với người bệnh thì gần như chắc chắn là ta đã bấm huyệt sai.


Chúng ta nên bấm theo hướng vuông góc với bề mặt da, theo cách thông thường chúng ta sẽ duy trì lực bấm huyệt một huyệt khoảng 5 đến 10 giây, sau đó sẽ buông ra rồi lại tiếp tục ấn vào. Điểm trọng yếu của kĩ thuật bấm huyệt là bàn tay, cổ tay, các ngón tay, vùng vai phải đúng tư thế. Đúng tư thế tức là đảm bảo cho các vị trí của tay ít bị gấp khúc, các khớp trên bàn tay được duy trì trong vị trí thẳng, đặc biệt là khớp cổ tay và ngón cái. Vì nếu không đúng tư thế, chúng ta sẽ nhanh chóng bị mỏi tay hoặc đau khớp tay. Trong trường hợp, vẫn phải bấm huyệt mà lúc đó tay vẫn còn chưa hết đau hoàn toàn, thì chúng ta nên dùng 2 tay để bấm, hoặc sử dụng các bộ phận khác của tay để bấm ví dụ như khớp ngón tay, khuỷu tay, cánh tay.