Những ẩn chứa trong con đường trị liệu của Y học cổ truyền

bn

Chẩn đoán của y học cổ truyền thoạt nhìn có vẻ đơn giản

Có lẽ, không ít người trong chúng ta đã từng trải nghiệm một lần đi khám bệnh với các y bác sỹ y học cổ truyền tại các bệnh viên hoặc phòng khám tư nhân. Nơi khám bệnh thường rất ít xuất hiện các máy móc hoặc thậm chí với những lương y cổ truyền có người còn không sử dụng bất kỳ loại máy móc nào. Vậy làm sao mà họ biết bệnh tật được?

Y học cổ truyền với lịch sử hơn 4 nghìn năm trước, đương nhiên thời đó thì làm gì có máy móc nào, nhưng tại sao người ta vẫn biết được bệnh tật, làm sao người ta lại biết được những diễn biến xảy ra bên trong cơ thể, thậm trí cả những rối loạn xuất hiện trong tâm trí của một người nào đó khi họ cảm thấy không được khỏe? 

Để làm được điều đặc biệt này, các nhà y học cổ truyền đã sử dụng con đường chẩn đoán rất đặc biệt, đó là con đường đi từ hình tới tượng, từ tượng thấu được ý, từ ý cảm được khí và từ khí thấy ra được cải bản chất vấn đề sức khỏe. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng làm rõ về con đường trị liệu của y học cổ truyền, để từ đó hiểu rõ thêm những giá trị cốt lõi tuyệt vời được ẩn chữa trong con đường chẩn đoán và trị liệu của y học cổ truyền.

hệ thống kinh lạc giúp người thầy đông y tìm ra gốc rễ bệnh tật

Từ hình thấy tượng

Từ sự nhận thức về thế giới, vũ trụ mình đang sống theo quy luật âm dương, các nhà y học cổ đại đã đưa ra được những phân tích về bản chất cấu trúc thân tâm của con người, nhằm tìm ra bản chất trong cấu hình thân thể, cấu hình tâm trí và cao hơn nữa là thấy rõ được quy luật vận động liên quan mật thiết đến sức khỏe và bệnh tật trong mỗi cá thể.

Con người là một phần của tự nhiên, con người sinh ra, lớn lên, phát triển và rồi trở về với tự nhiên, trong tự nhiên có âm dương sáng tối, nóng lạnh, nước lửa thì trong con người cũng như vậy. Trên cơ sở phân định thành âm và dương, khi muốn biết một vấn đề sức khỏe nào đó, các thầy đông y cũng sẽ đưa ra sự phân tích dựa trên tính chất âm dương. Ví dụ khi người bệnh bị đau nhức nhưng thấy thần thái, da dẻ còn hồng hào, mắt còn linh hoạt, thần còn tốt thì những tình trạng đau nhức đó sẽ dễ chữa, mau khỏi vì tình trạng được xếp vào dương chứng. Ngược lại, cũng với một tình trạng đau nhức, nhưng người bệnh có sắc mặt nhợt nhạt, quầng mắt thâm, da dẻ khô xạm, mắt lờ đờ, thần yếu nhược... thì chắc chắn bệnh sẽ khó chữa hơn, bởi đau nhức đó thuộc về âm.

Ngoài phần hình tượng bên ngoài, người xưa khi tiến hành việc chữa bệnh thì luôn đề cao việc xem hình tướng khuông mặt bởi vì qua khuôn mặt người ta không những biết được tình trạng của các tạng phủ, mà còn đoán biết được ít nhiều về tâm trí người bệnh. Bởi vì qua những nét biểu hiện trên khuôn mặt còn cho biết những xu hướng vận động của tâm lý người đó, vì thế các nhà y học khi có sự luyện tập và thực hành dài lâu có thể nhìn thấu tâm can của người bệnh. Thực sự việc làm này không hề khó, bởi vì nó đều dựa trên những quy luật rõ ràng của âm dương, dịch lý, cho nên chỉ cần chăm chỉ học tập, rèn luyện thì ai cũng có thể làm được.

Ví dụ về từ hình tướng khuôn mặt thấy tâm ý như sau: khi nhìn mặt thấy khuôn mặt nhiều thịt, mềm mại, đầy đặn thì người ta sẽ biết người này có xu hướng tâm lý hài hòa, vui vẻ, muốn lan tỏa, nhiều nhiệt huyết. Còn nhìn muôn mặt thấy gồ gề, lộ xương, thịt mỏng thì người ta biết đó có xu hướng tâm lý nguyên tắc, khuôn mẫu, trầm tĩnh, cứng rắn.

Kinh lạc kết nối với khuôn mặt kết nối với nội tạng kết nối với nguyên khí vì thế nhìn mặt có thể thấy được nhiều điều về thân tâm một người

Từ tượng thấu được ý

Ý ở đây là ý nghĩa của biểu tượng, giống như việc chúng ta nhìn vào một bức họa, một chiếc bình gốm, một chai rượu, cử chỉ động tác của một ai đó thì đều có thể thấy được cái ý trong đấy. Trong y học cổ truyền khi nhìn một người bệnh, qua các biểu hiện hình tượng bên ngoài, người làm nghề cũng sẽ thấy ra được cái ẩn ý trong đấy. Ví dụ: khi nhìn thấy một người trẻ tuổi mà tóc bạc khá nhiều, da mặt nhợt nhạt, cử chỉ chậm chạm thì biết người đó bị huyết hư (thiếu máu), khí hư (thiếu năng lượng hoạt động). Thêm một ví dụ nữa, là khi xem mạch mà thấy mạch đó bị cứng, lúc đập lúc nghỉ không đều đặn thì biết người đó bị hàn (lạnh) xâm nhập vào bên trong người.

Để thấy được cái ý nghĩa của hình tượng bên ngoài, thì người làm nghề đông y cần phải có hai trạng thái của tâm, một là nội tâm phải tĩnh thứ hai là tâm phải sáng. Tĩnh và sáng giống như hình ảnh tấm gương soi được để yên tĩnh và mặt gương không có bụi bặm, như vậy thì sẽ soi rõ được bên trong. Cái tĩnh của người thầy thuốc phải luyện tập qua những bài tập khí công, tập thở, tập cảm nhận, tập buông thư, hòa hợp. Cái sáng thì phải liên tục được mài dũa thông qua kiến thức về y học, khoa học, đạo học, dịch học, triết học.

Muốn chẩn đoán đúng thì tâm cần phải tĩnh

Từ ý cảm được khí, thần

Đây là một bước đặc biệt, nó đòi hỏi người làm nghề đông y phải cảm nhận được cái khí (thần khí) mà người của bệnh toát ra. Cái khí này là cái khí của toàn thân và cũng hoàn toàn có thể là cái khí của các đường kinh mạch, tạng phủ. Không phải ai học đông y, ai làm trị liệu bằng đông y cũng có thể đạt tới bước khí cảm này, bởi vì để cảm được khí của người bệnh thì người làm nghề cần phải cảm được khí của mình trước tiên. Muốn cảm được khí của bản thân thì phải có khí cảm trước đã, muốn có khí cảm thì cần phải có sự hòa hợp về thân tâm trong một thời gian đủ dài. 

Từ khí thấy được gốc rễ 

Gốc rễ ở đây chính là điểm khởi đầu của tình trạng bệnh tật đang diễn ra trên người bệnh. Y học cổ truyền nói rằng, mất cân bằng âm dương sinh ra bệnh tật và tắc nghẽn kinh mạch sinh ra đau nhức. Sự mất cân bằng này luôn phải bắt đầu từ một sự cân bằng, rồi từ 1 điểm, 1 trạng thái mất cân bằng sẽ dần sinh ra nhiều trạng thái mất cân bằng khác nhau. Cái gốc rễ ở đây chính là nói đến điểm xuất phát của sự mất cân bằng đầu tiên này. Ví dụ: một người bị đau nhức cổ vai gáy, thì chúng ta biết rằng nó phải có nguyên nhân nào đó, có thể là từ phần cơ, phần xương, phần khớp hoặc từ trong cảm xúc, tâm trạng, thói quen, công việc, thời tiết, môi trường v.v.. vậy nếu thấy được cái gốc rễ này thì việc chữa trị sẽ là bao gồm 2 trong 1, vừa chữa ngọn vừa chữa gốc cùng lúc.

Kể cả đông y và tây y, nếu chúng ta biết học hỏi từ người bệnh và trân trọng họ thì chúng ta sẽ thấy được rất nhiều điều về chính mình

Sự sâu sắc ẩn tàng trong cái giản dị

Có lẽ, qua đôi dòng phân tích trên, người đọc có thể thấy được cái sâu sắc được ẩn tàng trong cái giản dị của cách trị liệu y học cổ truyền. Khi chúng ta trị liệu cho người khác thì chúng ta cũng cần thấu hiểu và làm chủ chính thân tâm của mình. Vì thế, không phải việc chữa trị chỉ là một chiều, mà việc chữa trị sẽ là hai chiều. Chính vì lẽ đó mà trong y học luôn có câu nói kinh điển :"bệnh nhân là thầy của thầy thuốc", bệnh nhân ngoài việc nhận của thầy thuốc các chỉ định chữa trị, ngược lại họ còn là người thầy, là người chỉ dạy cho người thầy thuốc cách hiểu chính họ.

Cái sâu sắc của việc trị liệu trong y học cổ truyền là như vậy đấy, nhưng vì nó thường được giấu dưới hình thức những điều dạy giản dị, nên cũng không phải nhiều người nhân ra được.