Sự khác biệt chính yếu giữa Y học Phương Đông và Phương Tây
Sự khác biệt chính yếu giữa Y học Phương Đông và Phương Tây
Trong quá trình phát triển của mình, cả hai nền y học Phương đông và Phương tây đều nhận thấy một điều quan trọng để cơ thể con người có thể tồn tại và phát triển đó chính là cần phải duy trì sự cân bằng nội môi. Y học Phương tây gọi điều này là homeostasis (sự cân bằng nội môi). Chúng ta có thể hiểu sự cân bằng nội môi theo cách đơn giản nhất là khả năng duy trì nhiệt độ trong mức độ giới hạn cho phép - khi chúng ta cảm thấy nóng thì chúng ta bật điều hoà lạnh, còn khi cảm thấy quá lạnh, thì chúng ta bật điều hoà nóng. Quá trình mà cơ thể con người điều chỉnh cân bằng nội môi cũng tương tự như vậy, cơ thể cần phải tự điều chỉnh để duy trì tình trạng nội môi ổn định bao gồm các mặt: nhiệt độ, nồng độ các chất dinh dưỡng và điện giải, nồng độ oxy và cacbonic, thể tích các loại dịch, nồng độ chất thải, độ pH máu và huyết áp. Các nhà khoa học đã khám phá ra trong cơ thể tồn tại những lực kéo - đẩy khác nhau giữa các thành phần và cơ quan, đồng thời trong bản thân cơ thể cũng luôn tồn tại khả năng bẩm sinh giúp tự các chức năng sao cho có sự thích ứng tốt nhất với các biến đổi bên ngoài môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, gió, đất, nước.
Y học Tây phương tìm cách phân chia cơ thể thành những hệ thống mô cơ quan khác nhau dựa trên chức năng của từng cơ quan bộ phận này. Việc phân chia cơ thể thành từng thành phần riêng lẻ như thế giúp chúng ta dễ dàng nghiên cứu và tìm hiểu điều gì đã và đang sảy ra đối với những cơ quan bộ phận đó ở mức độ cơ thể. Cơ thể được chia thành phần khác nhau, từ những hệ thống lớn như hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hoá v.v.. rồi tiếp tục, trong các hệ thống đó lại chia nhỏ ra nữa là tim, gan, dạ dày, phổi v.v.. rồi cứ như vậy, chia nhỏ dần và nhỏ dần. Chúng ta có thể dùng từ “chế độ phóng to” để nói về cách giải thích cấu tạo cơ thể người.
Y học Tây phương cũng nhận ra rằng, ngay cả khi cơ thể được tạo thành bởi những thành phần khác nhau tuy nhiên toàn bộ chức năng của các cơ quan là một thể thống nhất. Thể thống nhất đó chính là duy trì trạng thái cân bằng nội môi và các cơ quan hệ thống phải làm việc với nhau để giúp cơ thể có thể đáp ứng được với những thay đổi do tác động từ môi trường bên ngoài. Tuy việc nhận thức như vậy, nhưng dường như nó chỉ tồn tại trên sách vở, bởi vì đến khi mà một cơ quan nào đó trong cơ thể trở nên yếu đuối hoặc mắc bệnh, thì chúng ta lại thường tìm đến những bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh. Ví dụ trong trường hợp bị rối loạn nội tiết, chúng ta sẽ đến bệnh viện nội tiết, hoặc khi bệnh tiêu hoá thì chúng ta sẽ đến khám với một bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá v.v.. Tuy nhiên, trong trường hợp chúng ta không biết những vấn đề trong cơ thể là do cơ quan nào, thì chúng ta sẽ gặp bối rối trong việc lựa chọn nơi chữa bệnh, thông thường thì chúng ta đi “tứ phương” để tìm thầy chữa bệnh. Qua những ví dụ và sự phân tích ở trên, chúng ta nhận ra một điều rằng khi chúng ta “phóng to” cơ thể lên để tìm kiếm những điểm chi tiết thì cũng khó có thể nhìn thấy những điểu mang tính chất toàn thể, vì thế cũng chúng ta cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một giải pháp duy trì sức khoẻ toàn diện.
Y học Đông phương trong quá trình hình thành và phát triển cũng nhận ra một điều tương tự mà y học Tây phương nhận ra, đó là cơ thể cần phải duy trì trạng thái cân bằng giữa các bộ phận bên trong với nhau và giữa cơ thể với môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, ngược lại với Tây phương, các nhà Đạo học và thầy thuốc Đông phương lại có cách tiếp cận cơ thể theo hướng “thu nhỏ” cơ thể, tức là họ cố gằng tìm kiếm cách thức để giúp từng bộ phận nhỏ bên trong cơ thể có thể hoạt động phù hợp nhất với cái toàn thể (trái đất - vũ trụ). Thay vì việc chia nhỏ cơ thể thành những cơ quan bộ phận hay hệ thống đại diện cho mỗi chức năng cơ thể, thì những thầy thuốc Đôgn phương lại nhìn nhận về sự chuyển động của những dòng chảy năng lượng bên trong cơ thể. Với họ, cơ thể muốn khoẻ mạnh thì các dòng chảy năng lượng này phải thông suốt, đem chất dinh dưỡng cần thiết đến mọi ngóc ngách trong cơ thể. Không những thế, các dòng chảy này cũng mang đi những chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sống, những chất dư thừa, độc hại ra bên ngoài. Tất cả những bộ phận trong cơ thể đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, hoạt động của một cơ quan không thể tách rời với hoạt động của một cơ quan khác trong cơ thể trong cùng một thời điểm. Với cách nhìn về cơ thể như vậy, các thầy thuốc Đông phương trị liệu một cơ quan bị bệnh bằng cách tìm ra sự sai sót trong dòng chảy năng lượng liên quan đến cơ quan đó và sự liên quan của dòng chảy năng lượng đó với nguồn năng lượng của toàn bộ cơ thể. Có thể dòng năng lượng đó bị thiếu, bị thừa, hoặc bị tắc nghẽn hay di chuyển sai đường… tất cả những yếu tố này đều có thể là nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của cơ quan bị bệnh.
Tóm lại, Y học Tây phương tìm cách giải thích cơ thể theo hướng ngày càng chi tiết một cơ quan bộ phận trong cơ thể, và khi muốn chữa một cơ quan bị bệnh nào đó thì các y bác sĩ sẽ liên tục tìm kiếm những bằng chứng để xác nhận chẩn đoán đó. Ngược lại, với cách nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa các bộ phận bên trong con người và sự liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên thiên, các bậc thầy y khoa Phương đông đã tìm ra rất nhiều các trị liệu tự nhiên, vừa an toàn nhưng lại rất hiệu quả.