Đánh giá tác dụng của xoa bóp bấm huyệt trong điều trị đau thắt lưng

Xoa bóp bấm huyệt trị liệu đau thắt lưng cấp

Đau thắt lưng là gì?

Đau thắt lưng là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Bệnh xảy ra ở cả nam và nữ, hay gặp nhất ở độ tuổi lao động (20-60 tuổi), ảnh hưởng đến năng suất lao động . Có nhiều phương pháp điều trị đau thắt lưng cấp bằng Y học hiện đại cũng như Y học cổ truyền. Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp phổ biến điều trị đau thắt lưng cấp. Đây là một phương pháp đơn giản, ít tốn kém, ứng dụng tốt ở các tuyến cơ sở nhưng chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào đánh giá hiệu quả tác dụng sử dụng trên lâm sàng.

Biểu hiện của đau thắt lưng cấp theo y học hiện đại:

Bệnh nhân được chẩn đoán đau thắt lưng cấp do nguyên nhân cơ học có những triệu chứng sau:

  1. Triệu chứng cơ năng: Không có tiền sử chấn thương từ trước, đau sau khi mang vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột, sau khi nhiễm lạnh, đau cố định ở vùng cột sống thắt lưng, có thể lan hoặc không lan xuống một hoặc hai chân, tăng lên khi lao động, cúi ngửa, giảm đi khi nghỉ ngơi, đáp ứng tốt với thuốc giảm đau không steroid.
  2. Chiệu chứng thực thể: Hội chứng thắt lưng hông dương tính, hội chứng rễ thần kinh: có hoặc không.
  3. Tuổi từ 18 - 70 tuổi.
  4. Biểu hiện đau thắt lưng cấp, theo y học cổ truyền thuộc một trong các thể: phong hàn, huyết ứ.


Triệu chứng thể phong hàn thể huyết ứ

  1. Vọng (nhìn): Thể phong hàn: Thường đau một bên cột sống, nhìn cơ cạnh cột sống không đỏ. Thể huyết ứ: Đau một bên hoặc hai bên cột sống, cơ vùng lưng co cứng, vận động hạn chế, nhiều khi không cúi, không đi lại được.
  2. Vấn (hỏi): Thể phong hàn:  Đau lưng xảy ra đột ngột sau khi bị lạnh, mưa ẩm thấp, lưng đau nhiều, khó cúi ngửa, ho hắt hơi đau tăng, toàn thân sợ lạnh. Thể huyết ứ: Đau thắt lưng xuất hiện sau khi mang vác nặng, hoặc sau một động tác thay đổi tư thế đột ngột
  3. Thiết (sờ): Thể phong hàn: Sờ khối cơ cạnh cột sống co cứng, có điểm đau cự án, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm huyền. Thể huyết ứ: Sờ đau dữ dội tại một điểm, chất lưỡi tím, có điểm ứ huyết, mạch phù khẩn.

Chỉ tiêu theo dõi:

  1. Mức độ đau Cột sống thắt lưng theo thang điểm VAS.
  2. Độ giãn CSTL (Nghiệm pháp Schober).
  3. Tầm vận động của Cột sống thắt lưng
  4. Các chức năng sinh hoạt hàng ngày theo chỉ số RMDQ (Roland Moris Disability Questionare).

Phương pháp đánh giá kết quả

  1. Đánh giá hiệu quả giảm đau theo thang điểm VAS sau điều trị
  2. Đánh giá và so sánh độ giãn cột sống thắt lưng trước và sau điều trị
  3. Đánh giá và so sánh sự thay đổi tầm vận động cột sống thắt lưng trước và sau điều trị
  4. Đánh giá và so sánh sự thay đổi chức năng sinh hoạt hàng ngày trước và sau điều trị

Phương pháp điều trị:

Bệnh nhân nằm sấp trên giường, người làm xoa bóp đứng lần lượt làm các thủ thuật sau

  1. Day dọc hai bên cột sống từ cột sống ngực thứ 7 đến mông 3 lần
  2. Lăn hai bên cột sống từ cột sống ngực thứ 7 đến mông 3 lần
  3. Bóp hai bên cột sống từ cột sống ngực thứ 7 đến mông 3 lần
  4. Bấm các huyệt: giáp tích nơi đau, thận du, đại trường du, cách du, a thị huyệt

Kết quả nghiên cứu:

  1. Mức độ đau theo thang điểm VAS sau điều trị giảm.
  2. Sau điều trị bệnh nhân có độ giãn cột sống thắt lưng ≥ 4 cm
  3. Sau điều trị nhóm nghiên cứu không còn bệnh nhân nào hạn chế vận động nặng
  4. Sự thay đổi chức năng sinh hoạt hàng ngày trước và sau điều trị của nhóm nghiên cứu có xu hướng tốt hơn

 

Bài viết được trích từ: Tạp chí nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Việt Nam