Phân loại những điểm nút cơ (Trigger point) khác nhau
Phân loại những điểm nút cơ (trigger point)
Điểm nút cơ là gì?
Điểm nút cơ tiếng anh là Trigger point là một trong những “bệnh” hay gặp nhất của hệ thống cơ bắp. Tỉ lệ bệnh này nhiều hơn rất nhiều so với các chứng bệnh về cơ khác như giãn cơ, căng cơ, nhược cơ, teo cơ… Để đơn giản hiểu về những điểm nút cơ này bạn hãy tưởng tượng nó giống như bạn đang có chiếc áo thật đẹp nhưng chẳng may lại bị vướng vào cái móc và bị sút chỉ, điểm sút chỉ này chính là điểm nút cơ. Điểm nút cơ tạo thành một vùng “co rút” trên chiếc áo, khiến cho bạn khó lòng cảm thấy thoải mái nếu tiếp tục mặc nó.
Cơ thể thì có hàng trăm cơ khác nhau, chúng được xếp thành từng lớp, từng bó, từng nhóm nhằm đảm bảo chức năng mà cơ thể giao phó. Nhưng nhiều lúc, cơ thể đã “giao phó” những công việc vượt quá khả năng xử lý của những lớp cơ đó, vì thế chúng “buộc phải” hình thành điểm nút cơ để có thời gian “nghỉ ngơi tĩnh dưỡng”. Tuy nhiên câu chuyện không đơn giản dừng lại ở chỗ nghỉ ngơi hoặc làm việc, mà vấn đề chính là những gì sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.
Trong bài viết này, chúng ta cần tìm hiểu kĩ hơn về sự phát triển của điểm nút cơ từ khi nó còn "bé xíu xiu" cho tới lúc nó biểu hiện thành những cơn đau nhức mà bất kì ai cũng phải để ý tới. Nào chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về các loại điểm nút cơ (trigger point) có thể xuất hiện trong cơ thể của chúng ta.
Điểm nút cơ tiềm tàng và hoạt động
1- Điểm nút cơ tiềm tàng không có khả năng biểu hiện thành một cơn đau ngoại trừ trường hợp có những tác động vật lý bên ngoài bởi người trị liệu. Hay nói cách khác, cơ bắp của bạn nếu hoàn toàn không cảm thấy vấn đề bất thường nào thì sẽ có hai khả năng, một là hoàn toàn không có điểm nút cơ, hai là chỉ có điểm nút cơ dưới dạng tiềm tàng. Điểm nút cơ tiềm tàng sẽ làm gia tăng tình trạng co cơ mà cơ thể không hề hay biết. Hậu quả cuối cùng là tình trạng yếu dần đi của một cơ, tất cả mọi chuyện đều diễn ra vô cùng âm thầm lặng lẽ.
2- Điểm nút cơ hoạt động tiếp tục được chia thành 2 loại là nguyên phát (primary trigger point) và thứ phát (secondary trigger point).
Điểm nút cơ nguyên phát xuất hiện khi có sự quá tải đầu tiên (nguyên phát) của một cơ. Điểm nút cơ nguyên phát thể hiện sự tồn tại của nó bằng cơn đau cơ cấp. Ví dụ: từ trước đến giờ bạn là người hoàn toàn khoẻ mạnh, khi bạn cúi xuống bê vác vật nặng, sau đó bị đau lưng không thể cử động tự nhiên được, thì đấy chính là do cơ lưng đã hình thành điểm nút cơ nguyên phát. Điểm nút cơ thứ phát hình thành do hoạt động của một điểm nút cơ nguyên phát. Trong trường hợp đau mạn tính điểm nút cơ thứ phát có thể chính là một phần nguyên nhân của cơn đau mạn tính này.
Điểm nút cơ thứ phát tiếp tục được chia thành 2 loại là điểm nút cơ chức năng và vệ tinh, phân loại dựa vào cách mà chúng hình thành. Điểm nút cơ chức năng (functional trigger point) hình thành từ điểm nút cơ nguyên phát theo 2 cơ chế rối loạn chức năng khác nhau:
- Một là: làm cho cơ mang nó bị quá tải, và rồi hình thành điểm nút cơ chức năng ở chính cơ quá tải đó
- Làm cho cơ thể phải ở trong tư thế chống đau —> theo thời gian, cơ thế chống đau sẽ làm một nhóm các cơ khác bị quá tải —> tạo thành điểm nút cơ chức năng ở một cơ khác
Điểm nút cơ vệ tinh là một điểm nút cơ thứ phát đã trở thành hoạt động bởi vì nó nằm bên trong vùng đau xuất chiếu của một điểm nút cơ nguyên phát đã xuất hiện từ trước. Vùng đau xuất chiếu từ điểm nút cơ nguyên phát này tạo thành một “phản ứng bảo vệ” trong vùng đau, nó sẽ làm quá tải cơ (hoặc 1 nhóm cơ) tại vùng phản ứng đó. “Nói cho đơn giản, thì 1 cơ bị quá tải nó sẽ truyền tín hiệu đau sang cơ liên quan, làm cơ liên quan co rúm lại và lâu dần chính cơ nhận tín hiệu đau lại bị quá tải. Khi cơ quá tải thì hình thành điểm nút cơ, điểm nút cơ này gọi là điểm nút cơ vệ tinh vì nó được “bắn ra” từ 1 điểm “trên mặt đất”
Ví dụ: 1 điểm nút cơ nguyên phát ở vùng cơ thang sẽ tạo ra 1 vùng đau xuất chiếu lên vùng thái dương. Chứng đau đầu này làm cho người bệnh căng cơ thái dương không tự nhiên, dẫn đến tình trạng hình thành điểm nút cơ. Những điểm nút cơ trong cơ thái dương được gọi là điểm nút cơ vệ tinh trong tình huống này.