Tư thế phổ biến trong xoa bóp bấm huyệt

Tư thế đúng và sai

Để thực hiện đúng và chính xác một kĩ thuật xoa bóp bấm huyệt hay massage đòi hỏi người thực hiện cần phải có một tư thế chuẩn của toàn bộ các bộ phận trên cơ thể. Trong các bài massage hoặc xoa bóp thường thì chúng ta thực hiện kĩ thuật bằng ngón tay, bàn tay, cánh tay hoặc khuỷu tay, nhưng vì toàn bộ cơ thể chúng ta là một khối thống nhất vì thế đôi tay cần được kết nối với thân thể trong bất kì chuyển động nào. Tay cần kết nối với tay bên kia, với khớp háng, với đầu gối và với bàn chân. Nếu như người thực hiện được trang bị đầy đủ những kiến thức về tư thế đúng, biết vận dụng những kiến thức đó vào trong thực tế thì sẽ có lợi thế đem lại rất nhiều lợi ích cho họ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Những lợi ích đó là gì? 

  • Làm lâu sẽ không bị mỏi, khong bị đau tay, không bị sưng khớp tay, không bị căng thẳng cơ bắp
  • Hạn chế tối đa những chấn thương có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các kĩ thuật
  • Giúp người thực hiện có thể hít thở dễ dàng hơn, làm ít tốn lực hơn do các cơ bắp được cung cấp đầy đủ oxi
  • Đem lại cảm giác thoải mái, thư giãn tối đa cho khách hàng
  • Luôn có bàn tay ấm áp và mềm mại
  • Ngày càng trở nên tiến bộ hơn 

Tiêu chuẩn của một tư thế chuẩn

  1. Cột sống thẳng tự nhiên: trong mọi tư thế, chúng ta cần phải giữ cho cột sống được thẳng tự nhiên, tức là trục nối giữa đỉnh đầu (Huyệt Bách hội) và điểm thấp nhất của cột sống (Huyệt Hội âm) phải thẳng hàng với nhau. Cột sống thắng giúp đường kinh mạch lưu thông dễ dàng, thuận lợi, nhờ đó mà tất cả những bộ phận trên cơ thể sẽ được tiếp nhận đủ khí huyết, vì thế đảm bảo chức năng hoạt động tốt nhất
  2. Các khớp xương mềm mại: Các khớp dễ bị căng cứng, lệch trục chính là khớp vai, khớp háng, khớp khuỷu tay, khớp gối, khớp cổ tay và cổ chân. Nếu như các khớp này bị bóp cứng do sự xiết chặt vô cớ trong những kĩ thuật sai của người thực hiện thì sẽ gây nên những “vi chấn thương” đối với diện khớp, và chỉ trong một thời gian không lâu sau khi làm xoa bóp, bấm huyệt thì người đó đã cảm thấy sự đau nhức ở những khớp nói trên, sự đau nhức này sẽ không tự nhiên mất đi mà sẽ ngày càng trở nên nặng hơn nếu như người làm xoa bóp không có ý thức thay đổi tư thế sai thành tư thế đúng trong mỗi kĩ thuật của mình.
  3. Kết nối về trung tâm: Cơ thể con người có thể tạm chia thành 3 phần lớn là tay, chân, thân. Trung tâm của tay là khuỷu tay, trung tâm của chân là đầu gối, eo là trung tâm của thân. Nếu như chúng ta biết cách sử dụng những phần trung tâm này  để điều khiển các hoạt động của cơ thể trong khi thực hiện bất kì động tác massage nào, thì sẽ nhanh chóng đạt được nhiều thành công vượt bậc trong nghề nghiệp

Những tư thế thường dùng

  1. Tư thế đứng hai chân song song: trong tư thế này, cần đưa trọng tâm cơ thể vào giữa lòng bàn chân, tránh việc dồn trọng lượng cơ thể lên gót hoặc mũi chân hoặc cạnh bên của bàn chân,vì thư thế sẽ gây căng thằng cho toàn bộ các khớp ở phần dưới cơ thể và vùng cột sống thắt lưng
  2. Tư thế đứng chân trước chân sau: Trọng tâm sẽ nằm ở giữa đường nối giữa chân trước và chân sau, trong tư thế này, người làm xoa bóp sẽ dễ dàng di chuyển tiến và lùi. Có một điểm cần lưu ý, là khi di chuyển tiến hoặc lùi, thì không được dồn quá nhiều lực vào đầu gối trước hoặc sau, vì như thế sẽ dẫn đến nhanh mỏi đầu gối và mỏi lưng
  3. Tư thế ngồi: Trong một số các kĩ thuật massage, xoa bóp thì chúng ta phải sử dụng tư thế ngồi để thực hiện kĩ thuật. Có một số tư thế ngồi khác nhau là ngồi quỳ 1 chân, ngồi quỳ 2 chân. Dù là ngồi thế nào, thì cột sống cần phải giữ thẳng tự nhiên, vai trùng xuống, thu xương cùng và thu gọn ngực và bụng lại. Nhờ việc thu gọn các bộ phận của cơ thể như vậy, mà việc di chuyển tiến lùi, qua trái qua phải của chúng ta sẽ được linh hoạt và nhẹ nhàng hơn nhiều.
Đứng hai chân song song
Tư thế đứng hai chân song song
Đứng chân trước chân sau
Đứng chân trước chân sau
Tư thế quỳ 1
Tư thế ngồi quỳ bằng 1 đầu gối, chịu lựu bằng 3 điểm: đầu gối, ức chân và bàn chân
Ngồi quỳ 2
Tư thế ngồi quỳ bằng 2 đầu gối, chịu lực bằng 4 điểm: 2 ức chân, 2 đầu gối